Thu Phương - Dũng Taylor: Xử phạt công minh để tránh so sánh giữa các con

Dũng Taylor từng tâm sự: "Hạnh phúc của tôi là các con. Đó là tài sản vô giá và trọn đời, không gì thay đổi được, nhưng cũng mang đến nhiều áp lực.

Sau bao biến cố, sống tại nơi đất khách quê người, ca sĩ Thu Phương phải tự mình chống chọi với muôn vàn khó khăn. Giữa lúc cuộc sống tối tăm nhất, chị gặp Dũng Taylor – ông bầu có tiếng trong giới nghệ sĩ hải ngoại. Mới đầu chỉ là sự giúp đỡ giữa hai con người có chung quê hương gốc gác, những chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, rồi tiến triển lúc nào không hay. Dũng Taylor cảm phục Thu Phương vì sự kiên cường trong cuộc sống, còn nữ ca sĩ cảm động trước tấm chân tình và sự nhiệt thành của anh trong cơn hoạn nạn. Họ lặng lẽ xích lại gần nhau, thu vén gia đình nhỏ cho riêng mình.

Biết Thu Phương ngày đêm đau đáu nhớ thương con ở quê nhà, Dũng Taylor đích thân về Việt Nam đón hai bé về Mỹ nuôi dạy chăm sóc. Tình cảm chân thành khiến người đàn ông bước qua tuổi 40, chưa trải qua cuộc hôn nhân nào, có sự gắn bó như máu thịt với những đứa trẻ chưa từng gặp gỡ. Điều này càng khiến Thu Phương thêm yêu mến, cảm phục anh.

Rồi hai thiên thần nhỏ chào đời, là kết tinh tình yêu của Thu Phương và người bạn đời đáng nể phục. Anh chính là hậu phương vững chắc để cô yên tâm với sự nghiệp, để tiếng hát của người phụ nữ mạnh mẽ và xinh đẹp ngày càng đi sâu vào lòng khán giả. Khi con riêng chào đời, Dũng Taylor cũng luôn biết cách để các con có sự hòa nhập, yêu thương nhau chân thành, sống tử tế với nhau như chính cách sống của anh.

Dũng Taylor từng tâm sự: "Hạnh phúc của tôi là các con. Đó là tài sản vô giá và trọn đời, không gì thay đổi được, nhưng cũng mang đến nhiều áp lực. Mỗi gia đình ở Mỹ có hai con là lý tưởng nhất. Chúng tôi có gấp đôi đồng nghĩa là gấp đôi áp lực.

Trách nhiệm của bố mẹ ở xã hội Mỹ không chỉ có cơm áo gạo tiền mà còn phải là chỗ dựa tinh thần, đồng thời định hướng cho các con. Các cháu được giáo dục từ bé với suy nghĩ tự lập và luôn bảo vệ quyền lợi riêng của mình. Do đó, người làm bố mẹ luôn phải làm gương, cập nhật đời sống sinh hoạt của môi trường các con trong từng giai đoạn. Vì thế, bố mẹ có khả năng và điều kiện ở Mỹ vẫn phải nhúng tay trực tiếp vào việc giáo dục và nuôi dưỡng các con, không thể thuê mướn người. Đây là một áp lực lớn".

Thế nhưng áp lực nào rồi cũng qua khi tất cả các thành viên gia đình cùng đồng lòng vượt khó. Dũng Taylor đã chứng minh bản thân không chỉ là trụ cột về kinh tế, anh còn là hậu phương vững chắc cho vợ và các con. Giữa cuộc sống chung, khi những đứa trẻ lần lượt ra đời, luôn có những khó khăn không dễ dàng chia sẻ. Có những điều tế nhị mà người làm cha dượng hay mẹ kế phải thật nhạy cảm và đầy yêu thương mới có thể nắm bắt.

Dũng Taylor đã bằng tình yêu thương lớn lao của mình để hóa giải nhiều điều. "Trong việc chăm sóc, nuôi dạy các con, phần tôi áp lực hơn Thu Phương vì hai cháu lớn là con riêng của Phương. Cộng thêm sự hiện hữu của bố ruột của hai cháu - hiện là một người láng giềng của gia đình chúng tôi - nên càng tăng thêm phần tế nhị và nhạy cảm trong từng lời ăn tiếng nói của tôi.

Trước khi sống với Phương và hai con, tôi chưa từng lập gia đình và cũng chưa có con. Tôi suy nghĩ rất đơn giản: cứ thương yêu và giáo dục các con như con ruột của mình thì mọi việc sẽ ổn. Hai năm đầu chung sống, tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, nhất là khi bố mẹ Phương sang Mỹ ở chung với chúng tôi. Tôi lớn lên và hấp thụ văn hóa Mỹ từ lúc 13 tuổi, lại xuất thân là người miền Nam nên không tránh khỏi việc văn hóa khác biệt, tuy nói cùng một ngôn ngữ nhưng vẫn không hiểu được hết ý của nhau. Từ đó tôi đã căn chỉnh cách ứng xử của mình sao cho tâm lý, tế nhị. Tôi ý thức từng lời ăn tiếng nói cũng như cách hành xử khi các con phạm lỗi. Không lên tiếng thì có thể bị hiểu lầm là không quan tâm. Mạnh mẽ quá thì dễ bị cho là khó khăn. Tôi luôn chú ý lên tiếng đúng cường độ, đúng lúc, và luôn sử dụng đúng lời nếu không cả nhà sẽ mất vui".

Còn với hai con của tôi và Phương thì tôi khắt khe, tỏ thái độ rõ ràng hơn mỗi khi hai bé không ngoan. Tôi luôn xử phạt công minh với tất cả bốn con để tránh tình trạng so sánh giữa các cháu. Bốn anh em chúng như một. Tôi và Phương rất yên tâm khi thấy các con thương yêu và gắn bó với nhau như anh em cùng mẹ, cùng bố.

Những nỗ lực và hy sinh của Dũng Taylor đã được các con cảm nhận bằng tình yêu chân thành. Thanh Thảo (con gái của Huy MC và Thu Phương - xem Dũng Taylor như người bố thứ hai. Cô bé gắn bó với bố Dũng từ năm tám tuổi, khi mới sang Mỹ, cho đến nay, khi đã 16 tuổi. "Bé Thanh Thảo đến Mỹ lúc 8 tuổi, cái tuổi thơ ngây hồn nhiên và dễ hòa hợp vào đời sống mới. Từ nhỏ, Thanh Thảo và tôi đã có sự đồng cảm trong từng lời nói, ánh mắt nên tôi đầu tư nhiều thời gian nhất cho Thanh Thảo. Cháu luôn tìm đến tôi mỗi khi có vấn đề liên quan đến bạn bè, trường học hoặc nhu cầu vật chất. Tôi thường phân tích chi tiết cho các con hiểu để phân biệt giữa nhu cầu "cần" và "muốn" trong cuộc sống rồi tin tưởng trao phần quyết định cho các con. Tôi cũng là người trực tiếp soạn thời khóa biểu cho Thanh Thảo trong mỗi mùa học. Nhờ đó, tôi luôn nắm bắt được tình trạng học tập của cháu. Thảo từ lớp năm đến nay luôn là học sinh giỏi, được bằng khen của trường. Tôi còn nhớ khi cháu tốt nghiệp cấp hai còn được bằng khen của Tổng thống Obama dành cho những học sinh giỏi toàn quốc.

Với con trai riêng của vợ, anh cũng có cách gần gũi như những người bạn, những người đàn ông với nhau. Dũng Taylor từng chia sẻ hình ảnh đưa con riêng của vợ đi thi bằng lái xe. Anh viết: "Về nhà sớm hơn dự định để đưa con đi thi bằng lái xe, dĩ nhiên con sẽ tự tin hơn khi có mặt bố, mình được đền đáp bằng nụ cười rạng ngời của con với chìa khóa xe mới và bằng lái mới trong tay".

Dũng Taylor luôn tạo điều kiện để con riêng của vợ có thể phát triển tốt nhất. Hơn nữa, anh luôn thể hiện sự quan tâm và động viên kịp thời đến các con.

Hai đứa con sau - Barry tám tuổi và Hailey năm tuổi - đơn giản hơn. Chúng đang ở tuổi đáng yêu nhất vì luôn muốn được ở bên cạnh bố mẹ và không đòi hỏi gì cả. Mỗi sáng tôi hoặc Phương chuẩn bị thức ăn sáng cho hai con, đưa con đến trường rồi vùi đầu óc vào công việc. Buổi chiều, chúng tôi đón con về rồi đưa đến những lớp học thêm hoặc năng khiếu như võ, vẽ, nhạc... Mỗi ngày tôi kiểm tra bài học của Barry. Tôi hoặc Thanh Thảo là người hỗ trợ cháu làm bài tập về nhà mỗi ngày.

Cuộc sống của cặp đôi cứ thế trôi đi trong niềm hạnh phúc khi chứng kiến sự trưởng thành và yêu thương mà các con dành cho nhau.

Theo giadinh.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU