Thi vào 10 tại Hà Nội: Giáo viên chỉ cách làm bài để không mất điểm ở môn Ngữ văn

(lamchame.vn) - Giáo viên lưu ý, với môn Ngữ văn thi vào 10, thí sinh nên đọc hiểu, nắm chắc kiến thức, ôn tập theo từng dạng bài, với mỗi dạng bài lại vận dụng vào các tác phẩm đã học để luyện tập, tránh học thuộc, học vẹt. Ngoài ra, ngữ liệu trong đề thi cũng có thể lấy từ chương trình các lớp dưới, do vậy học sinh cần đọc kỹ đề, rèn luyện các kỹ năng làm bài.

Ảnh minh họa.

Theo cô Hoàng Diệu Thúy, một số lỗi thí sinh thường mắc như không đọc kỹ đề thi, xác định sai yêu cầu của đề. Ví dụ đề bài yêu cầu xác định phương thức biểu đạt, thí sinh cần phân biệt giữa phương thức biểu đạt hay phương thức biểu đạt chính. Ngoài ra, đề thi có những câu hỏi thí sinh chỉ cầm bám vào đoạn trích để trả lời, nhưng cũng có những câu hỏi yêu cầu tư duy để làm tốt. Hoặc khi viết một đoạn văn, nhiều em vẫn mắc lỗi diễn đạt, trình bày. Tất cả những lỗi này thí sinh cần đặc biệt chú ý để tránh mất điểm khi làm bài.

Đặc biệt gần đến ngày thi, thí sinh tránh hoang mang lo lắng, giữ tâm lý bình tĩnh và sức khỏe để có thể hoàn thành kỳ thi tốt nhất.

Còn theo cô Nguyễn Thị Thu Trang, một cô giáo ở Hà Nội cho biết, cấu trúc đề thi vào 10 Hà Nội gồm 2 phần. Phần I gồm đọc hiểu văn bản trong SGK và tạo lập đoạn văn nghị luận văn học (nghị luận về thơ và nghị luận về truyện), chiếm khoảng 60-70% số điểm. Đây là phần yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức đã học và kĩ năng tạo lập đoạn văn nghị luận về thơ và nghị luận về truyện mà các con đã được rèn luyện hàng ngày. Bên cạnh đó là kĩ năng đọc hiểu và trả lời các câu hỏi đọc hiểu tác giả, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, tình huống truyện, ngôi kể, nhân vật, mạch cảm xúc bài thơ, biện pháp tu từ, chi tiết nghệ thuật….Vì thế khi ôn tập trọng tâm, thí sinh lưu ý ôn theo đặc trưng thể loại của từng kiểu bài.

Ở phần 2, chiếm từ 30-40% số điểm, đề yêu cầu thí sinh đọc hiểu văn bản ngoài SGK và tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội. Đây là phần yêu cầu học sinh có kĩ năng đọc hiểu tốt vì với văn bản học sinh chưa tiếp cận bao giờ, ngoài các câu hỏi đọc hiểu về phương thức biểu đạt của văn bản, chủ đề, các phép liên kết câu, lý giải các chi tiết… là yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội (tư tưởng đạo lí hay hiện tượng đời sống), dưới dạng đề trực tiếp hoặc đề gián tiếp (ý kiến, câu nói, nhận định….). Vì thế học sinh cần trang bị cho mình kĩ năng đọc hiểu hiệu quả, đọc kĩ yêu cầu đề bài, gạch chân từ khóa quan trọng nêu rõ yêu cầu đề tránh bỏ sót ý, tìm ý ra nháp trước khi làm bài, trang bị kiến thức xã hội để hiểu rõ hơn về vấn đề.

Từ quá trình ôn tập cho học sinh, cô Thu Trang lưu thí sinh cần tránh những lỗi sai thường gặp dễ mất điểm khi làm bài thi như không xác định đúng dạng đề nghị luận xã hội, nghị luận văn học, trình bày chưa đúng bố cục bài văn, đoạn văn, sắp xếp ý lộn xộn, triển khai luận điểm thiếu mạch lạc, chặt chẽ, diễn đạt lặp ý, lan man, dài dòng không đúng trọng tâm, diễn đạt văn nói.

Bên cạnh đó, một số lỗi về mặt kiến thức thí sinh thường mắc phải như sai kiến thức cơ bản về tác phẩm, nhầm lẫn kiến thức tác giả, hoàn cảnh sáng tác, thể loại, phương thức biểu đạt, chưa phân biệt đúng các khái niệm ẩn dụ và hoán dụ, các kiểu câu… Thí sinh cũng thường mắc phải cá lỗi về dùng từ như dùng từ không không phù hợp về sắc thái ý nghĩa, sai chính tả, thiếu dấu, thiếu nét (câu truyện), viết sai do đọc chệch âm/vần như lãng mạn thành lãng mạng, trách nhiệm thành trách nghiệm…; Dùng từ chưa trau chuốt, lặp từ, bí từ. Một số thí sinh cũng gặp khó khăn khi thiếu dẫn chứng cụ thể, đưa chung chung, dẫn chứng không tiêu biểu, thuyết phục cho luận điểm, dẫn chứng chủ quan, cảm tính…

Theo cô Trang, khi làm bài, thí sinh cần chắt chiu từng 0,25 điểm khi trả lời những câu hỏi đọc hiểu nhỏ, trả lời rõ ràng bằng câu văn đủ chủ ngữ, vị ngữ, bám sát yêu cầu câu hỏi để trả lời, tìm ý, luận điểm trước khi viết đoạn văn. Đặc biệt thí sinh cần hoàn thành được hết các câu hỏi đọc hiểu và tạo lập đoạn văn hiệu quả, nâng cao kĩ năng đọc hiểu và kiến thức xã hội

Chia sẻ về kinh nghiệm ôn tập hiệu quả giai đoạn nước rút, cô Trang cho rằng thí sinh nên tổng hợp theo sơ đồ tư duy, học theo đặc trưng thể loại, rèn kĩ năng làm đề thi mỗi ngày, hệ thống hóa lại kiến thức, giữ gìn sức khỏe và tâm lý thi vững vàng, tin vào bản thân.

Cô Lâm Thị Thu Hằng, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Uy Nỗ, Đông Anh (Hà Nội) cũng cho biết, hàng năm vẫn có trường hợp thí sinh vì quá lo lắng, ngày mai thi nhưng 11h đêm vẫn nhắn tin gọi điện cho cô để hỏi lại bài vở.

“Với những học sinh như vậy, tôi đều an ủi các em nên bình tĩnh, không nên căng thẳng quá mức. Kiến thức, kỹ năng các em đã được thầy cô ôn đủ trong cả một quá trình. Một vài ngày trước kỳ thi, các em nên giữ sức khỏe để hoàn thành tốt bài thi. Với các trường THCS tại huyện Đông Anh, thời gian qua các trường đều xây dựng thời khóa biểu hợp lý để học sinh có thời gian ôn cả 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Nhìn vào kỳ thi này, có thể học sinh và phụ huynh sẽ cảm thấy có nhiều áp lực khi tỷ lệ chọi cao, không phải thí sinh nào cũng có cơ hội vào trường công lập. Nhưng chỉ cần học chắc kiến thức, chăm chỉ và có đủ quyết tâm tôi tin rằng các em sẽ hoàn thành tốt kỳ thi./.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU