Tịnh thất Bồng Lai không cho mẹ ruột trẻ đến thăm trong vòng 10 năm, luật sư nói gì?

Nếu như người nhận con nuôi tại Tịnh thất Bồng Lai được bố mẹ đẻ đứa trẻ đồng ý về các quy tắc thì họ hoàn toàn hợp pháp", luật sư Trần Xuân Tiền cho biết.

Cần có sự đồng thuận của cha mẹ trẻ

Vừa qua, ông Nhất Nguyên - đại diện Tịnh thất Bồng Lai (hay còn gọi là Thiền am bên bờ vũ trụ) đã chia sẻ về những nguyên tắc nhận nuôi trẻ mồ côi tại cơ sở này. 

Theo đó, "tu sĩ" này khẳng định khi người mẹ đồng ý cho con tại Thiền am, họ sẽ phải đảm bảo nguyên tắc không đến thăm con trong vòng 10 năm đầu, không được xưng hô là mẹ hay gọi bé là con. 

"Vì khi đã đồng ý đem cho, bé đã trong hoàn cảnh khác, ở với người mẹ khác", ông Nguyên cho biết.

Chia sẻ này đã khiến dư luận không khỏi xôn xao. Để tìm hiểu tính hợp pháp của những quy tắc trên, PV đã liên hệ với luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. 

- Thủ tục nhận nuôi trẻ được pháp luật Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

Luật sư Trần Xuân Tiền: Thủ tục nhận con nuôi theo quy định hiện hành được thực hiện theo Luật Nuôi con nuôi 2010. Cụ thể, căn cứ vào Điều 8 và Điều 14 Luật này, để tiến hành thủ tục nhận con nuôi một cách hợp pháp, phải đảm bảo được một số yêu cầu nhất định như: người được nhận là con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi, còn người nhận con nuôi phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.

- Theo chia sẻ của ông Nhất Nguyên, cơ sở này sẽ không cho phép mẹ ruột gặp trẻ trong vòng 10 năm đầu đời. Dưới góc độ pháp luật, việc làm này có được chấp nhận không?

Luật sư Trần Xuân Tiền: Cũng theo Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.

Như vậy, việc nhận nuôi con nuôi là quyền của cá nhân nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Nếu như người nhận con nuôi tại Tịnh thất Bồng Lai đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và được bố mẹ đẻ đứa trẻ đồng ý về các quy tắc nhận nuôi trẻ mà cơ sở này đặt ra thì họ hoàn toàn hợp pháp trong việc nhận nuôi và giáo dục những đứa trẻ.

Trẻ em cần được biết về nguồn gốc của mình

- Trên cơ sở luật pháp, những đứa trẻ trong trường hợp trên có quyền biết về thân phận, nguồn gốc của mình không, thưa ông?

Luật sư Trần Xuân Tiền: Về nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi, Luật nuôi con nuôi cũng quy định rõ: cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc; đồng thời con nuôi có quyền và không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình. Quyền trẻ em được biết, được duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha đẻ, mẹ đẻ; trừ trường hợp ảnh hưởng đến lợi ích tốt nhất của trẻ em cũng là một trong những quyền cơ bản nêu rõ tại Điều 23 Luật Trẻ em 2016.

Do đó, nếu có căn cứ cho rằng cơ sở nói trên lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, không cho con trẻ tiếp xúc, gặp gỡ cha mẹ và khiến chúng quên đi nguồn gốc của mình thì đó là nhóm hành vi bị cấm theo Điều 13 của Luật Nuôi con nuôi. 

Về hình thức xử lý, tại Điều 62 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, đối với các hành vi như: Mua chuộc, ép buộc, đe dọa hoặc thực hiện các hành vi khác trái pháp luật để có sự đồng ý của người có quyền đồng ý cho trẻ em làm con nuôi; Lợi dụng việc cho, nhận hoặc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi, nhằm bóc lột sức lao động của con nuôi sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An cũng đã lên tiếng khẳng định Tịnh Thất Bồng Lai không phải là cơ sở Phật giáo. Cơ sở này được xác định là có dấu hiệu "trục lợi từ thiện". Đồng thời, 3/5 "chú tiểu" tham gia vào Thách thức danh hài được xác định "có mẹ" là các "sư cô" tại Tịnh thất Bồng Lai.

Luật sư Tiền cũng chia sẻ thêm, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, tự do trong khuôn khổ pháp luật, hoạt động tôn giáo phải tuân theo quy định pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo, nếu phát hiện những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần xử lý kịp thời, dứt điểm, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét xử lý hình sự, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU