Kết quả thử nghiệm tốt "chưa từng có"
Thử nghiệm trên một nhóm nhỏ, vắc xin đã cho kết quả tốt và an toàn. Dù vẫn cần được xem xét một cách thận trọng nhưng nhóm nghiên cứu không nhìn thấy những quan ngại khi được áp dụng trên diện rộng, mở ra hy vọng về một loại vắc xin sẽ giúp hàng triệu người trên thế giới chống lại Covid-19.
"Đây là dấu hiệu tốt cho thấy chúng ta có thể tạo ra một kháng thể nhằm ngăn virus nhân lên. Dữ liệu cho thấy chưa thử nghiệm nào có kết quả tốt hơn thế. Công ty sẽ lập kế hoạch thử nghiệm trên diện rộng nhằm chọn ra một loại vắc xin và nghiên cứu thêm về hiệu quả trước khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 trên hàng nghìn bệnh nhân", CEP Moderna Stephane Bancel cho biết.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, vắc xin là yếu tố then chốt để giúp các xã hội trở lại bình thường, đưa các nền kinh tế trở lại với guồng quay của nó, cho phép học sinh tới trường và khôi phục việc đi lại trên toàn cầu. Có tên chính thức là SARS-CoV-2, virus gây Covid-19 đã lây bệnh cho 4,7 triệu người và làm hơn 300.000 thiệt mạng. Một cuộc đua toàn cầu đang được triển khai để tìm ra vắc xin.
Thông tin tích cực đã khiến cổ phiếu Moderna tăng tới 30% trong phiên giao dịch ngày 18/5 tại New York, đẩy nó lên tới đỉnh lịch sử 87 USD/cổ. Nó cũng khiến chứng khoán Mỹ khởi sắc. S&P 500 tăng 3,1% trong khi Dow Jones tăng tới hơn 911 điểm.
Cổ phiếu Moderna bật tăng mạnh mẽ sau những kết quả tích cực về vắc xin thử nghiệm.
Bên cạnh Moderna, Đại học Oxford và Trung Quốc tiếp tục làm gia tăng thêm sự tự tin khi nói rằng các nhà khoa học của họ có những công cụ để ngăn Covid-19. Dù các nhà sản xuất vắc xin và thuốc đang làm việc căng thẳng để ngăn chặn đại dịch, các công ty lại rất kiệm lời về số tiền họ có thể kiếm được từ công việc của mình.
Trở lại với vắc xin của Moderna, nó hiện nay mới chỉ ở những giai đoạn đầu tiên. Trong thử nghiệm lần đầu, các nhà khoa học sẽ chỉ tiến hành trên một lượng nhỏ tình nguyện viên để xem nó có hiệu quả trong việc tạo ra phản ứng của cơ thể với Covid-19 hay không. Tuy nhiên, chỉ những thử nghiệm trên diện rộng, dự kiến được diễn ra vào tháng 7 năm nay, vắc xin mới có thể chứng minh được hiệu quả của nó.
Trong thử nghiệm giai đoạn 1, máu của các tình nguyện viên được lấy ra để kiểm tra xem vắc xin có giúp họ tạo ra kháng thể về mặt lý thuyết chống lại SARS-CoV-2 hay không. Theo đó, một lượng nhỏ vắc xin được tiêm vào người tình nguyện, các nhà khoa học nhận thấy số kháng thể được tạo ra sau mũi tiêm thứ 2 nhiều tương đương hoặc lớn hơn lượng kháng thể ở những bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh.
Theo Stephane Bancel, các số liệu cho thấy vắc xin khá tốt và an toàn. Nó có những phản ứng điểm hình của vắc xin. Thông tin từ công ty cho biết 3 bệnh nhân sử dụng vắc xin liều cao có phản ứng phụ nghiêm trọng. Với những người dùng liều trung bình, có một số bị đỏ ở vị trí xung quanh chỗ tiêm.
Các tác dụng phụ thường thấy khác trên những người được thử nghiệm là mệt mỏi, sốt, đau cơ và đau đầu. Tuy nhiên, tất cả các triệu chứng biến mất trong vòng một ngày, CEO của Moderna chia sẻ với truyền thông.
Theo công ty, thử nghiệm giai đoạn 2 với 600 bệnh nhân sẽ được sớm bắt đầu. Tuy nhiên, theo Bancel, việc công bố dữ liệu thử nghiệm ban đầu là cần thiết bởi mức độ quan tâm cao của cộng đồng và xã hội với vắc xin chống Covid-19.
Công nghệ vắc xin mới
Hầu hết các loại vắc xin đều bao gồm virus đã bị làm yếu hoặc protein từ virus, được tạo ra thông qua kỹ thuật di truyền. Khi được tiêm vào cơ thể, chúng kích hoạt phản ứng miễn dịch tương tự như những gì đã xảy ra với người nhiễm và khỏi bệnh. Tuy nhiên, Moderna đang dùng công nghệ khác để tạo ra vắc xin.
Công nghệ mRNA dựa trên tế bào của cơ thể để sản sinh ra virus. Sau khi được tiêm vào cơ thể, RNA sẽ xâm nhập vào tế bào và tạo ra các protein giống như virus. Trong trường hợp này chính là protein "spike" dựa trên bề mặt của SARS-CoV-2. Nếu vắc xin hiệu quả, những protein này sẽ kích hoạt cơ thể tạo ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể.
Vắc xin là điều kiện tiên quyết để cuộc sống có thể trở lại bình thường sau đại dịch Covid-19.
Mặc dù công nghệ này còn mới và chưa từng được sử dụng trong một loại vắc xin được cấp phép nào trước đây nhưng nó đang được các nhà nghiên cứu theo đuổi và thử nghiệm trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay.
Moderna bắt đầu nghiên cứu vắc xin Covid-19 ngay khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố trình tự gen của virus corona vào tháng 1. Đến cuối tháng 2, các nhà khoa học của Modena đã giao lô vắc xin tiềm năng đầu tiên cho các nhà nghiên cứu ở Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Vào giữa tháng 3, tình nguyện viên khỏe mạnh đầu tiên được nhận một liều thử nghiệm trong chương trình do chính phủ Mỹ tài trợ.
Trong khi đó, Moncef Slaoui, người sẽ trở thành trưởng nhóm các nhà khoa học trong Chiến dịch Warp Speed – nỗ lực của Nhà Trắng để phát triển vắc xin chống Covid-19, nằm trong hội đồng quản trị của Moderna từ năm 2017. Theo các nguồn thạo tin, Slaoui sẽ rời vị trí này sau khi bắt đầu công việc cho Chính phủ Mỹ.
Theo Tri Thức Trẻ