Thế giới mạng cay độc nhưng nội tâm là phép màu với "công chúa xấu xí"

Khi chúng ta phải trải qua những khoảng thời gian khó vượt qua nhất, hãy luôn nhớ rằng bạn không cô đơn, vẫn có ánh sáng ở cuối đường hầm, tôi mong rằng bạn sẽ sớm tìm thấy nó như tôi đã từng”.

Đây là câu nói nổi tiếng của cô gái nhỏ có tên Lizzie Velasquez, người từng bị cộng đồng mạng xã hội nhạo báng chế giễu và kỳ thị. Người ta gọi cô với những cái tên khiếm nhã, “Bộ xương khô”, “người phụ nữ xấu xí nhất thế giới”. Song tất cả những điều khủng khiếp đã qua, Lizzie Velasquez giờ có thái độ sống rất tích cực và lạc quan.

Hình ảnh của cô gái Lizzie Velasquez.

Mắc phải căn bệnh hiếm

Lizzie Velasquez sinh ngày 13/3/1989 tại bang Texas Mỹ, bị mắc một hội chứng bẩm sinh hiếm gặp có tên NPS -Neonatal Progeroid Syndrome. Theo đó, người mắc bệnh này sẽ bị lão hóa sớm, xuất hiện nếp nhăn, vẩn đục giác mạc, bị ảnh hưởng đến tim, não, xương và không thể tăng cân. Lúc mới sinh, cô gái chỉ nặng 1,2 kg. Các bác sĩ đã nói với bố mẹ cô về mọi khó khăn họ sẽ gặp phải khi chăm sóc con suốt đời và không chắc cô bé sẽ sống được lâu. Vì yêu thương đứa con của mình, bố mẹ cô là bà Rita và ông Lupe không bao giờ hỏi “Tại sao chuyện này lại xảy đến với mình” mà chỉ muốn đưa con về nhà và bắt đầu cuộc sống với đứa con bé bỏng. Chính thái độ đó của ba mẹ đã giúp Lizzie luôn lạc quan dù bị bắt nạt ở trường, bị nhìn chằm chằm như quái vật hay bị chế giễu khi đi trên đường. Ngay khi còn nhỏ, cô đã được bố mẹ dặn rằng đi học phải luôn ngẩng cao đầu, luôn tươi cười và tốt bụng với mọi người dù họ đối xử với con thế nào chăng nữa. Đến khi 26 tuổi, Lizzie cao 1,57m và nặng 27 kg, lượng mỡ trong cơ thể là 0%. Cô mất hoàn toàn thị lực ở mắt phải, mắt trái cũng ngày càng suy yếu. Cô phải ra vào bệnh viện nhiều lần để thực hiện các cuộc phẫu thuật ở mắt, tai, chân cũng như các lần kiểm tra máu, mật độ xương để xác định chính xác căn bệnh của mình. Cô thường xuyên bị thiếu năng lượng và phải mất thời gian dài để chống lại các căn bệnh nhiễm trùng, điển hình như viêm phế quản. Ngoài ra, do cơ thể của bệnh nhân mắc NPS không thể tích lũy mô mỡ, nên họ phải ăn liên tục, nếu không sẽ có thể dẫn đến tử vong do thiếu năng lượng. Hội chứng của Lizzie đặc biệt hiếm gặp, trên thế giới mới chỉ phát hiện 3 trường hợp mắc phải căn bệnh quái ác này và hiện vẫn chưa có biện pháp điều trị nào khác ngoại trừ việc người bệnh phải tự bổ sung năng lượng cho cơ thể. Hiện tại, căn bệnh NPS vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu, và họ tin rằng một ngày nào đó trong tương lai gần sẽ tìm ra phương pháp điều trị và chữa bệnh. Họ cho rằng, Lizzie chính là người sống lâu nhất với căn bệnh NPS, đồng nghĩa với đó là mang đến nhiều hy vọng và động lực cho những trường hợp tương tự.

Thái độ sống quyết định tất cả

Khi Lizzie Velasquez 17 tuổi, trong một lần lướt web nghe nhạc lúc làm bài tập về nhà, cô xem được một clip dài 8 giây nói về mình trên You Tube với 4 triệu lượt xem có tựa đề “Người phụ nữ xấu nhất thế giới”, kèm theo đó là những lời miệt thị cay độc, tàn nhẫn của người xem dành cho cô. “Thiêu chết nó đi”, “Tại sao họ vẫn giữ clip kinh tởm này trên mạng?”. Một số người còn “khuyên” Lizzie nên tự tử, có kẻ lại châm chọc “Người ta sẽ bị mù nếu trông thấy cô xuất hiện trên đường”.

 

Lizzie đã đọc hàng nghìn bình luận tiêu cực như thế về cô. Cô kể lại: “Đó là một điều quá kinh khủng, khi tôi xem được đoạn video về mình và đọc tất cả các lời bình luận đó, tôi dường như không thể chịu đựng được. Tôi rất buồn, tức giận, và không biết làm thế nào để vượt qua được nỗi đau quá lớn như vậy”. Sau trò đùa ác đó của cộng đồng mạng, Lizzie đã tự đăng những bức ảnh khác của mình lên Instagram với tuyên bố sau: “Tôi đã thấy rất nhiều bức ảnh như thế này trên Facebook gần đây. Tôi viết bài này không phải như là một nạn nhân mà là với tư cách một người đang sử dụng trang mạng cá nhân bình thường. Vâng, giờ đã rất khuya khi tôi gõ cái này nhưng tôi làm như vậy để nhắc nhở rằng những người vô tội đang bị đưa vào những trò đùa kiểu này có lẽ cũng vừa mới lướt qua Facebook và họ sẽ cảm thấy điều gì đó tồi tệ mà chính tôi cũng không muốn kẻ thù của mình phải gánh chịu. Bất kể chúng ta trông như thế nào hoặc kích cỡ cơ thể của chúng ta ra sao thì chúng ta vẫn cùng là con người. Tôi yêu cầu bạn ghi nhớ điều đó vào lần tới khi bạn thấy một trò đùa ác ý của một người lạ ngẫu nhiên. Lúc đó bạn có thể thấy nó rất buồn cười nhưng chính người trong bức ảnh có lẽ đang cảm thấy hoàn toàn ngược lại. Tình yêu không bao giờ được lan truyền bằng những từ ngữ gây tổn thương người khác”. Gánh trên mình hai nỗi đau lớn về thể xác và tinh thần. Đa số chúng ta nếu rơi vào hoàn cảnh của Lizzie liệu có mạnh mẽ, can trường và “thép” như những gì mà cô gái này đã làm hay không? Những người chê bai Lizzie bằng lời lẽ cay nghiệt liệu có thực sự hãnh diện hơn cô vì bề ngoài “bình thường” hay họ đang cố tự che đậy sự hèn yếu, đáng thương đến tội nghiệp một cách vụng về. Họ dùng ngôn từ xấu xí nhất để thể hiện sự quan tâm của mình đến một người đáng nhận được sự bao dung, cổ vũ. Họ miệt thị cay độc, họ liên kết với những trái tim máu lạnh như chính mình để tạo nên một vấn nạn mang tên “bắt nạt”. Rồi hả hê với những câu từ mình vừa tung lên. Bài đăng đầy cảm xúc của cô sau đó đã được chia sẻ hàng ngàn lượt trên cả Instagram và Facebook. Phương tiện truyền thông xã hội đang bắt đầu ủng hộ nạn nhân, cố gắng chứng minh mọi người không nên là kẻ tiếp tay cho bất cứ ai đùa giỡn dại dột trên mạng. Trang facebook đăng ảnh chế giễu Lizzie đã bị Facebook đóng cửa và đình chỉ vì lý do quấy rối sau khi bị hàng ngàn người khiếu nại. Cuối cùng, sau những bất hạnh phải chịu đựng, Lizzie đã không hề gục ngã mà vươn lên đầy nghị lực và trở thành một diễn giả nổi tiếng. Bản thân Lizzie đã thay đổi thái độ sống và tập trung phát triển hạnh phúc, bình an nội tại, cô trở thành một người phụ nữ tự tin, lạc quan và yêu đời. Sau khi tốt nghiệp Đại học Texas State (Mỹ) chuyên ngành Truyền thông, cô đã đi khắp thế giới hoạt động với tư cách là một nhà văn và một diễn giả, để truyền bá thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, để làm lan tỏa nghị lực và truyền cảm hứng cho mọi người thông qua câu chuyện về cuộc đời mình. Bài diễn thuyết cảm động tại TEDx Austin Women của cô với hơn 10 triệu lượt xem trên Interntet. Cùng với thành công trên con đường diễn thuyết, cô gái sinh năm 1989 này đã xuất bản 2 cuốn sách: Be Beautiful, Be You và Lizzie Beautiful. Những câu chuyện truyền cảm hứng sống của Lizzie được cộng đồng trên toàn thế giới hưởng ứng và ủng hộ mãnh liệt. Lizzie cũng cho xuất bản một cuốn sách mang tên “Trái tim dũng cảm: câu chuyện của Lizzie Velasquez”. Đây cũng chính là chiến dịch nhằm chống lại vấn nạn bắt nạt – đang diễn ra hằng ngày hằng giờ trên toàn cầu – tưởng như vô hại, nhỏ nhặt nhưng để lại hệ lụy lớn cho cả một thế hệ.

 

Theo Pháp Luật Plus

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU