Cần tiêm vaccine viêm gan B ngay khi trẻ được sinh ra. Ảnh minh họa
Nỗi sợ con cũng nhiễm virus viêm gan B
Mang thai con gái đầu lòng, chị Lưu Thị Hoa (ở Hưng Yên) thường xuyên đi khám sức khỏe. Dù vậy, tới 3 tháng cuối thai kỳ chị mới biết mình bị viêm gan B. Các bác sĩ cho biết, tỷ lệ lây truyền bệnh cho con chị ở thời kỳ này là rất cao. Lo lắng con sinh ra cũng bị bệnh nên ngay từ lúc con sinh ra chị đã cho con tiêm phòng. Vừa rồi chị cho con đi khám sức khỏe định kỳ kết quả cho thấy con chị dương tính với viêm gan B. Chị băn khoăn mãi không hiểu vì sao con chị đã tiêm phòng mà vẫn bị lây từ mẹ. Chị lo sợ nếu con bị lây bệnh từ mẹ, sức khỏe của con có bị suy yếu đi trong suốt quá trình trưởng thành không?.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), Phó Chủ tịch Hội Gan mật Hà Nội cho rằng, việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sau khi sinh trong vòng 24 giờ đầu là rất tốt. Hiện đây là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa lây truyền viêm gan B. Trẻ được tiêm mũi sau sinh và tiêm nhắc lại đủ liều theo chỉ định sẽ tránh được lây từ mẹ sang con.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ dù đã tiêm phòng nhưng vẫn bị lây. Những trường hợp không may này có thể do tiêm không đủ số lần và khoảng cách thời gian theo quy định. Hay bản thân vaccine không đảm bảo chất lượng như bảo quản không tốt hay đã quá hạn dùng. Trường hợp khả năng đáp ứng miễn dịch của người bệnh quá kém không sản xuất đủ kháng thể… vaccine tiêm vào không có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của virus. Nếu trường hợp mẹ dương tính với viêm gan B chỉ tiêm mỗi kháng thể cho con không thôi mà không uống thuốc điều trị trong khi định lượng virus đang ở mức cao thì tỷ lệ lây nhiễm vẫn còn 30-40%. Trường hợp chị Hoa có thể rơi vào trường hợp này.
Việc tiêm phòng không có tác dụng dự phòng khi có HBsAg dương tính. Vaccine phòng bệnh chỉ có tác dụng khi người đó chưa nhiễm virus viêm gan B và sau tiêm phải tạo ra được nồng độ kháng thể Anti-HBs > 10 IU/l. Trước khi tiêm phòng, mọi người cần xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính với HbsAg, đồng thời có âm tính với Anti-HBs hoặc nồng độ Anti-HBs thấp < 10 IU/l cần phải đi tiêm phòng vì cơ thể chưa bị nhiễm virus viêm gan B và cũng chưa có khả năng miễn dịch với bệnh hoặc đáp ứng miễn dịch còn thấp, chưa đủ khả năng bảo vệ.
Điều cần làm để phòng cho con
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc cho biết, viêm gan B lây truyền qua 3 đường là máu, mẹ truyền sang con và quan hệ tình dục không an toàn. Với việc truyền từ mẹ sang con cũng tùy theo thời điểm người mẹ bị mắc bệnh mà khả năng lây cho con cao hay thấp. Mẹ mắc bệnh ở 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ truyền bệnh sang con là 1%, ở ba tháng giữa thai kỳ là 10% và ở những tháng cuối thai kỳ, tỷ lệ này sẽ tăng lên 60-70%. Dù sinh thường hay sinh mổ, người mẹ có thể truyền siêu vi viêm gan B cho con khi sinh. Bởi vậy, việc phát hiện sớm và điều trị cho mẹ góp phần rất quan trọng trong việc phòng bệnh cho con.
Khi người mẹ mang virus viêm gan B phải xem virus có phát triển hay không, bệnh đang ở giai đoạn nào. Người mẹ có HbsAg dương tính, thai tháng thứ 5 phải xét nghiệm AbsAg + và định lượng virus bao nhiêu (ADN HBV) có dương tính hay không. Trường hợp dương tính ở thể hoạt động, mẹ cần uống thuốc bắt đầu thai tháng thứ 6 và kéo dài sau sinh 1 - 2 tháng. Con cần tiêm ngay sau sinh vaccine viêm gan B và kháng thể. Tỷ lệ lây truyền cho con sẽ rất thấp khi thực hiện các biện pháp này.
Các bà mẹ mắc viêm gan B vẫn có thể cho con bú bình thường. Trường hợp bị nứt đầu ti, chảy máu hay bị tổn thương vú nên tránh cho con bú trực tiếp vì trường hợp vú có tổn thương trẻ có thể tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết huyết thanh. Khi đó, các mẹ nên vắt sữa ra bình cho con ti.
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nhiều người có quan niệm rằng viêm gan B lây qua việc ăn chung, ngủ chung. Đây là quan niệm sai lầm. Thực chất, bệnh không lây qua các tiếp xúc thông thường trong cuộc sống. Dù vậy, bệnh lây qua đường máu nên tốt nhất không dùng chung các vật dụng cá nhân như cắt móng tay, bông tẩy trang, tăm xỉa răng, bàn chải đánh răng… hay các vật dụng khác như khuyên tai, kim châm cứu, bơm kim tiêm... Đặc biệt với những gia đình đã có người nhiễm virus viêm gan B càng cần chú ý điều này. Bởi không ít gia đình cả nhà cùng mắc viêm gan B vì không biết cách dự phòng.
Bên cạnh đó, đừng nghĩ rằng dùng thuốc Bắc hay thuốc Nam là có thể điều trị khỏi hoàn toàn viêm gan virus B. Loại thuốc này chỉ có thể hỗ trợ sức khỏe khi kích thích ăn, ngủ tốt. Ở thể viêm gan B cấp tính thường không cần điều trị đặc hiệu, sau vài tháng đa phần người mắc bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Những người viêm gan virus B mạn tính uống thuốc Bắc cũng không mang lại giá trị điều trị.
Để phòng ngừa bệnh viêm gan B, mọi người nên kiểm tra xem đã nhiễm bệnh hay chưa qua xét nghiệm máu tìm dấu ấn HBSAg, sau đó nên tiêm phòng. Với những người đã xác định mang dương tính với viêm gan B cần đi khám sức khỏe định kỳ để đánh giá chức năng gan và mức độ hoạt động của virus. Tùy vào xác định định lượng virus cũng như giai đoạn bệnh mà bác sỹ sẽ có phương pháp điều trị cụ thể.
Cũng theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, trường hợp con đã lây nhiễm từ mẹ cũng không có cách nào khác là cần theo dõi định kỳ 4 - 6 tháng/lần đánh giá xem men gan có tăng không để kiểm soát không cho bệnh diễn biến phức tạp. Để điều trị viêm gan B, hiện có 3 thuốc ưu tiên sử dụng là Entercavir, Tenofovir và Peg- IFN, trong đó thuốc Peg-IFN là yếu tố tiên đoán cho đáp ứng bền vững.
Theo giadinh.net.vn