Ngày 10/8/2021, trên trang nhất của một loạt các tờ báo của Anh, Mỹ xuất hiện hình ảnh một người phụ nữ lớn tuổi đau đớn, bất lực trước trận cháy rừng chưa từng có trên đảo Evia ở Hy Lạp - Hình ảnh đó gói gọn cảm giác đau khổ và sợ hãi toàn cầu của con người nhỏ bé trước sự tức giận của thiên nhiên rộng lớn.
The Guardian, Financial Times, Daily Mail, Daily Telegraph (của Anh) và các tờ New York Times, CNN, Washington Post của Mỹ đều đồng loạt đưa tin để nói lên nỗi nhức nhối của thời đại.
Trang nhất của một loạt các tờ báo của Anh, Mỹ xuất hiện hình ảnh một người phụ nữ lớn tuổi đau đớn, bất lực trước trận cháy rừng chưa từng có trên đảo Evia ở Hy Lạp. Nguồn: The Guardian
Dòng tiêu đề của The Guardian là "Khủng hoảng khí hậu toàn cầu: Không thể tránh khỏi, chưa từng có và không thể đảo ngược"; "Kìa Thủ tướng: Hãy thức dậy xem báo động đỏ về khủng hoảng khí hậu" là tựa đề trên trang nhất Daily Express; "Báo cáo về ngày tận thế cảnh báo về biến đổi khí hậu: Liệu Vương quốc Anh có thể dẫn dắt thế giới trở lại từ bờ vực không?" - Tờ Daily Mail hỏi.
"Câu chuyện về biến đổi khí hậu đã xuất hiện trên khắp các trang nhất của nhiều tờ báo ở Anh, Mỹ... Chúng ta phải hành động, phải thay đổi. Đó là điều quan trọng nhất mà nhân loại cần làm trong 30 năm tới. Nó sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta, nó sẽ thay đổi cách chúng ta đối với bản thân trên hành tinh. Và nếu chúng ta không làm vậy, chúng ta sẽ gây ra những vấn đề lớn cho con cái chúng ta" - Giáo sư Martin Siegert thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) nói.
Sau bản báo cáo được thu thập từ 14.000 dữ liệu khoa học, công bố ngày 9/8/2021, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc rất rõ ràng: Chúng ta phải hành động khẩn cấp để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và ngăn chặn thảm họa từ biến đổi khí hậu.
Liệu các nhà hoạch định chính sách của chúng ta và hội nghị COP26 (diễn ra vào tháng 11/2021) có thực hiện được nhiệm vụ không?
NHÂN LOẠI BỎ NGOÀI TAI NHỮNG LỜI TIÊN TRI
Ở phần cuối của bộ phim khoa học viễn tưởng kinh điển thập niên 1960 tựa đề "The Day the Earth Caught Fire - Ngày Trái Đất bắt lửa" (1961), máy quay phim đã quay khắp phòng hồ sơ Daily Express đến một từ báo trang nhất treo trên tường mang tên "Earth Saved - Trái Đất thoát nạn" hay "Earth Doomed - Trái Đất diệt vong" ngay bên cạnh. Và rồi màn hình vụt tắt!
Bộ phim kết thúc mà không tiết lộ số phận của hành tinh của chúng ta bởi vào thập niên đó, vòng quay của Trái Đất đã bị mất kiểm soát bởi các vụ thử bom nguyên tử đồng thời của Liên Xô và Mỹ trong cuộc chiến không đổ máu mang tên Chiến tranh Lạnh (1946-1991).
"The Day the Earth Caught Fire" của thập niên 1960 chính là lời tiên tri về Trái Đất tương lai. Bởi tròn 60 năm sau (tính đến năm 2021), cả thế giới đang điên đầu với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. IPCC của Liên Hợp Quốc đã phải đưa ra cảnh báo "mã đỏ" cho loài người - mức cảnh báo cao nhất!
Tổng thư ký LHQ António Guterres lo ngại: "Những hồi chuông báo động đang vang lên chói tai, và bằng chứng là không thể chối cãi: Khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng đang làm nghẹt thở hành tinh của chúng ta; khiến hàng tỷ người gặp nguy hiểm ngay lập tức!". Chính ông đã gọi bản báo cáo của IPCC là "mã đỏ dành cho loài người".
Bằng chứng rõ ràng cho thấy lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang thúc đẩy chúng ta rơi vào một tương lai rực lửa đầy tai họa do biến đổi khí hậu khắc nghiệt gây ra. Chỉ có việc giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch một cách khẩn cấp mới có thể hy vọng cứu được con người và muôn loài sinh vật trên Trái Đất.
Giáo sư Tim Palmer thuộc Đại học Oxford (Anh) cho biết: "Khí hậu trong tương lai của chúng ta có thể trở thành một loại địa ngục nào đó trên Trái Đất".
Hay, như Giáo sư Dave Reay, Giám đốc điều hành Viện Biến đổi Khí hậu của Đại học Edinburgh (Scotland, Anh), nói: "Báo cáo của IPCC không đơn thuần chỉ là một báo cáo khoa học. Đó là cáo trạng về hiện thực địa ngục và nước cao chảy xiết".
Chắc chắn những con số được nêu trong báo cáo của IPCC công bố ngày 9/8/2021 là rõ ràng và thận trọng hơn nhiều so với các bản báo cáo trước đây của cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc. Như đã nói rõ, con người đã bơm khoảng 2.400 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) vào bầu khí quyển kể từ năm 1850, tạo ra nồng độ khí thải chưa từng thấy trên Trái Đất trong 2 triệu năm qua.
Các đợt nắng nóng và những trận mưa lớn gây ra lũ lụt trở nên dữ dội hơn và thường xuyên hơn kể từ những năm 1950 ở hầu hết các nơi trên thế giới, và biến đổi khí hậu hiện đang ảnh hưởng đến tất cả các khu vực có người sinh sống trên hành tinh.
Một xe cứu hỏa và trạm cứu hỏa bị cháy ở trung tâm thành phố Greenville, California, vào ngày 7 tháng 8. Đám cháy Dixie đã tàn phá một khu vực rộng lớn hơn Los Angeles. Ảnh: Josh Edelson / AFP / Getty Images
Hạn hán đang gia tăng ở nhiều nơi và hơn 66% số lượng các trận cuồng phong và bão lớn đã tăng lên kể từ những năm 1970.
Nói riêng về hạn hán, đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu tiềm ẩn có nguy cơ trở thành “đại dịch tiếp theo” nếu các chính phủ không hành động.
“Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo và không có vắc-xin nào chữa khỏi. Hầu hết thế giới sẽ phải sống chung với tình trạng căng thẳng về nước trong nhiều năm tới" - Bà Mami Mizutori, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai cảnh báo.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc trước đây, ít nhất 1,5 tỷ người trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán trong hai thập kỷ qua, gây thiệt hại cho các nền kinh tế hơn 124 tỷ USD.
Giáo sư Corinne Le Quéré của Đại học East Anglia (Anh) cho biết: "Nếu vẫn cần một bằng chứng chứng minh rằng những thay đổi khí hậu là do các hoạt động của con người gây ra, thì đây là bản báo cáo cung cấp điều đó".
Trong bức tâm thư gửi Tổng thống thứ 14 Mỹ Franklin Pierce (1804-1869) của thủ lĩnh da đỏ Noah Seattle (1786-1866) năm 1855 có đoạn: "Hãy luôn ghi lòng tạc dạ rằng: Trái Đất không thuộc về con người. Con người mới thuộc về Trái Đất. Con người không kiến tạo nên chiếc tổ sống này, con người chỉ là sợi tơ trong đó mà thôi. Một khi chúng ta gây tác động xấu lên chiếc tổ ấy, chúng ta sẽ phải Nhận Lại Trái Đắng.
Điều gì sẽ xảy ra khi những góc rừng vốn yên ắng bỗng nặng mùi con người? Hay những gò đồi chín vàng thơ mộng bị vấy bẩn bởi đường dây vô tuyến? Những cánh rừng sẽ ra sao? Biến mất! Cánh chim đại bàng sẽ nơi nao? Biến mất!... Tất cả rồi sẽ biến mất!
Còn lại gì sau những chuyện tồi tệ xảy ra với những sinh linh bé nhỏ ấy? Chẳng còn gì ngoại trừ việc chúng ta kết thúc những ngày "sống" đáng quý và bắt đầu chuỗi ngày "sinh tồn" cực khổ..."
Tâm thư chứa đầy cảm xúc thiêng liêng của người con dành cho Đất Mẹ từ thủ lĩnh bộ lạc da đỏ Noah Seattle cách đây 166 năm vẫn văng vẳng đâu đây. Bài học "Con Người không thể tách rời Thiên Nhiên" dường như luôn đúng ở mọi thời đại, mọi giai đoạn lịch sử.
MỌI THỨ CHỈ CÓ THỂ TỒI TỆ HƠN...
Quay trở lại thời đại thế kỷ 21.
Hậu quả của hành động can thiệp khí quyển khổng lồ của nhân loại giờ đây đã rõ ràng: Cái gì nóng hôm nay sẽ trở nên nóng hơn vào ngày mai; Lũ lụt cực đoan sẽ trở nên thường xuyên hơn, cháy rừng nguy hiểm hơn và hạn hán chết người lan rộng hơn. Tóm lại, mọi thứ chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn.
Thật vậy, vào cuối thế kỷ 21 này, chúng [hệ quả của biến đổi khí hậu] có thể trở thành mối đe dọa đối với nền văn minh nếu lượng khí thải tiếp tục thải ra bầu khí quyển ồ ạt như ở mức hiện tại.
Giáo sư Jonathan Bamber của Đại học Bristol (Anh), một tác giả của báo cáo khác cho biết thêm: "Điều đó có vẻ còn lâu so với những người trưởng thành hiện tại - nhưng có hàng triệu trẻ em đã được sinh ra, những người đáng lẽ sẽ sống khỏe mạnh, trong lành vào thế kỷ 22".
Trên thực tế, Trái Đất có thể trở nên vô cùng thảm khốc khi xảy ra các sự kiện làm thay đổi thế giới - chẳng hạn như rừng trên toàn lục địa chết dần hoặc các tảng băng ở Nam Cực sụp đổ; mực nước biển dâng mạnh...
Một người đàn ông lực bất tòng tâm trước trận cháy rừng trên đảo Evia, Hy Lạp, khi khu vực này phải chịu đựng đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, mà các chuyên gia cho rằng có liên quan đến cuộc khủng hoảng khí hậu. Ảnh: Angelos Tzortzinis / AFP / Getty Images
"Cần phải nói thêm về bản báo cáo của IPCC. Nó đã cung cấp một bản cập nhật toàn diện về biến đổi khí hậu. Trong đó có các sự kiện "tác động xác suất thấp - cao" [như sự thay đổi mạnh mẽ của hoàn lưu đại dương] cũng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng trong một thế giới nóng hơn. Những "ẩn số đã biết" này còn đáng sợ hơn nhiều [so với các hiện tượng thời tiết cực đoan/khắc nghiệt đã biết] - Giáo sư Andrew Watson của Đại học Edinburgh (Scotland, Anh) cho biết.
Bản báo cáo của IPCC đã thẳng thắng nhìn nhận: Biến đổi khí hậu gây ra hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, băng tan, nắng nóng. Và một loạt hoạt động của con người (từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thông, sinh hoạt...) là nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu/nóng lên toàn cầu.
Kể từ bản báo cáo đánh giá về khí hậu đầu tiên của IPCC năm 1990, bản báo cáo ngày 9/8/2021 của IPCC là một bản cáo trạng khác biệt, không khoan nhượng, không né tránh. Hiện thực trong báo cáo rõ ràng đến mức không chỉ được các nhà khoa học Trái Đất nhìn nhận mà còn được các đại diện chính phủ trong Ủy ban đồng tình và bị thuyết phục về tính cấp thiết của tình hình Trái Đất.
Lord Deben, Chủ tịch Ủy ban Biến đổi Khí hậu của Vương quốc Anh cho biết: "Đại diện của các chính phủ trong IPCC cũng nhận thấy mối liên hệ trực tiếp giữa phát thải khí nhà kính với cháy rừng, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gần đây, và điều đó khiến chính phủ của họ phải hành động".
COP26
Tại cuộc họp về khí hậu ở Paris (Pháp) vào năm 2015, các chính phủ (thuộc Ủy ban IPCC) đã cam kết sẽ cố gắng giữ cho nhiệt độ tăng ở mức dưới 2 độ C và không quá 1,5 độ C nếu có thể. Vấn đề hiện nay là thế giới đã nóng lên gần 1,1 độ C, có nghĩa là chỉ có cắt giảm đáng kể lượng khí thải mới có thể ngăn chặn được tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng hơn nhiều.
Trong số 5 kịch bản phát thải khí nhà kính, kịch bản tham vọng nhất được IPCC mô tả là chúng ta có ít hơn 50% cơ hội duy trì dưới ngưỡng 1,5 độ C đó.
Các vấn đề này sẽ được đưa ra mổ xẻ tại COP26 - Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ được tổ chức tại Glasgow (Scotland, Anh) vào tháng 11/2021.
Tuy nhiên, các quốc gia sẽ cần một nỗ lực đáng kể và bền vững để duy trì những nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính và giữ cho Trái Đất không nóng hơn 1,5 độ C đó.
Lũ lụt đã gây ra thiệt hại lớn ở Schuld, gần Bad Neuenahr-Ahrweiler, miền tây nước Đức, vào tháng 7, với 189 người thiệt mạng. Ảnh: Christof Stache / AFP / Getty Images
Người ta ước tính rằng mức đầu tư cho khí hậu tương đương 1% GDP của Anh là cần thiết để đảm bảo đất nước chuyển sang trạng thái không có khí thải carbon (net-zero). Tuy nhiên, Anh hiện đang chi khoảng 0,01%… Nghĩa là một phần 100 của ước tính đó.
Và con số này cũng thấp hơn rất nhiều so với số tiền mà chính phủ Anh đang chi cho những thứ thực sự sẽ làm tăng thêm lượng khí thải của chúng ta, chẳng hạn như kế hoạch mở rộng sân bay và hàng chục tỷ mà họ đã cam kết cho các chương trình đường mới - điều này sẽ chỉ giúp người tham gia giao thông dễ dàng lái xe hơn và đốt cháy nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn.
Đây là tất cả những vấn đề mà Vương quốc Anh phải giải quyết, như một vấn đề cấp bách, trong những tháng tới, mặc dù việc khai mạc hội nghị COP26 ở Glasgow (Sctoland, Anh) sẽ là một sự kiện còn cấp bách hơn.
Tại cuộc họp, bắt đầu vào ngày 1/11/2021, các đại biểu từ hơn 190 quốc gia sẽ tập hợp để đưa ra một thỏa thuận xác định mức độ nóng lên trên Trái Đất. Tại Paris, vào năm 2015, các quốc gia đã cam kết cắt giảm khí thải mà hiện nay cần phải được cập nhật khẩn cấp nếu không nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng cao hơn 2 độ C.
Tương tự, các thỏa thuận sẽ phải đạt được về cách loại bỏ các nhà máy điện than càng nhanh càng tốt, để bảo vệ các khu rừng hấp thụ carbon dioxide (CO2); đồng thời có được sự đồng thuận của các quốc gia giàu có hơn, đồng ý viện trợ cho các quốc gia đang phát triển và nghèo để giúp họ tồn tại trước tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo cách này, chúng ta sẽ ít nhiều biết được số phận của hành tinh sẽ thế nào vào tháng 11/2021, đúng 60 năm sau khi bộ phim "The Day the Earth Caught Fire" được phát hành. Để rồi Trái Đất sẽ "Earth Saved - Trái Đất thoát nạn" hay "Earth Doomed - Trái Đất diệt vong" - Tất cả phụ thuộc vào hành động quyết liệt của chính chúng ta!
Bài viết sử dụng nguồn: The Guardian
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/tien-tri-cach-day-60-nam-da-ung-nghiem-dai-dich-tiep-theo-xuat-hien-khong-vac-xin-nao-chua-duoc-16221170817000777.htm
Theo ttvn.vn