Thiếu hụt vitamin D làm tăng nguy cơ mắc một bệnh thần kinh ở phụ nữ, bà bầu và trẻ sơ sinh. Liệu bạn đã biết để tránh?

Một nghiên cứu mới được công bố bởi Trường Y tế Công cộng Harvard cho rằng, thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng (bệnh MS) ở phụ nữ 20-40 tuổi tới 43% và ảnh hưởng đến cả bà bầu, trẻ sơ sinh.

Bạn vẫn có thể mắc bệnh này ngay cả trong giai đoạn khỏe mạnh nhất

Đa xơ cứng, hay còn gọi là MS là một bệnh mãn tính làm tổn thương thần kinh cột sống và não, cũng như các dây thần kinh thị giác. Những người bị bệnh thường để lại nhiều vùng mô sẹo (sự hóa cứng) dọc theo lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh.

Bệnh MS không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng căn bệnh cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Tỷ lệ tự tử cũng tăng cao trong nhóm người mắc bệnh đa xơ cứng.

Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí thần kinh học trực tuyến tại Mỹ (Neurology) khuyến cáo, hiện nay có khoảng 2,5 triệu người khắp thế giới mắc căn bệnh này. Trong đó, có khoảng 100.000 người ở Anh và hơn 40.000 ở Mỹ. Thiếu vitamin D trầm trọng là nguyên nhân thường gặp ở những bệnh nhân đã mắc bệnh đa xơ cứng.

Tác giả nghiên cứu Tiến sĩ Kassandra Munger nói rằng: “Chúng tôi đã khảo sát trên nhiều đối tượng và tìm ra, hầu hết những phụ nữ mắc bệnh đa xơ cứng hiện nay đang bị thiếu hụt tới 58% lượng vitamin D cần thiết. Phụ nữ mang thai bị thiếu vitamin D sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng ở con cái họ sau này. Tuy nhiên, nếu chúng ta điều chỉnh và bổ sung đầy đủ lượng vitamin D đang thiếu hụt thì có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh MS”.

Mức thiếu hụt vitamin D trầm trọng được xác định là 30 nanomole mỗi lít (nmol/L). Mức không đủ là từ 30-49 nanomole mỗi lít (nmol/L) và mức thích hợp là trên 50 nanomole mỗi lít (nmol/L). Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, nếu mỗi ngày phụ nữ bổ sung đủ 50 nanomole mỗi lít (nmol/L) vitamin D thì nguy cơ mắc bệnh MS sẽ giảm 39%.

Kết quả nghiên cứu này trùng khớp với rất nhiều công trình khoa học trước đó. Các chuyên gia tại ĐH McGill (Canada) đã khảo sát trên 14.500 người bị bệnh đa xơ cứng và hơn 24.000 người không mắc bệnh và kết luận, người thiếu vitamin D có rủi ro mắc bệnh MS gấp đôi người bình thường. Nhưng nếu tăng lượng vitamin D trong cơ thể gấp 1,5 lần thì nguy cơ sẽ giảm 50%. Phát hiện nay được đăng trên tạp chí PLOS Medicine và rất quan trọng với các nước ít được hưởng ánh nắng mặt trời.

Một nghiên cứu khác do Tiến sĩ Sreeram Ramagopalan, Đại học Queen Mary (Anh) và các đồng nghiệp tiến hành cho thấy, phụ nữ đang mang thai mà thiếu hụt vitamin D sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh MS ở trẻ sinh ra lên tới 90%. Lý do là mức độ vitamin khác nhau ở thai phụ có thể ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương và hệ miễn dịch của trẻ. Vitamin D trong máu của thai phụ chủ yếu có được từ việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Theo đó, trẻ sinh vào tháng 4-5 Dương lịch tăng nguy cơ phát triển bệnh 5% và 10% ở những trẻ sinh vào tháng 10-11.

Triệu chứng bệnh đa xơ cứng (MS)

Hiện vẫn chưa phát hiện ra nguyên nhân chính xác của căn bệnh này. Các cuộc nghiên cứu chỉ cho thấy, bệnh liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường.

Theo giáo sư Tanuja Chitnis thuộc Bệnh viện Brigham and Women và Đại học y Harvard, độ tuổi trung bình khởi phát bệnh là từ 20 đến 40, do vậy rất có khả năng có một mối liên hệ nào đó giữa giai đoạn đỉnh cao của sinh sản, hormone và hệ miễn dịch.

Thêm vào đó, tỉ lệ mắc bệnh này ở những nơi ít có ánh sáng Mặt Trời lớn hơn các khu vực khác. Tần số tiếp xúc giữa người bệnh với ánh nắng mặt trời thấp sẽ khiến quá trình tổng hợp Vitamin D bị gián đoạn. Việc thiếu hụt Vitamin D sẽ gây ra bệnh đa xơ cứng.








Phòng chống mắc bệnh đa xơ cứng như thế nào?

Theo các chuyên gia, ai trong chúng ta cũng đều có nguy cơ mắc bệnh này ngay cả trong giai đoạn khỏe mạnh nhất. Do vậy, cần có những biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân ngay từ bây giờ.

a) Chế độ ăn uống

Thay đổi đến chế độ ăn uống có thể làm giảm các triệu chứng thường gặp của đa xơ cứng như mệt mỏi hoặc vấn đề về cơ.

Chúng ta nên có chế độ ăn uống ít chất béo bão hòa, ít đường và muối. Và đưa các nhóm thực phẩm sau vào bữa ăn hàng ngày: trái cây, rau củ và rau đậu, bánh mì và ngũ cốc (cereals), thịt nạc và sản phẩm từ sữa.

b) Chú ý bổ sung vitamin D

Có 2 cách để bổ sung vitamin D. Một là thông qua việc ăn uống như cá mòi, cá hồi, cá ngừ, hạt hướng dương, trứng. Hai là qua việc phơi nắng đúng cách và an toàn.

c) Vận động thể lực

Vận động cơ thể thường xuyên tốt cho tất cả chúng ta, kể cả những người không mắc bệnh đa xơ cứng. Thiếu vận động ở người bình thường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường. Còn đối với người bị bệnh MS thì làm gia tăng các triệu chứng ở cơ bắp và triệu chứng mệt mỏi.

Vận động thể lực và tập thể dục thường xuyên cũng cải thiện tính khí, giảm trầm cảm và giảm nguy cơ tái phát bệnh đa xơ cứng.

d) Tránh mọi căng thẳng thần kinh trong công việc và sinh hoạt

Stress có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Có nhiều cách đơn giản để chúng ta giảm bớt căng thẳng như: dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, tham gia hoạt động xã hội, tập yoga, thiền và thở sâu…

e) Kiểm tra yếu tố di truyền trong gia đình

Nếu trong gia đình có cha mẹ hoặc anh chị từng mắc bệnh đa xơ cứng thì cần chú ý và cảnh giác bệnh di truyền đến chúng ta sau này. Đến bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời để bảo vệ thế hệ mai sau của chúng ta.

f) Phòng tránh và điều trị tích cực các bệnh do virus gây ra

Khi bị nhiễm các virus gây bệnh sởi, zona, herpes, quai bị, thủy đậu, các bệnh viêm gan virut A, B, C, viêm não do virut, cảm cúm...cần điều trị tích cực để bảo vệ hệ thống thần kinh trung ương.

Theo Dailymail.co.uk

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU