Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ cái tên Nguyễn Chí Long - chàng trai được mệnh danh là "con nhà người ta" trong truyền thuyết. Sinh năm 1991, Chí Long từng gây bão mạng với loạt thành tích khủng chỉ nghe thôi đã thấy ngưỡng mộ: đạt huy chương vàng Olympic Hóa học 30/4, Á khoa đầu vào và Thủ khoa đầu ra ngành Bác sĩ Răng, Hàm, Mặt (ĐH Y Dược Huế), từng gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo cấp cao trên thế giới...
Sau khi tốt nghiệp ĐH Y Dược Huế, Chí Long đã nhận học bổng Tiến sĩ toàn phần của chính phủ Nhật tại ĐH Y Tohoku - một trong những ngôi trường danh giá nhất về đào tạo y khoa tại đất nước mặt trời mọc. Hiện tại, anh chàng đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Ben May thuộc Đại học Chicago (Mỹ).
Nguyễn Chí Long là cái tên từng khiến dân tình choáng váng với bảng thành tích siêu khủng
Mới đây, Chí Long đã khiến nhiều người bất ngờ khi chia sẻ thông tin mình vừa trở thành một trong hơn một triệu người đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19 tại Mỹ. Bên cạnh những lời chúc mừng, nhiều người cũng có nhiều thắc mắc liên quan đến loại vaccine mới này.
Chí Long khoe thông tin vừa được tiêm vaccine COVID-19 trên trang cá nhân
Chúng tôi đã nối máy với Chí Long để có một cuộc trò chuyện nhanh cùng anh chàng.
Xin chào Chí Long, nghe nói bạn tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cảm giác đầu tiên khi được tiêm của bạn là gì vậy?
Mình không có cảm giác hay phản ứng gì cả, chỉ mới tiêm mũi đầu tiên thôi.
Chính xác là phải tiêm mấy mũi?
Mình sẽ cần tiêm 2 mũi. Với loại vaccine của mình thì thời gian là sau 21 ngày. Chi tiết có thể tham khảo tại đây.
Chi phí tiêm là bao nhiêu thế?
Mình không hề mất chi phí gì, vaccine được tiêm hoàn toàn miễn phí.
Bên đó họ có chọn người được tiêm dựa trên tiêu chí nào không?
Mình được tiêm vì là nhân viên của Đại học Chicago. Ở trường mình phân làm 3 làn sóng (wave).
Wave 1: Bác sĩ lâm sàng và nhân viên hỗ trợ có nhiệm vụ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, bao gồm những người cung cấp dịch vụ chăm sóc trong vòng 6 ft. (khoảng 0,3m) với bệnh nhân hoặc những người xử lý các vật liệu lây nhiễm. Khoảng 9.500 người đủ điều kiện tham gia Wave 1 và sẽ mất vài tuần để hoàn thành.
Wave 2: Những nhân viên đang làm việc tại các cơ sở chăm sóc bệnh nhân của Bệnh viện Đại học Chicago nhưng không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Khoảng 1.500 người đủ điều kiện tham gia Wave 2.
Wave 3: Các nhân viên làm việc từ xa hoặc làm việc tại các địa điểm phi lâm sàng ngoài cơ sở. Khoảng 3.900 người đủ điều kiện tham gia Wave 3.
Chí Long được chọn tiêm vaccine do đang là nhân viên của Đại học Chicago
Quy trình tiêm vaccine có gì đặc biệt không?
Thủ tục rất dễ dàng thôi. Mình sẽ tiến hành đặt giờ tiêm qua kênh thông tin của trường. Tới ngày thì cần đến trước 10 phút giờ hẹn để check in (mỗi đợt hẹn chỉ hạn chế một số ít người) sau đó kích hoạt ID và tiêm.
Sau khi tiêm mình được vào phòng chờ 15 phút - 1 tiếng để theo dõi (social distance). Có bác sĩ cấp cứu ngay tại đó. Họ sẽ đưa cho mình thẻ chứng nhận để lần tiêm thứ 2 đem tới. Đồng thời, mình cũng được nhận tài liệu cung cấp đầy đủ thông tin về vaccine: phản ứng phụ sẽ gặp, nếu bị sốc phản vệ thì phải làm sao hay liên hệ ai...
Đọc những bình luận trái chiều trên mạng về vaccine này, bạn cảm thấy sao?
Mình thấy mọi người nên an tâm vào vaccine vì dù sản xuất nhanh, thần tốc, lần đầu sử dụng công nghệ mới nhưng đây là công nghệ đã được nghiên cứu, phát triển từ rất lâu - cũng như quy trình của FDA rất cẩn thận và chuẩn nên bản thân mình rất an tâm.
Kết quả vaccine thì cực kì hiệu quả (95%). Và nếu muốn vaccine đạt hiệu quả thì cần sự nỗ lực chung cả cộng đồng, không chỉ người dân một nước mà có thể nói là toàn thế giới (để đạt miễn dịch cộng đồng và đẩy lùi đại dịch). Nói chung mọi người nên tin tưởng vào các nhà khoa học, vaccine và đồng lòng sử dụng nó.
Bạn có tin rằng Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine riêng không?
Mình tin Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được vaccine. Các sản phẩm vaccine của Việt Nam chọn công nghệ truyền thống, được minh chứng qua nhiều loại vaccine khác rồi nên lần này cũng vậy thôi. Nếu thành công và đạt hiệu quả cao thì nó sẽ có ý nghĩa rất lớn. Ngoài ra, ưu điểm của công nghệ truyền thống là lưu trữ, vận chuyển dễ dàng. Nếu Việt Nam thành công thì đây sẽ là một thành quả to lớn của nền y tế nước nhà trong việc phát triển vaccine thần tốc, nên cạnh việc chứng minh năng lực y tế của nước mình qua đợt đại dịch vừa rồi với thế giới.
Ngoài ra, mình cũng mong rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng có công nghệ sản xuất vaccine bằng mRNA. Công nghệ này rất ưu việt, có thể thay đổi, hay sản xuất số lượng lớn rất dễ dàng. Việc sở hữu những công nghệ này có ý nghĩa đặc biệt cho an ninh quốc gia, ví dụ như chuẩn bị cho những đại dịch về sau.
Anh chàng hoàn toàn tin tưởng vào khả năng sáng chế vaccine của Việt Nam
Mà hình như bạn bị kẹt ở Mỹ vì COVID-19?
Ồ không, mình bị kẹt ở Nhật mới đúng. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Nhật hồi tháng 3, mình định về Việt Nam chơi trước khi sang Mỹ. Kết quả vì đại dịch mà không về Việt Nam được cũng không thể qua Mỹ được. Rất may mắn chính phủ Nhật cũng như trường mình đã hỗ trợ rất tốt nên mình được tiếp tục hỗ trợ học bổng ở lại Nhật vài tháng. Khi ấy mình bắt đầu học về Sars-cov-2 rồi bắt đầu nghiên cứu về nó cùng với giáo sư của mình tại Đại học Chicago.
Tới tháng 8, mình được cấp visa emergency đến Mỹ. Hiện tại mình đang là Postdoc (nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ) tại Đại học Chicago. Ngoài nghiên cứu về ung thư, mình cũng đang trong team phát triển thuốc điều trị COVID. Kết quả nghiên cứu rất khả quan, hy vọng sẽ publish trong thời gian tới, rất ngắn thôi.
Cảm ơn Chí Long!
Ảnh: FBNV
Theo kenh14.vn