Thông báo tuyển dụng từ quản lý kinh doanh đến kỹ sư vận hành làm việc tại TP.HCM và Hà Nội, ngày Apple mở nhà máy tại Việt Nam đã cận kề?

Trên trang việc làm của Apple, hãng này liên tục đăng các tuyển dụng nhân sự tại Hà Nội, TP.HCM từ cuối năm 2019 đến nay. Những vị trí đăng tuyển dụng gồm: kỹ sư vận hành hệ thống và chuỗi cung ứng, chất lượng sản phẩm, phần cứng; trợ lý quản trị; quản lý kinh doanh và phát triển...

Thông báo tuyển dụng mới nhất cho vị trí kỹ sư chất lượng màn hình được đăng ngày 28-4-2020. Các thông báo tuyển dụng đều nêu rõ yêu cầu công việc, kỹ năng cần có cho các vị trí tuyển dụng cũng như những lợi thế về mặt kinh nghiệm... Nơi làm việc là tại Hà Nội hoặc TP.HCM.

Việc Apple tuyển dụng nhân sự nhiều bộ phận làm việc làm dấy lên dư luận "quả táo cắn dở" có thể mở nhà máy sản xuất toàn phần hoặc một phần hoặc cửa hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, tuyển dụng của Apple có cả vị trí liên quan đến quan hệ chính phủ và quản lý vận hành hệ thống. Điều này cũng khiến nhiều người nghĩ ngay đến chuyện Apple sẽ mở văn phòng đại diện tại Hà Nội.

 

Khả năng cao?

Chia sẻ với Zing, quản lý một công ty công nghệ nước ngoài tại Việt Nam cho biết đã nghe thông tin về đợt tuyển lớn này. Với nhiều năm kinh nghiệm sản xuất smartphone và hiện lãnh đạo một nhóm hỗ trợ kỹ thuật cho đối tác, người này cho rằng đây có thể là dấu hiệu Apple mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

"Có khả năng tuyển dụng như thế để chuẩn bị cho một đối tác của họ mở rộng tại Việt Nam. Họ tuyển để có người làm việc với đối tác tại đây", vị quản lý này nhận xét.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng khả năng Apple mở nhà máy tại Việt Nam là không dễ xảy ra. Theo tổng hợp từ nhiều ý kiến, việc Apple đăng tuyển dụng làm việc tại Việt Nam đã diễn ra từ nhiều năm trước chứ không chỉ riêng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Việc mở nhà máy cũng cần tuyển dụng nhân sự ở cấp độ "khủng khiếp" hơn rất nhiều lần so với chỉ hơn 10 vị trí mà Apple đang đăng tuyển...

Một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) nhấn mạnh khả năng Apple chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất sang Việt Nam nếu có cũng khó có thể diễn ra trong một sớm một chiều. Bởi Trung Quốc cũng có rất nhiều ưu đãi về đất đai, chi phí. Trung Quốc lại là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới, Apple đương nhiên không muốn việc dịch chuyển nhà máy ảnh hưởng đến "tình cảm" của người dân Trung Quốc.

Theo nhiều ý kiến, việc Apple đăng tuyển dụng có thể phục vụ cho việc mở trung tâm nghiên cứu nhỏ, phân phối, bán hàng, chăm sóc khách hoặc tham gia vào các khâu sản xuất, kiểm thử với các đối tác của Apple...

Làn sóng đầu tư mới đổ vào Việt Nam sau đại dịch toàn cầu COVID-19?

Từ năm 2019, nhiều tập đoàn công nghệ cũng đã lên kế hoạch rời Trung Quốc để tránh bị nạn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các kế hoạch này có lẽ đã bị trì hoãn một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh toàn cầu COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 cho đến nay.

Dự đoán, sau khoảng thời gian diễn biến dịch bệnh được ổn định, làn sóng đầu tư sẽ bắt đầu đổ vào Việt Nam.

Các công ty đa quốc gia như Samsung và LG đã đầu tư dây chuyển sản xuất mới tại Việt Nam thay vì Trung Quốc theo kế hoạch cũ từ năm 2019.

Trong tháng 2, tờ Nikkei (Nhật Bản) cũng thông tin các “ông lớn” như Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của dịch.

Tiếp đó là hãng trò chơi điện tử Nintendo đã chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite sang Việt Nam. Công ty sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu vì dịch COVID-19 cũng chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện sử dụng cho khung xe cơ giới và bộ dây dẫn điện về Nhật Bản và sang Việt Nam...

Theo Thành viên diễn đàn Lamchame tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU