Tại buổi họp của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 10/5, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong "rất lo lắng", đề nghị nêu cao tinh thần cảnh giác, không được phép lơ là trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Qua đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu tất cả cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tái kích hoạt toàn bộ biện pháp, giải pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất.
4 nhóm nguy cơ khiến dịch có thể xâm nhập vào thành phố
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, trong ngày 9/5 và sáng 10/5, TP.HCM không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới, đến nay có tổng cộng 267 ca nhiễm (69 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 194 trường hợp nhập cảnh và 4 ca lây nhiễm trong khu cách ly VNA). Hiện đã có 243 trường hợp điều trị thành công, 24 ca đang được chữa trị tại BV Dã chiến Củ Chi (22 ca) và 2 ca tại BV Nhi đồng Thành phố.
Ảnh: TTBC
Dù do không xuất hiện ca nhiễm mới nhưng theo ngành y tế, nguy cơ xâm nhập dịch và lây lan trong cộng đồng ở TP là rất lớn, cụ thể có 4 nhóm nguy cơ sau:
+ Thứ 1, TP.HCM có nhiều khu cách ly tập trung trên địa bàn (41 khu cách ly tại các khách sạn có thu phí, 350 khu cách ly của quân đội và các khu cách ly của 24 quận - huyện), tiềm ẩn yếu tố nguy cơ của cả trường hợp nhập cảnh hợp pháp và bất hợp pháp.
+ Thứ 2, nhiều bệnh viện TP là bệnh viện tuyến cuối, nguồn nguy cơ lây nhiễm khi phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân ở các tỉnh thành.
+ Thứ 3, lượng người đi/về TP hàng ngày rất lớn. Có một số trường hợp đi về từ các địa phương có ca mắc Covid-19 sau dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua.
+ Cuối cùng là các nguy cơ từ các cửa ngõ sân bay và cảng biển. Mặc dù số lượng người nhập cảnh từ cảng biển không lớn, tuy nhiên lượng tàu thuyền tập kết đông, thuyền viên lưu trú lại trên cảng dài ngày.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang diễn ra ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước với nhiều ổ dịch, chủng lây nhiễm phức tạp,... Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Phòng chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, với tinh thần "chuyển từ phòng ngự sang tấn công, tấn công là chính".
TP.HCM kích hoạt toàn bộ phương án chống dịch ở mức cao nhất
Ảnh: TTBC
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu:
1. Thủ trưởng các đơn vị, Sở - ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện khẩn trương kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các Bộ chỉ số an toàn với dịch bệnh ở mức độ cao nhất. Tuyệt đối không được lơi lỏng. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
2. Tổ chức giao ban trực tuyến về tình hình Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vào chiều thứ 2 và chiều thứ 6 hàng tuần để nắm bắt tình hình và có biện pháp triển khai kịp thời.
3. Trên cơ sở các nhóm nguy cơ xâm nhập dịch bệnh vào TP đã được nhận định, các ngành cần nghiêm túc tuân thủ các quy định về khai báo y tế, xuất nhập cảnh, theo dõi và kiểm soát các con đường xâm nhập. Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an và các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, kiểm soát người đi/đến TP.
4. Tái lập lại các chốt chặn kiểm soát dịch bệnh trên đường bộ để tiến hành khai báo y tế, đo thân nhiệt người dân vào TP qua các cửa ngõ.
5. Người dân đến các địa phương đang có ca lây nhiễm phải khai báo y tế. Ngành y tế tổ chức giám sát các ca nghi ngờ.
6. Mỗi quận - huyện, TP. Thủ Đức duy trì ít nhất 1 khu cách ly tập trung ít nhất 20 giường, sẵn sàng mở rộng lên 50 -100 giường. Các điểm cách ly có trả phí cần có hướng dẫn cách ly cụ thể, mỗi địa điểm chỉ nhận một đối tượng cách ly để thuận lợi trong theo dõi, giám sát.
7. Các khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất luôn chuẩn bị sẵn sàng phương án để xử lý tình huống khi có 1 hoặc nhiều ca nhiễm. Nếu cơ sở nào không đảm bảo được phương án phòng, chống dịch hiệu quả thì tạm thời ngừng hoạt động.
8. Phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng. Hiện nay có 19.000 tổ với hơn 52 nghìn thành viên đã được tập huấn sẵn sàng, cần góp phần phát hiện những trường hợp nhập cảnh trái phép, những chùm ca bệnh trong cộng đồng. Hỗ trợ cho lực lượng y tế truy vết các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân trong cộng đồng; tuyên truyền, vận động, giám sát sự chấp hành của các hộ dân trong phạm vi bị phong tỏa.
9. Đối với các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống yêu cầu phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tuân thủ nghiêm các quy định của TP trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
10. Các lễ hội, hội nghị trong trường hợp cần tổ chức trực tiếp phải đảm bảo quy mô, giãn cách, các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Khuyến khích tổ chức hội nghị trực tuyến.
11. Sẵn sàng các phương án ứng phó trong trường hợp dịch bệnh lan rộng như: Tăng cường năng lực xét nghiệm; mở rộng các khu cách ly tập trung để nâng tổng số toàn TP lên 10.000 giường bệnh; sẵn sàng phương án điều trị cho 50 - 100 người bệnh theo kế hoạch của ngành Y tế và dự trù kế hoạch điều trị cho 100 - 200 người bệnh. Ngành Y tế tiếp tục kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
12. Giai đoạn này cũng là cơ hội để đẩy nhanh chuyển đổi số theo lộ trình đã đề ra, trước hết là phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó tăng cường hội nghị trực tuyến, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 và dịch vụ bưu chính viễn thông; phát huy hiệu quả hệ thống liên thông văn bản qua mạng giữa các cơ quan nhà nước và trao đổi thông tin qua thư điện tử công vụ; nâng cao chất lượng tương tác giữa người dân và chính quyền thông qua các kênh tương tác trực tuyến.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị