Thái Thùy Linh và chiêu dạy con 'ngủ lang'

Theo Thái Thùy Linh thì với trẻ em phải dạy tính từ lập càng sớm càng tốt vì không phải lúc nào bố mẹ cũng kè kè bên cạnh được.

Giữa tháng 12/2015, Thái Thùy Linh bí mật tổ chức lễ đính hôn với doanh nhân Ngô Quang Cường sau thời gian dài làm mẹ đơn thân. Cả hai đã gắn bó bên nhau hơn 2 năm trước khi quyết định dọn về chung sống. Chồng Thái Thùy Linh là giám đốc một công ty truyền thông, từng trải qua một lần đổ vỡ hôn nhân và có con riêng. Đôi vợ chồng quen biết một cách tình cờ nhờ đồng hành trong chương trình từ thiện Đem âm nhạc đến bệnh viện do Thái Thùy Linh khởi xướng.

Tổ ấm của vợ chồng Thái Thùy Linh hiện tại rất đông vui bởi có nhiều thành viên nhỏ tuổi. Ngoài bé Thái An (con Thái Thùy Linh) và con riêng của chồng, cả hai còn nhận đỡ đầu một vài em nhỏ khác. Nữ ca sĩ luôn tự hào về ngôi nhà tràn ngập tiếng cười trẻ thơ. Riêng con trai mới chào đời là trái ngọt đầu tiên trong cuộc hôn nhân của vợ chồng Thái Thùy Linh.

Hơn 7 tuổi nhưng bé Thái An (tên thường gọi là Gạo Nếp), con của ca sĩ Thái Thùy Linh, đã tỏ ra là một cô gái cá tính, mạnh mẽ không kém gì mẹ. Nữ ca sĩ Sao mai điểm hẹn 2004 kể, từ lúc chưa đầy một tuổi, bé đã biết thể hiện cảm xúc yêu, ghét rõ ràng, đôi khi cũng nổi cáu và phản kháng rất bản năng với những điều không thích. Bởi vậy, Thái Thùy Linh cũng phải dùng "chiêu" để "làm mềm" cái tính bướng bỉnh của cô con gái bé bỏng này.

Cô chia sẻ, mỗi khi con gái có hành động chưa đúng, cô đều tỏ thái độ không đồng tình, làm mặt lạnh nhạt ngay tức khắc. "Từ lần đầu tiên con gái biết 'đánh' lại mẹ lúc hờn dỗi thì đã bị mẹ cầm tay con tự đánh túi bụi vào chính người mình, cộng thêm vẻ mặt rất đau khổ 'đây, con muốn đánh mẹ thì con đánh mẹ đi'. Cũng có lần mình giả vờ khóc để con biết rằng mình buồn thế nào, mình không muốn con lặp lại hành động kia nữa. Và có lần nhập vai quá thì... khóc thật luôn.

Mọi người thường nói cách dạy con của mình hơi 'nặng' nhưng mình nghĩ đó là điều cần thiết. Mình tin là mình đã làm đúng. Mình đề cao chữ 'hiếu' của con gái với cha mẹ vì nó là gốc rễ, là động lực để con gái làm tốt những công việc khác. Mình muốn con gái phát triển tự nhiên nhưng không hư hỗn, không vô tâm, nhạy cảm hơn và biết yêu thương mọi người. Bé Gạo Nếp đã và đang thực hiện được như vậy. Từ khi có bé, mình cảm nhận được hạnh phúc và niềm vui ngập tràn".

Làm mẹ, Thái Thùy Linh để ý đến từng hành động của con để uốn nắn kịp thời. Cô nghiêm khắc nhưng không độc đoán, dùng sức mạnh của người mẹ để áp đặt con gái làm theo. Ngược lại, cách giải thích của cô trải qua từng bước để con "ngấm" từ từ và sau đó tự giác nhận lỗi. Ca sĩ kể lại một câu chuyện mà qua đó đã hướng dẫn con cách cư xử lễ phép, quan tâm tới bà ngoại: "Một lần, khi chuẩn bị đi ngủ thì Gạo Nếp dậy uống nước ở phòng ngoài. Mình nằm trong phòng ngủ chờ con thì loáng thoáng nghe tiếng bà ngoại phàn nàn. Khi con về phòng, mình gặng hỏi mãi thì mới biết là bà ngoại nằm ở sofa, thấy Nếp đi qua nên nhờ tắt cái quạt. Nàng không tắt, lý do là 'cháu buồn ngủ lắm'.

Mình nghiêm giọng lại và nói: 'Thế giờ con có ra tắt không hay để mẹ ra tắt cho mẹ của mẹ?", rồi mình đứng lên luôn. Thấy mẹ làm vậy, nàng cũng lẽo đẽo đi phía sau, cứ giả vờ chạm tay vào người mẹ để làm hòa. Mình vẫn giữ nghiêm thái độ và nói thêm: 'Đừng sờ vào người tôi. Bà đau chân mà không tắt quạt cho bà à? Thế là bất hiếu nghe chưa?'.

Hai mẹ con đi về phòng, mình nằm quay lưng lại với nàng, không nói năng gì. Nàng biết mình giận, cũng không dám sờ tay vào người mẹ nữa. Mình nằm yên nhưng vẫn để ý thấy nàng thi thoảng lại liếc sang mẹ. Mình đợi vài phút cho nàng 'ngấm' mới quay sang hỏi xem có muốn nói chuyện không? Rồi mình giải thích cho con: 'Con có biết bà ngoại là thế nào với mẹ không? Con có biết ai là mẹ của mẹ không? Ai đẻ ra mẹ không? Con có yêu mẹ của con không? - Nàng gật đầu lia lịa rồi khóc nấc, nước mắt lã chã: 'Con biết rồi. Con sai rồi'.

Khi con biết nhận ra lỗi lầm thì mình hạ giọng và nhẹ nhàng nói cho con hiểu: 'Con biết không, ngày xưa mẹ cũng bé tí như con bây giờ. Bà nuôi mẹ cũng vất vả như mẹ nuôi con bây giờ. Con yêu mẹ thì cũng phải biết yêu bà. Dù bà có lúc sai hay có lúc mắng con, con có yêu bà ít hay nhiều thì cũng phải chăm sóc bà, giúp đỡ bà. Bà đau chân thì mới phải nhờ con. Sau này, con của con cũng gọi mẹ là bà ngoại. Nếu lúc đó, mẹ nhờ con của con tắt quạt giúp mẹ mà con của con không làm thì con có buồn không?'

Ở độ tuổi này, con đã biết nhận thức nên khi được mẹ giải thích cặn kẽ, con sẽ nhận ra điều gì nên làm và không nên làm. Con sẽ tự xin lỗi khi làm sai mà không cần mẹ phải mớm lời hay bắt ép như kiểu 'con xin lỗi bà đi'. Con phải tự giác vì mình không thể suốt ngày kè kè bên con được, bây giờ và sau này lớn lên cũng vậy".

Một quan điểm dạy con khác của Thái Thùy Linh cũng khiến cộng đồng từng xôn xao. Ấy là cách cô khuyến khích con gái "ngủ lang". Thái Thùy Linh từng chia sẻ: "Nếu có điều kiện, tôi khuyến khích các bậc phụ huynh cho phép con mình đi “ngủ lang”. Điều đó sẽ giúp bé bạo dạn, tự tin, và học cách tự lo cho mình khi không có bố mẹ bên cạnh”

Thùy Linh cũng chia sẻ thêm: Cá nhân mình cho rằng, trẻ em nên được rèn luyện tính tự lập càng sớm càng tốt, và những dịp đi "ngủ lang" - đi qua ngày không có người thân bên cạnh, là một trong những cách hữu hiệu để trẻ phát huy bản lĩnh này".

Với quan điểm ấy, Thái Thùy Linh đã rèn con của mình "ngủ lang" từ khi... 8 ngày tuổi. "Mình sinh bé trước Tết đúng 10 ngày. Chiều 28, cả đại gia đình đang ăn cơm tất niên ở nhà ông bà ngoại thì mình đến, xách theo 1 cái giỏ to che khăn voan mỏng. Cả nhà "hết hồn" khi bé Thái An (tên khai sinh của bé Gạo Nếp) đỏ hỏn say ngủ bên trong.

Đi chơi từ sớm nên bé bạo dạn từ sớm. Đúng 5 tháng tuổi thì lần đầu tiên con đi "du lịch" qua đêm mà không có mẹ theo cùng. Đó là khi bác họ của cháu cho cháu về quê cách 50km chơi vài ngày. Linh không có mặt. Mẹ cô khi biết chuyện không đồng ý bắt Linh lên đón con. Cô đành phải nói dối vì thực ra bác họ cháu là người đã cùng Linh chăm cháu từ ngày đầu tiên cháu chào đời, yêu như con đẻ nên Linh hoàn toàn tin tưởng. Chuyến du hí đầu đời đó hoàn toàn êm đẹp, không xảy ra sự cố gì, chỉ toàn niềm vui cho các ông bà họ hàng ở quê.

Linh cho biết "việc đi "ngủ lang" nên được khuyến khích càng sớm càng tốt, ngay khi bé có những "người bạn" mà bé cảm mến đặc biệt, đến mức có thể gắn bó trong suốt cả ngày. Càng nhỏ thì bé càng ít thói quen, càng ít khái niệm về những thứ "của mình", do đó cũng dễ dàng thích nghi với môi trường mới. Việc thỉnh thoảng "ngủ lang" nếu diễn ra sớm sẽ được bé mặc nhiên coi đó là một điều hết sức bình thường.

Tuy nhiên, để làm được điều này Thái Thùy Linh cũng khuyên các cha mẹ cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng. "Điều đầu tiên là an toàn. Và không có nơi nào an toàn bằng nơi có người hiểu biết trông nom con chúng ta. Bố mẹ cần trao đổi trước đế biết chắc rằng người họ hàng/quen biết này sẽ thay ta loại trừ các nguy hiểm đến với bé như sông ngòi ao chuôm, chó mèo, các nguy cơ gây bỏng, nguy cơ gặp kẻ xấu.v.v...

Tiếp theo, bố mẹ cần sửa soạn và dặn dò kỹ người trông nom về các thói quen, sở thích, thậm chí là bệnh sử của con mình nếu có (ví dụ các chứng hen, dị ứng, một số bệnh thông thường dễ xử lý), để bé không bị rơi vào trạng thái khó ăn, khó ngủ vì thiếu những đồ đạc hay thực phẩm quen thuộc. Một cái gối ôm hoặc con gấu bông quen thuộc mang theo có thể giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ, hay vơi đi cảm giác xa lạ với khung cảnh mới".

Với hành trình ấy, Thái An đã dần trở thành một cô bé độc lập hơn so với chúng bạn cùng trang lứa. "Nhiều lần Thái An làm mọi người ngạc nhiên thốt lên "hình như nó không biết sợ là gì hay sao ấy", khi con vui vẻ và tự lập tham gia vào mọi hoạt động với bạn mới quen, cả ở những nơi con chưa từng đến trước đó. Mỗi chuyến đi "ngủ lang" thực sự là một chuyến phiêu lưu, đầy ắp sự kiện, đầy ắp hình ảnh Thái An mang về kể cho mẹ". Thái Thùy Linh tự hào chia sẻ.

Theo Thái Thùy Linh thì với trẻ em phải dạy tính từ lập càng sớm càng tốt vì không phải lúc nào bố mẹ cũng kè kè bên cạnh được. Thái Thùy Linh cho biết: “Cha mẹ Việt hầu hết đều có thói quen bao bọc con, việc gì cũng muốn hy sinh, muốn "làm hộ" các con. Ví dụ, một cảnh thường thấy là trong cửa hàng ăn uống, trẻ em sẽ ngồi sẵn chờ cha mẹ lau bát đũa, gọi món, vắt chanh, lấy gia vị, xúc cho con ăn... Mình đã phải rất cố gắng để thiết lập một trật tự khác trong gia đình nhỏ của mình: hoặc là cùng làm, hoặc là các con sẽ gọi món, thanh toán tiền, lau bát đĩa mời cha mẹ. Mình luôn khuyến khích các con tự làm các việc nhỏ hợp với sức khỏe và mong muốn của các con".

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU