Già làng mất 8 người thân, con và cháu
Sáng 30/10, ngày thứ 3 sau thảm hoạ sạt lở ở Trà Leng (huyện Nam Trà My), Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 5, đứng trên ngọn đồi cao quan sát toàn cảnh hiện trường đổ nát.
Chiều 28/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 (Molave), huyện Nam Trà My có mưa lớn, liên tiếp xảy ra sạt lở đất. 14 nóc nhà ở thôn 1 bị san phẳng.
Ba ngày sau, 500 chiến sĩ công an, quân đội cùng người dân đang dùng tay, cuốc, xẻng đào bới từng mét đất.
"Vẫn còn 12 nạn nhân mất tích. Họ nằm sâu dưới lớp bùn đất 2-3 mét. Hôm nay thời tiết tốt, chúng tôi sẽ cố gắng tìm được hết các nạn nhân vì dự báo những hôm sau sẽ có mưa. Chó nghiệp vụ đã được đưa tới hiện trường tham gia tìm nạn nhân", tướng Tiến nói.
Hơn 500 người đào bới suốt ngày dài. Hai nạn nhân được tìm thấy dưới đống bùn đất. Một bé trai chỉ mới 10 tháng tuổi, cùng một người đàn ông.
Ánh mắt vô hồn, ngóng trong người thân ở Trà Leng
"Nhẹ tay thôi, cẩn thận. Bên dưới có người, có cả trẻ em nữa. Cẩn thận hết sức, tập trung vào", tiếng người chỉ huy hét lên không ngớt, xen với tiếng khóc trăm người giữa rừng sâu.
Hôm nay, các lực lượng tập trung tìm kiếm người gặp nạn ở nơi từng là căn nhà 2 tầng kiên cố của ông Lê Hoàng Việt - Bí thư xã Trà Leng. Ông Việt cùng 8 người thân của mình và những hàng xóm đến trú bão vẫn chưa được tìm thấy.
Ngày 27/10, ông Việt cùng hàng xóm gần nhà, cả trẻ em, phụ nữ tập trung để trú bão. Chiều 28/10, sau tiếng nổ lớn, tất cả bị vùi lấp, căn nhà 2 tầng kiên cố bỗng chốc vỡ vụn, chìm trong bùn đất.
Già làng Hồ Văn Đe (85 tuổi), ngồi trên lưng đồi nhìn chăm chăm xuống nơi những người lính đang đào bới. Trận sạt lở kinh hoàng cướp mất của già Đe tất cả 8 người thân, gồm cả con, cháu trong đó có con rể là ông Việt.
Buổi trưa 27/10, già Đe cùng vợ, con trai lên rẫy làm nương. Chiều cùng ngày, vợ chồng già Đe ở lại canh rẫy, con trai về nhà. Trong thôn, nhà con rể Việt lớn nhất, to nhất nên cả làng đến trú.
Tối 28/10, già Đe về làng, người làng báo con cháu bị núi vùi.
Già làng Hồ Văn Đe gào khóc trước mất mát quá lớn sau thảm hoạ Trà Leng
"Hai vợ chồng chạy mãi, chạy mãi đến nhà thì thấy núi lấp hết. Nhà không còn, gọi con cháu không nghe.
Bộ đội mới tìm được một người, con cháu tôi vẫn còn nằm dưới đất", già Đề nói.
"Em nhớ ba"
Lê Thanh Tú, 11 tuổi, học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú Trà My, đứng ở quả đồi cách nhà mình khoảng 50 mét. Cậu nấp sau lưng thầy giáo Hồ Văn Việt, Bí thư Đoàn trường.
"Tụi mình nhận được tin tối 28/10, nhưng giấu không nói với bọn trẻ. Trường có 6 em có người thân bị mất tích, chết. Tụi mình làm tư tưởng từ từ rồi mới nói. Tối qua bọn trẻ đọc báo biết được chuyện nên hôm nay trường cử 8 giáo viên đưa các em về.
Cả bọn đều thất thần, sợ hãi", thầy Việt nói.
Thầy Việt che chở cho cậu học trò bé bỏng
Tú là con út của Bí thư xã Trà Leng. Anh trai của Tú đang là sinh viên một trường đại học ở TP.HCM, đang trên đường về quê nhà. 17 tuổi, những cậu thanh niên này chẳng dám nói gì với người lạ. Muốn gì, cậu lại thì thầm vào tai thầy.
"Bão số 9 vào, học trò được nghỉ, muốn về nhà, nhưng trường không cho. Trường giữ các em lại để đảm bảo an toàn. May mà các em nghe lời, không thì…", thầy Việt bối rối.
Lê Thanh Tú, hướng đôi mắt về căn nhà nơi cả gia đình từng quây quần mỗi tối, giờ chỉ còn là đống đổ nát dưới bùn đá.
Tú nấp sau lưng thầy, ôm chặt. Chốc chốc, em ngước mắt ra xa, dõi theo những nhát cuốc, nhát xẻng của bộ đội. Dưới đống bùn đất kia từng là nơi cả nhà Tú quây quần, cười nói.
Bố Tú - là ông Việt, vẫn chưa được tìm thấy. Mẹ ngồi khóc ở một góc quả đồi. Còn cậu không khóc thành lời, mắt vô hồn.
Những người xung quanh ái ngại. Gặng hỏi mãi Tú mới mở lời.
"Em nhớ ba".
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tieng-khoc-thau-troi-giua-rung-sau-tra-leng-16220311007045233.htm
Theo ttvn.vn