Ảnh minh họa
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, có rất nhiều học sinh có nguyện vọng tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường. Tuy nhiên, nếu thí sinh tham gia đủ các kỳ thi này để tăng thêm cơ hội, thì chỉ riêng việc sắp xếp thời gian đã là một vấn đề lớn. Bên cạnh đó, học sinh cũng không có nhiều thời gian để ôn luyện các đề thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường. Như vậy, nếu tham gia quá nhiều kỳ thi, học sinh sẽ khó đảm bảo việc học trên lớp cũng như hạn chế tiếp nhận kiến thức. Cô Bội Quỳnh lưu ý, thí sinh cần xác định rõ kỳ thi nào là cần thiết, phù hợp với năng lực bản thân để đăng ký dự thi.
Chia sẻ về việc nở rộ các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung trao quyền tự chủ rất cao cho các trường trong công tác tuyển sinh, theo đó các trường được tự quyết phương thức tuyển sinh. Việc mở các kỳ thi riêng thực chất đang tạo thêm cơ hội cho thí sinh vào đại học. Bên cạnh đó, các kỳ thi riêng không phải phương thức xét tuyển duy nhất của các trường, các trường vẫn dành nhiều chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác. Số liệu thống kê tuyển sinh năm 2022 cho thấy các phương thức truyền thống vẫn chiếm ưu thế. Cụ thể, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ bậc THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ trọng lớn, trên 80% chỉ tiêu nhập học của các trường.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh, các kỳ thi riêng là cơ hội thêm cho thí sinh, đặc biệt là những trường có mức độ cạnh tranh lớn, yêu cầu mức độ phân loại thí sinh cao. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết thêm, thực chất các kỳ thi riêng của các trường không giống nhau. Kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia mang tính phổ quát và được nhiều trường sử dụng trong xét tuyển. Một số kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy khác tập trung vào các khối ngành, nhóm ngành nhất định. Do đó, khi thí sinh đã các định hướng nghề nghiệp, lựa chọn các trường ứng tuyển phù hợp với nguyện vọng, năng lực của bản thân thì không cần tham dự nhiều kỳ thi mà chỉ lựa chọn 1 kỳ thi phù hợp nhất. Còn lại, các em nên tập trung kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó là cơ hội rất lớn để các em ứng tuyển vào các trường đại học.
Trước quan điểm nở rộ các kỳ thi riêng khiến thí sinh gia tăng áp lực, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, áp lực của thí sinh bắt nguồn từ nhiều thứ, trong đó xuất phát từ cả phía phụ huynh. Thực tế công tác tư vấn hướng nghiệp những năm qua vẫn có nhiều trường hợp thí sinh dù không muốn xét tuyển vào ngành học này nhưng phụ huynh vẫn kỳ vọng, tạo thêm áp lực cho các em.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi bắt buộc với tất cả các thí sinh mà hầu hết các trường đều sử dụng và dành phần lớn chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển này. Nếu các em ôn tốt cho kỳ thi thì bảo đảm các em thi bất kỳ kỳ thi nào cũng đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, khi đăng ký xét tuyển vào bất cứ ngành học nào, thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của trường, các phương án xét tuyển đại học mà trường sử dụng. Thí sinh đặc biệt lưu ý không nên dự thi quá nhiều kỳ thi vì mỗi kỳ thi có tính chất và phục vụ một đối tượng nhất định.
“Các em đi một con đường mà kiến thức, năng lực chắc chắc thì hoàn toàn có thể đến đích mà mình mong muốn chứ không nhất thiết thi quá nhiều kỳ thi khiến việc mở rộng cơ hội vào đại học lại trở thành thách thức cho các em”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo lưu ý thí sinh./.