Hai báo cáo khoa học mới nhất liên quan đến biến đổi khí hậu được phát hành chỉ cách nhau vài giờ đã phác họa nên một bức tranh nguy hiểm về sự bất lực của con người trước bối cảnh thực tế khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.
Bản báo cáo thứ nhất: Hơn 11.000 nhà khoa học từ 153 quốc gia đều đồng thuận với bài báo cáo đăng trên Tạp chí BioScience (thuộc Nhà xuất bản Oxford, Anh) tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu toàn cầu và lập luận rằng "nỗi đau khổ của nhân loại" là không thể tránh khỏi nếu không có sự thay đổi sâu sắc và lâu dài trong các hoạt động của con người nhằm góp phần làm giảm mức phát thải khí nhà kính và các yếu tố khác liên quan đến biến đổi khí hậu.
Cảnh báo này có được dựa trên phân tích khoa học của tập dữ liệu khổng lồ thu thập trong 40 năm về nhiệt độ bề mặt Trái Đất, sử dụng năng lượng, tăng dân số, phá rừng, giải phóng mặt bằng, sự tan băng 2 cực, tỷ lệ sinh, tổ ng sản phẩm quốc nội và khí thải carbon.
Bản báo cáo thứ hai: Do một nhóm các nhà khoa học khí hậu xây dựng và được Quỹ sinh thái toàn cầu (FEU) xuất bản, tuyên bố, gần 3/4 trong số 184 cam kết khí hậu được thực hiện theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC...) là KHÔNG ĐỦ để làm chậm sự nóng lên toàn cầu; và rằng một số quốc gia/khu vực phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục tăng lượng khí thải độc hại trong tương lai.
"Đơn giản là các cam kết quá ít và quá muộn màng" - đồng tác giả Robert Watson, cựu chủ tịch của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu nói.
Ảnh minh họa: Internet
Bản báo cáo thứ nhất đăng trên Tạp chí BioScience là công trình của các nhà khoa học từ Đại học bang Oregon (OSU) và Đại học Tufts ở Mỹ; Đại học Sydney ở Australia và Đại học Cape Town ở Nam Phi.
Các nhà khoa học ở 4 trường đại học chỉ ra "những dấu hiệu đáng lo ngại từ các hoạt động của con người", như số lượng gia súc ngày càng tăng (nguồn phát thải khí CH4 - phụ phẩm từ chăn nuôi), khí thải CO2 từ các hoạt động sống/xây dựng của con người tăng theo, trong khi đó độ che phủ của cây xanh trên toàn cầu ngày càng giảm.
"Dù đã có 40 năm thực hiện các cuộc đàm phán toàn cầu về khí hậu nhưng đến nay chúng ta vẫn không thể giải quyết triệt để được cuộc khủng hoảng khí hậu này. Biến đổi khí hậu đã đến và đang tăng tốc nhanh hớn nhiều so với những gì giới khoa học lo sợ" - nhà sinh thái học William J Ripple, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nói.
Climate Analytics phân tích, các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á nằm trong danh sách những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi các tác động của biến đổi khí hậu. Một vài quốc gia trong khu vực này đã cảm nhận sâu sắc tác động từ việc toàn cầu ấm lên 1 độ C hiện tại.
Các nhà khoa học cảnh báo, các tác động tiêu cực từ khí hậu sẽ tăng tốc và trở nên tồi tệ hơn, thậm chí gây ảnh hưởng đế tính mạng và sự phát triển bền vững, trừ phi tất cả các chính phủ cùng nhau hành động để giảm lượng khí thải, nhằm giữ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C đến năm 2030, theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Fahad Saeed, nhà khoa học khí hậu của Climate Analytics cho biết, giới hạn 1,5 độ C có nghĩa là giảm đáng kể nguy cơ hạn hán và áp lực nước sạch ở Nam Á và Đông Nam Á, điều này sẽ góp phần đạt được mục tiêu xóa đói, đảm bảo sức khỏe, nước sạch và vệ sinh.
Nó cũng sẽ làm giảm nguy cơ lũ lụt đối với số lượng lớn người dân sống ở vùng ven biển, cũng như nhiệt độ cực cao có thể đạt đến mức không thể chịu đựng được đối với sức khỏe con người và năng suất lao động, đặc biệt là ở các thành phố đông dân ở Nam Á.
Bản báo cáo thứ nhất chỉ ra 6 lĩnh vực cần thực hiện ngay lập tức để làm chậm các tác động của một hành tinh đang nóng dần lên trước khi quá muộn:
Năng lượng: Nhanh chóng thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo phát thải khí CO2 thấp; "Để dành" kho nhiên liệu hóa thạch còn lại 'ngủ yên' trong lòng đất; Áp dụng phí phát thải khí CO2 đủ cao để các công ty/doanh nghiệp hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Các chất gây ô nhiễm trong thời gian ngắn: Cắt giảm nhanh chóng khí thải mê-tan (CH4), bồ hóng, HFC và các chất gây ô nhiễm không khí tồn tại ngắn khác. Nếu tuân thủ nghiêm túc việc này có thể giảm hơn 50% sự ấm lên toàn cầu ngắn hạn trong vài thập kỷ tới.
Tự nhiên: Khôi phục và bảo vệ các hệ sinh thái như rừng, đồng cỏ, than bùn, đất ngập nước và rừng ngập mặn; và cho phép một phần lớn các hệ sinh thái này đạt được tiềm năng sinh thái của chúng để cô lập CO2 trong khí quyển.
Ảnh minh họa: Internet
Kinh tế: Chuyển đổi nền kinh tế sang một nền kinh tế không có carbon để giải quyết sự phụ thuộc của con người vào sinh quyển là cách phát triển bền vững cần được các quốc gia thực hiện triệt để, qua đó, kiềm chế khai thác hệ sinh thái để duy trì tính bền vững sinh quyển lâu dài.
Dân số: Ổn định tỷ lệ gia tăng dân số [Hiện nay, dân số toàn cầu đang tăng hơn 200.000 người mỗi ngày]. Sử dụng các biện pháp nhằm đảm bảo công bằng xã hội và kinh tế.
Thực phẩm: Khuyến khích cộng đồng ăn nhiều thực vật, tiêu thụ ít sản phẩm động vật. Sự thay đổi trong chế độ ăn uống có thể làm giảm đáng kể lượng khí thải mê-tan và khí nhà kính khác từ hoạt động chăn nuôi; đồng thời giải phóng đất nông nghiệp giúp con người có diện tích để trồng thực vật, rau xanh thay vì thức ăn chăn nuôi.
Giảm chất thải thực phẩm cũng đóng vai trò quan trọng không kém, các nhà khoa học cho biết, ít nhất 1/3 tổng số thực phụ phẩm trong chế biến thực phẩm là rác thải.
Bài viết sử dụng các nguồn: Cosmos Magazine, Climate Analytics
Theo Tri Thức Trẻ