Các sản phẩm hỗ trợ giảm cân được quảng cáo tràn lan trên nhiều sàn thương mại điện tử (Ảnh chụp màn hình).
Theo đó, một số những sản phẩm được "thần thánh hoá" công dụng như: "muốn giảm mỡ ở đâu, thì giảm ở đó", "tăng cân hoàn tiền", "ăn thoải mái không lo tăng cân", "không tác dụng phụ", "chuyển hoá mỡ thừa thành năng lượng"… Thậm chí, có những sản phẩm được gắn mác Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng nguồn gốc thực sự của những sản phẩm này từ đâu thì không ai rõ. Dưới sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, những "công dụng thần kỳ" này nhanh chóng chạm đến nhu cầu của nhiều người trẻ.
Bạn Đ.N.N. (20 tuổi, sinh viên) cho biết: "Trước đây, mình xem các video quảng cáo cũng thấy người nổi tiếng quảng cáo nên mình tin là giảm được cân thật nên mua về uống thử. Uống vào thì thấy không thèm ăn, mấy tuần đầu cũng giảm được 3kg, nhưng càng uống thì càng mệt nên mình không sử dụng nữa…". Và sau khi ngừng sử dụng thì N. lại tăng cân.
Giống với N, bạn N.T.C.G. (20 tuổi, sinh viên) cũng từng có một khoảng thời gian sử dụng các thực phẩm giảm cân vì tự ti về cân nặng và thường xuyên bị chế giễu vì "béo". G. chia sẻ: "Em hay bị body shaming nên rất tự ti về cân nặng. Em vô tình gặp được các clip quảng cáo về các thực phẩm hỗ trợ giảm cân nên đã mua và sử dụng. Em nghĩ người ta là người có nhiều người theo dõi nên tin chứ cũng không nghĩ gì nhiều…". Sau 3 tuần sử dụng, G. đã giảm được 5kg. Sang tuần thứ 4 thì công dụng không còn hiệu quả như trước nên G. đã tự ý tăng liều lượng sử dụng. Tuy nhiên, cái giá phải trả là cơ thể G. luôn trong tình trạng mất nước do đi tiểu, đi cầu nhiều. Do quá mệt mỏi nên G. đã dừng sử dụng các sản phẩm giảm cân. "Giảm thì có giảm thật nhưng mệt lắm…", G. nói thêm.
Lợi bất cập hại
Trong một số thực phẩm hỗ trợ giảm béo có chứa các chất như Sibutramine, Phenolphtalein, thậm chí cả HCA theo lời quảng cáo của một số KOL. Tuy nhiên, các chất này lại mang đến nhiều tác dụng phụ, gây ảnh hưởng lớn đến chức năng của các bộ phận trong cơ thể.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam: "Sibutramine là một loại thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn. Hầu hết các loại thuốc cùng nhóm này có tác dụng trên các trung tâm nhận thức về đói và no, lúc đầu Sibutramine được sử dụng như thuốc chống trầm cảm. Hiệu quả của Sibutramine là làm giảm cân trung bình 5% trọng lượng cơ thể".
Các nghiên cứu chỉ ra rằng Sibutramine có khả năng ức chế cảm giác thèm ăn, hạn chế hấp thu chất béo, giúp cơ thể giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, chất này lại gây những tác dụng phụ nguy hại như: gây nên các triệu chứng đau đầu (tỷ lệ xảy ra khoảng 30,3%), đau lưng (chiếm 8,2%), dị ứng (3,8%), cảm cúm (8,2%), suy nhược (5,9%), đau bụng (4,5%), đau ngực (1,8%), đau nhức cổ vai gáy (1,6%). Sibutramine nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch hay huyết áp. Đồng thời, Sibutramine cũng làm tăng nhịp tim khoảng 4-5 nhịp mỗi phút, có thể gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và nguy hiểm hơn là có thể gây ngừng tim, đột quỵ.
Ngoài ra, Sibutramine cũng tác động lên hệ thần kinh, với các triệu chứng: mất ngủ (10,7%), chóng mặt (7,0%), lo lắng (4,5%), trầm cảm (4,3%), kích thích thần kinh trung ương (1,5%), mất khả năng cảm xúc (1,3%), hội chứng Gilles de la Tourette, mất trí nhớ ngắn hạn, rối loạn ngôn ngữ… Cũng theo nghiên cứu, khoảng 0,1% bệnh nhân đã trải qua cơn động kinh trong khi sử dụng sản phẩm chứa Sibutramine.
Từ tháng 10/2010, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có Sibutramine. Tại Việt Nam, ngày 8/6/2010, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine.
Phenolphtalein có tác dụng rất tốt trong việc nhuận tràng nên được sử dụng phổ biến. Đặc biệt là hỗ trợ điều trị các vấn đề liên quan đến tiêu hóa hoặc kích thích nhuận tràng. Ngoài ra, Phenolphtalein còn có tác dụng trong việc phân giải chất béo. Đồng thời ngăn chặn sự tích lũy mỡ trong cơ thể. Nhờ đó cân nặng của người sử dụng sẽ được cải thiện. Phenolphtalein trong thuốc giảm cân có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hoá, tim mạch, gan của người dùng. Ngoài ra, sử dụng Phenolphtalein để giảm cân, còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi… Lâu dài dẫn đến việc sức khỏe bị giảm sút. Đặc biệt là cơ thể rơi vào tình trạng mất nước và đi cầu liên tục… Nguy hiểm hơn nữa là tính mạng có thể bị đe dọa. Việc lạm dụng các sản phẩm giảm cân có sử dụng 2 chất cấm trên sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng về ngắn hạn cũng như lâu dài.
Cũng theo FDA, HCA có thể gây ra các tác dụng phụ đối với sức khỏe như rối loạn tiêu hóa và ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Xây dựng lộ trình phù hợp
Theo Phan Bảo Long (nguyên giảng viên bộ môn Hóa Sinh, Khoa Y Dược, Đại học Tây Nguyên: "Về bản chất, chuyển hoá mỡ thừa là dùng mỡ làm năng lượng và không đưa thêm năng lượng dự trữ tồn tại dưới dạng mỡ. Bản chất của giảm mỡ là cơ thể dư thừa mỡ tích tụ trong các tế bào mỡ (mỡ dự trữ) hay mỡ trong máu, trong gan (gọi là mỡ nội tạng), khi giảm mỡ để cơ thể khỏe mạnh thì giảm đồng thời những loại mỡ này".
Ông Long cho biết thêm: Khi được kết hợp với một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, hoạt động thể chất là điều tốt nhất bạn có thể làm để tăng nhịp tim và tăng lượng oxy hấp thụ, có thể giúp thúc đẩy quá trình giảm mỡ. Bạn sẽ cần đốt cháy nhiều calo hơn mức tiêu thụ để tạo ra mức thâm hụt calo nhằm giảm cân.
TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết thêm: "Phổi là cơ quan chính mà chất béo đi khỏi cơ thể bạn. Chất béo được chuyển đổi thành carbon dioxide và nước. Bạn thở ra khí carbon dioxide và nước hòa vào vòng tuần hoàn của bạn cho đến khi nó được thải ra như nước tiểu hoặc mồ hôi. Trong quá trình đốt cháy chất béo, cơ thể chuyển hóa chất béo thành năng lượng có thể sử dụng được, làm cho tế bào mỡ thu nhỏ kích thước."
Khi chất béo rời khỏi cơ thể, 84% được thải ra dưới dạng CO2 và 16% còn lại được bài tiết dưới dạng nước. Vì vậy, hầu hết chất béo chúng ta đốt cháy được thải vào không khí theo đúng nghĩa đen.
Hầu hết các sản phẩm giảm cân hoặc thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân trên thị trường có hai dạng: Dạng 1 là gây mất nước. Vì vậy hầu hết người dùng thuốc giảm cân thường đi tiểu nhiều. Tuy nhiên sau khi ngưng thuốc, tình trạng béo sẽ trở lại như cũ vì người đó phải uống bù nước. Dạng 2 là các loại thuốc gây chán ăn, thường có hiệu quả trong một vài tuần lễ đầu tiên kể từ khi uống nhưng tác dụng sẽ giảm rõ rệt sau tuần thứ tư nên nhiều người tự tăng liều, chưa kể nếu ngưng thuốc, họ sẽ ăn nhiều hơn.
Một điều nguy hiểm nữa là sau vài tuần điều trị, nhiều người gặp tác dụng phụ như bứt rứt, khó chịu, thay đổi tính cách, dễ cáu giận, mất ngủ, mệt mỏi, trầm cảm và có thể suy tim hoặc đột quỵ. Các thành phần của thuốc giảm cân ngoài sibutramin và phenolphtalein kể trên một số thành phần khác có tác động xấu đến sức khỏe như: Thành phần giảm cân được gọi là amin có thể gây kích thích tim mạch dẫn đến tình trạng huyết áp cao, tim đập nhanh. Thành phần dẫn xuất amphetamine có thể gây khô miệng, táo bón, mất ngủ, bồn chồn. Thành phần ức chế lipase gây tổn thương cho gan dẫn đến tình trạng vàng da, chán ăn, đau dạ dày, nước tiểu đậm màu. Thành phần Qsymia có topiramate có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho thai nhi khi phụ nữ mang thai sử dụng phải.
Cũng theo bác sĩ Sơn, biện pháp giảm cân an toàn nhất và hiệu quả nhất vẫn là thực hiện chế độ ăn kiêng cân bằng ít calo, giàu chất dinh dưỡng và tập thể dục thể thao thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.
Theo đó, cắt giảm năng lượng khẩu phần, hạn chế việc nạp thêm đường, lựa chọn carbs tốt, bổ sung protein hợp lý, lựa chọn và làm bạn với chất béo tốt, bổ sung chất xơ, chia nhỏ bữa ăn, tăng lượng bữa trong ngày, lựa chọn đồ uống thích hợp ưu tiên đồ uống không và ít calo Không ăn quá nhiều 1 món trong bữa, ăn chậm, nhai kĩ, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress, ngủ đủ giấc 7-8 tiếng/ ngày, tập luyện thể dục thể thao đều đặn…
Trước khi quyết định giảm béo, nên có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, các chuyên gia dinh dưỡng nhằm xây dựng lộ trình phù hợp. Không nên tự ý mua và sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân.