Gia đình tôi sống ở Pháp đã khoảng 9 năm. Vì ở đây kỳ nghỉ là vào dịp Noel và Tết tây, Tết ta không được nghỉ nên đôi khi cảm giác rất nhạt nhòa. Chỉ khi thấy qua Facebook, hay đọc báo thấy ở nhà mọi người bắt đầu chuẩn bị thì lòng mình cũng nôn nao theo.
Từ đầu năm ngoái, các ca nhiễm Covid đã lác đác và vẫn còn khủng hoảng toàn cầu đến giờ, mà chưa có hồi kết. Cuộc sống tại Pháp cũng đảo lộn cả. Một năm không thể buồn hơn! Rất nhiều kế hoạch về Việt Nam đã bị huỷ.
Năm nay, vì dịp nghỉ lễ 2 tuần của bọn trẻ đúng vào Tết nguyên đán, cả nhà còn định sẽ về Việt Nam ăn Tết dài. Chắc nhiều gia đình Việt ở nước ngoài cũng trông đợi để cả nhà được về hưởng Tết quê hương lắm. Nhưng Covid với làn sóng thứ 3 đã phá hủy luôn dự định ấy. Tiếc và lo lắng là cảm xúc hiện tại vì không thể về, lo vì nghe thời gian này ở nhà nhiều ca mới hơn.
Tôi xa nhà 9 năm, chỉ có duy nhất Tết năm 2016 được ăn Tết ở nhà. Đến bây giờ vẫn mừng vì mình cho con trai về đợt ấy, để con biết Tết là gì, để con cảm nhận được sự sum họp, tình cảm ông bà, cô bác, anh chị em, họ hàng. Vì chỉ có Tết gia đình mới có dịp gặp đầy đủ đến thế. Những người độc thân có thể cảm giác Tết xa không nhiều nhưng khi có gia đình, có con nhỏ thì tâm lý muốn con biết Tết dân tộc, nếm thú vui ngày Tết sẽ nhiều hơn.
Mà khi càng gần Tết thì thường thường lại thèm vơ vẩn miếng ô mai, miếng mứt dừa, cái kẹo mãng cầu… Đôi khi muốn nghe tiếng í ới của phiên chợ. Chung quy toàn là những vụn vặt. Nhưng đến hôm 30 Tết ở nhà là khoảnh khắc đáng sợ nhất. Lúc ấy thấy mình cô đơn, lạc lõng và tự hỏi: "Sao ta ở đây?" trong khi người thân đang sum họp ở nhà.
Cái nhớ nhất của riêng tôi là những cái Tết còn ở với bố mẹ - những cái Tết đúng nghĩa vô lo vô nghĩ, chỉ đơn giản là thả lỏng để tận hưởng Tết thôi.
Trước Tết, đại gia đình nhà ông bà ngoại sẽ tụ tập gói bánh chưng, vào khoảng 27 - 28 Tết gì đó. Cả nhà sẽ xuống nhà bác ở Âu Cơ, có vườn rộng, gian bếp ngoài có mái che để đun bánh. Tôi ngày ấy chỉ xem thôi, chứ không phải làm. Các bác, mẹ, dì ra sức gói bánh mất cả ngày trời. Tầm đầu giờ chiều là bắt đầu luộc. Bố sẽ phụ trách nhóm bếp, châm nước. Tôi sợ khói chạy mất dạng khi nào lửa đều rồi mới đảo qua xem. Rồi rủ mấy đứa trẻ con lúi húi vùi khoai lang dưới lớp than hồng rực ấy.
Đến đêm Giao thừa, cả nhóm các chị, em họ của tôi và các mẹ sẽ dắt nhau ra hồ Ngọc Khánh xem pháo hoa, rồi đi về chúc Tết từ bà ngoại, nhà bác, nhà tôi, nhà dì, nhà cậu. Vì ở quây quần cạnh nhau nên sau đó sẽ quay lại nhà dì để cùng ăn bữa cơm đầu năm mới. Thường thì mọi thủ tục sẽ kết thúc lúc 3 giờ sáng.
Ăn Tết ở nước ngoài, tôi đã hai lần bật khóc vào đúng dịp Tết từ khi xa nhà: Lần đầu là năm đầu tiên ở Pháp. Không có một chút không khí Tết nào. Qua Giao thừa gọi điện thoại về nhà mãi không được, lúc ấy thấy mình đơn độc quá. Tôi chạy ra vườn, đứng trong im trong sân hít đầy lồng ngực cái lạnh, cái không khí xuân ấy mà bật khóc vì không hiểu mình ở đây để làm gì?
Còn lần thứ hai tôi bật khóc là Tết đầu tiên không còn bố. Mọi năm, tôi sẽ chat với bố mẹ từ sau giao thừa ở nhà để nâng ly cùng nhau qua mạng. Năm ấy bố đi rồi; mẹ còn không nhấc điện thoại suốt ngày hôm ấy. Bố mất ngày 3 tháng Chạp rất gần Tết nên Tết năm đó là giai đoạn khủng hoảng nhất. Tết chưa bao giờ vô vị đến thế.
Sau đó, vì sợ Tết nhớ nhà nên tôi nghĩ ra việc thắp hương tất niên đúng chiều tối 30 Tết như ở nhà, để mình bận rộn mà quên đi nỗi nhớ nhà, để mình được ăn món quê hương. Chung quy là tạo ra cái không khí gần giống ở nhà để khỏa lấp đi nỗi nhớ.
Chuyện nấu mâm cơm Tết ở Pháp cũng nhiều thú vị. Trước khi bố mất, hầu như năm nào tôi cũng thu xếp về nên ôm sang kha khá đồ khô. Mấy năm nay thì ở nhà, mẹ gửi qua măng khô, nấm hương và bánh đa nem. Đây là những thứ bên này không có hoặc có nhưng không chuẩn vị Việt của mình. Măng khô thì hoàn toàn không mua được, nấm hương thì không phải dễ mua được nấm hương Việt Nam, đa số là nấm nhập từ Trung Quốc, không hề có hương thơm. Bánh đa nem là thứ mà siêu thị nào của Pháp cũng bán nhưng cũng không nguyên vị. Bánh đa nem dù ghi là sản xuất tại Việt Nam thì lá bánh cũng rất dày, khi ăn thì làm mất luôn mùi vị của chiếc nem thuần Việt. Nên nhiều người cất công mang bánh đa nem qua. Giờ có thể mua đủ thể loại lá nem từ cách kênh bán lẻ, xách tay, các cửa hàng của người Việt tại Pháp.
Mấy năm gần đây, do cộng đồng Á ngày càng lớn lên nên các siêu thị Pháp bắt đầu có các gian hàng đa quốc gia. Việt Nam mình cũng có luôn nhưng cơ bản là các đồ liên quan tới nem và phở. Họ có: bún, phở khô, miến, mộc nhĩ, bánh đa nem…
Còn muốn mua đồ Tết thì nhất định phải đi các siêu thị Châu Á. Họ có đầy đủ gần như ko thiếu gì: lá dong, lá chuối, gạo nếp, đậu xanh, mứt... Chỉ thiếu bóng bì thôi. Đi chợ Á ngày Tết cũng đông như siêu thị Tết ở Việt Nam vậy. Bà con cũng nô nức sắm sửa. Năm nay do Covid giá các đồ gói bánh có tăng nhưng siêu thị vẫn cháy hàng.
Chiều 30 Tết, tôi tranh thủ nghỉ hoặc về sớm để làm. Cơm cúng Tết cũng chỉ cố gắng giống ở nhà nhất có thể. Có mấy món là bánh chưng, nem rán, giò, canh măng... là nhất định phải có, còn lại biến tấu tuỳ điều kiện nguyên liệu cho phép hay không vì rau thơm, gia vị ko đa dạng như ở nhà.
Thời gian trôi qua, đến lúc tôi cũng đã bắt đầu nghĩ đến việc không biết còn được bao nhiêu cái Tết được sum họp đông đủ gia đình. Ngày nhỏ Tết là được nghỉ, tiền mừng tuổi… Lớn thêm Tết đc nghỉ ngơi, vui chơi, xúng xính váy áo. Giờ già thêm chút, lại xa quê hương thì Tết nó ngắn quá, chắc chỉ được một ngày, thậm chí chỉ là một bữa tất niên vì ở bên này không phải là dịp nghỉ lễ. Tết với tôi giờ là lúc tận hưởng cảm giác thuần Việt nhất trong năm. Đôi khi tôi diện cái áo dài để thắp hương Tất niên, ăn một bữa cơm Việt, chụp bộ ảnh sum họp cùng cả nhà. Vậy thôi!
Tác giả: Chị Trần Minh Châu, hiện đang sinh sống tại thành phố Montpellier, Pháp.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/tet-xa-xu-khoanh-khac-dang-so-nhat-161211302194711566.htm
Theo ttvn.vn