Thung lũng trong mây nơi "Đà Lạt" của miền Tây xứ Nghệ

(lamchame.vn) - Ở độ cao gần 1.500m, nằm trên dãy núi Puxailaileng hùng vĩ, xã Mường Lống (h.Kỳ Sơn, Nghệ An) được ví như Đà Lạt của miền Tây xứ Nghệ. Thủa xưa, nơi đây vốn được coi là “thủ phủ” của cây…

 Mường Lống giờ phủ trắng đồi Mận tam hoa, tím biếc bông Đào đá xen lẫn trong sương trắng. Đâu đó, trai gái vẫn Ném Còn để kén vợ chọn chồng mỗi khi tết đến, xuân về…

 

Chớm Xuân- Mường Lống sương giăng như một chiếc khăn voan trắng khổng lồ, e ấp như một thiếu nữ bí ẩn giữa đại ngàn xanh biếc. Tích kể rằng: Mường Lống xưa là một thung lũng hoang vu, ngút ngày cây cối, quanh năm sương mù dày đặc ngẩng mặt lên không thấy mặt trời, đã rất nhiều người bước chân vào đây rồi không tìm được lối về, không ít người đã phải bỏ mạng ở cái thung lũng huyền bí này. Và, Mường Lống được hình thành kể từ khi đồng bào Mông di cư đến đây dừng chân lập bản, lập mường.

Mường Lống từ khi mới hình thành cho đến trước những năm 1990 nghèo lắm, nghèo đến mức chẳng ai muốn đặt chân đến đây nếu như không có nhu cầu mua thuốc phiện. Còn hôm nay, Mường Lống đang chuyển mình đi lên. Chỉ tay về phía trước là một vùng thung lũng rộng hàng chục hecta Mận tam hoa và Đào không hạt của đồng bào Mông, Phó chủ tịch xã Mường Lống Vừ Bá Lềnh nói: “Trước kia, cứ mỗi độ xuân về, Mường Lống lại tím trời hoa Anh túc; còn bây giờ lại là bạt ngàn màu trắng tinh khôi của hoa mận, hoa đào”. Đâu đó, lấp ló trong rừng Mận, rừng Đào lại xuất hiện sắc phục của các thiếu nữ Mông đi du ngoạn đã tô thêm cho Mường Lống một gam màu đẹp lãng mạn, huyền bí hiếm có.

Phó Chủ tịch UBND xã - Vừ Bá Lềnh tâm sự: Để xóa bỏ được tập tục trồng cây thuốc phiện của bàn con người Mông thật không hề dễ dàng gì bởi bao đời nay nó đã thấm vào máu thịt của mỗi người dân ở thung lũng này. Ông Xà nhớ lại, những năm 1995, Đảng và Nhà nước bắt đầu có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện. Khi cấp trên có chủ trương về, cán bộ xã là người tiên phong xóa bỏ để làm gương, song người dân vẫn không chịu. Tuyên truyền, vận động mãi, cuối cùng người dân cũng làm theo. Nhờ vậy, chẳng bao lâu sau toàn bộ diện tích cây thuốc phiện tại thung lũng Mường Lống này được triệt xóa sổ vĩnh viễn. Xóa sổ cây thuốc phiện, bà con Mường Lống được hướng dẫn trồng Mận tam hoa, Đào không hạt, trồng lúa, trỉa ngô… Chỉ vài năm sau, đồi núi trong thung lũng Mường Lống đã ngợp trắng hoa mận, sắc tím hoa đào. Nếu đến Mường Lống mỗi độ xuân về đúng dịp hoa nở thì chẳng khác nào lạc vào “chốn thần tiên” nơi miền biên ải.

Mường Lống hiện có 13 bản, 863 hộ với 4.253 khẩu, 100% là đồng bào Mông. Cuộc sống của bà con đồng bào nơi đây còn đang gặp rất nhiều khó khăn, hộ nghèo còn chiếm tới hơn 80%, nhưng không vì thế mà họ ỉ lại, chờ Đảng, chờ Nhà nước giang rộng vòng tay. Để chống chọi với khó khăn, bà con ngày ngày chăm chỉ lên rẫy trồng lúa, trỉa bắp; ở nhà thì chăm các con vật được xem như đặc sản của vùng miền như lợn đen, gà đen. Vậy nên, nếu mấy năm về trước, Mường Lống được gọi là “thủ phủ cây thuốc phiện” thì bây giờ cũng có thể gọi là “Thủ phủ gà đen”.

 

Những ngày cuối năm này, mặc cho cái lạnh bao trùm cả miền biên viễn vẫn không thể ngăn được những bông hoa mận, hoa đào kheo sắc; những chàng trai, thiếu nữ Mông lộng lẫy trong trang phục truyền thống lên nương, xuống chợ. Được biết, ngày xuân, khắp các thôn bản trai gái hòa mình vào tiếng sáo, điệu khèn; họ tìm đến với nhau, trao cho nhau ánh mắt, nụ cười và lời tỏ tình qua trò chơi dân gian truyền thống Ném Còn- một trò chơi đã gắn liền với ngày xuân của bà con đồng bào Mông từ bao đời nay. Theo đó, cứ mỗi độ xuân về, các thiếu nữ Mông tập trung tại bản mình ở để tổ chức Ném Còn, chờ trai bản khác tới tỏ tình. Khi trai bản tới, ai thấy “ưng cái bụng” với cô gái nào thì tiến tới Ném Còn với cô gái đó. Tín hiệu “tình yêu” được gửi gắm vào con Còn, ném qua ném lại, trao cho nhau những lời hẹn ước về chung một mái nhà.

Để minh chứng cho sự hiệu quả của trò chơi giân gian Ném Còn, phó Chủ tịch xã Và Chá Xà cười vui kể lại: Tết nguyên đán năm 1992, ông từ xã Huồi Tụ vào Mường Lống để kén vợ, bước chân lạc như vô tình đưa ông tới bản Huồi Đôn. Trong đám Sơn nữ tại đây, ông bắt gặp một đôi mắt to tròn, đen nhánh nhìn ông trong e lệ, thẹn thùng. Thấy “ưng cái bụng”, ông tiến lại Ném Còn, hỏi tên. Thiếu nữ Mông tên là Lý Y Trữ không lâu sau đó đã trở thành mẹ của các con ông.

Cũng theo ông Xà, đồng bào Mông có rất nhiều phong tục tập quán khác lạ, độc đáo, đầy ý nghĩa nhân văn. Trước đây, tết của người Mông thường diễn ra trước tết Nguyên Đán khoảng một tháng, song giờ đây thì gần như là chung nhau rồi. Cứ khoảng ngày 26 đến ngày 30- 12 Âm lịch hàng năm là nhà nhà làm lợn đen, gà đen để ăn tết. Chiều 30 tết, cả bản tập trung tại một bãi đất có địa hình rộng, bằng phẳng rồi tổ chức trồng cây Pọ Dày để cầu bình an, mưa thuận, gió hòa. Cây Phọ Dày có tán lá rộng, giống một chiếc ô tròn. Trồng cây Pọ Dày tại trung tâm bản chính là tượng trưng cho sự chở che cho toàn dân bản được bình yên, làm ăn phát đạt trong năm mới.

 

Chiều xuống, sương giăng trên cổng trời càng dày đặc. Nhưng, Mường Lống hôm nay như ánh mặt trời xua tan mây mù âm u một thời khổ cực lầm than. Mường Lống hôm nay đã đổi mới, rạng rỡ hơn, tươi sáng hơn. Mường Lống hôm nay lộng gió, khoáng đạt và đầy ắp tiếng cười.

Thái Quang

 

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU