Tình yêu hoàn hảo của những người cha 'không hoàn hảo'

Cha không hoàn hảo và tình yêu của cha cũng thế: lắm lúc vụng về và chẳng đúng như cầu vọng của con. Nhưng đó là thứ tình yêu vô lượng chẳng mong cầu đền đáp, thứ tình yêu mà ai cũng cần có để trưởng thành.

An và bố không hợp tính nhau lắm, dù vậy cô phải thừa nhận mình và ông có nhiều nét tương đồng trong tính cách. Chẳng hạn như thích lọ mọ dọn nhà, thích những thứ mà bà nội hay bảo là phù phiếm như đàn ca sáo nhị. Giống luôn cả cái tính khí nóng nảy, hay rên xiết nếu không may bị ốm đau.

Trong mắt An, bố không bao giờ là người đàn ông hoàn hảo, thậm chí trong một lần to tiếng vì bố nhậu nhiều, cô đã hét lên: "Nếu con không lấy chồng thì cũng là vì bố. Con không muốn sau cũng gặp một người suốt ngày nhậu nhẹt như thế này".

Lời nói như mũi dao. Cơn nóng giận đã phát ra và khó có thể thu lại. Bố An im lặng suốt mấy ngày. Trong khoảng lặng của bố, An nhìn lại, tự vấn về mối quan hệ giữa bố và mình. Bố không hoàn hảo, đó là thật. Bố nhậu nhiều, cũng là thật. Nhưng chẳng phải tình yêu bố dành cho An cũng luôn là thật sao?

An nhớ tất cả những kì thi lớn trong cuộc đời của cô, từ khi cấp 3 đến đại học hay nhập học, đều là một tay bố đưa đi. Mùa thi luôn là mùa lửa, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa là sĩ tử như trong chảo lửa ôn rèn để mong cầm trong tay tấm vé đi tiếp trên con đường học vấn. Còn ngoài trời ve kêu inh ỏi, mặt trời hào phóng quá mức đến cháy da, cháy thịt.

Thế mà những ngày ấy, bố vẫn dậy từ sớm, nấu bún, nấu phở hoặc chạy đi mua xôi đỗ, đầy đủ ruốc, thậm chí còn thêm chả rồi bắt cô ăn vì sợ con đói, làm bài không được. Điểm thi cách nhà cả chục cây số, bố luôn chở cô đi sớm, trên chiếc xe được rửa sạch bóng. Vì ngày quan trọng mà, mọi thứ cứ phải chỉn chu như thế cho may mắn.

Mỗi buổi thi đến có khi dài đến 2, 3 tiếng, chưa kể chờ đợi, nộp bài, nhưng bố luôn chực chờ sẵn nơi cổng trường, dưới cái nắng gay gắt để chờ con. Trong An, hình ảnh bố luôn gắn với gương mặt đỏ lựng, chiếc áo loang một mảng mồ hôi và tờ báo mua tạm nơi cổng trường để đọc giết thời gian khi con thi cử.

Hơn hết, bố là đích tôn của một nhánh họ, nhưng lại chỉ có 2 chị em cô. Dù vậy chẳng bao giờ vì thế mà ông nặng nhẹ hay kém yêu con chỉ vì bọn cô là con gái, dẫu rằng, cô thừa biết trong nhiều bữa tiệc rượu, bố nghe chẳng ít những lời khích bác về "sự thất bại của một người đàn ông không có con trai nối dõi tông đường". Thậm chí, có lần An đã thấy bố nổi giận với một người họ hàng chỉ vì "chê" chị em cô là con gái còn ở nhà mãi không chịu lấy chồng.

Có một người bố chịu vì con mà chống lại cả thế giới như thế, làm sao không hạnh phúc cho được!

Bảo Minh kể về bố mình, cô ngẫm nghĩ một chút rồi bảo: "Bố em gia trưởng lắm, hay nói quá, nhiều tật xấu và thích mè nheo vợ con". Chỉ có điều, khi hỏi cô về tình yêu của bố, cô thừa nhận đó là điều đặc biệt tuyệt vời mà người cha không hoàn hảo luôn dành cho mình và em.

Bố Minh đi làm ca, có khi 5 giờ sáng đã bắt đầu công việc, có lúc 10 giờ tối mới tan ca về đến nhà. Ở nhà, ông có thể rất ít khi giúp vợ làm việc nhà nhưng với con, ông luôn dành điều tốt đẹp, dù rằng ông hiếm khi nói lời ngọt ngào với các cô.

Minh kể, đó là một tối muộn mùa đông rất lạnh vào năm cô khoảng 5 tuổi. Khi đó cô đang say ngủ thì bố mới hết ca làm việc về đến nhà. Khác một điều, hôm đó trên tay ông có thêm một bộ quần áo mới cho cô con gái.

Vậy là bất chấp con gái đang say ngủ, bố Minh gọi dậy bằng được để bắt cô thử quần áo rồi mới cho đi ngủ tiếp. "Khi đó em còn rất bé, nhưng em rất ấn tượng với ánh mắt háo hức của bố em. Em vẫn nhớ đó là bộ quần áo màu vàng và em mặc rất vừa".

Minh bảo, tuổi thơ của cô còn gắn với hình ảnh chiếc giỏ xe của bố mỗi chiều tan tầm. "Vì bố làm ca nên 2 giờ chiều đã về nhà rồi. Thường mỗi ngày khi về nhà, bố đều mua đồ ăn. Trong giỏ xe luôn có một quả dưa hấu rất to hay kem bọc trong giấy báo làm quà cho 2 chị em".

Bố Minh không dành quá nhiều thời gian cho con, ông lại hay phải đi xa, nhưng chẳng phải ông không quan tâm đến con cái. Minh nhớ như in cái ngày cô được bố cho lên Lào Cai nghỉ hè khi ông đang công tác trên đó. Bố phải ở trong khu công nhân nên ông gửi cô ở nhà một người quen cách đó không xa. Trước khi giao con gái lại để vào làm việc, ông nhất định dặn dò kỹ người quen: "Nó chỉ thích ăn thịt chân giò, cái chỗ tròn tròn, nhớ phải mua đúng loại nó mới ăn, còn nó không ăn đâu".

Minh cười bảo rằng, chẳng hiểu sao những chuyện đó diễn từ khi nhỏ xíu thế mà đến giờ em vẫn nhớ chẳng quên gì, như thể mới xảy ra ngày hôm qua vậy. Thế nên bây giờ, dù nhiều lúc 2 bố con mâu thuẫn, bất đồng, có khi còn cãi vã, nhưng trong sâu thẳm, em vẫn biết rằng, bố rất yêu và quan tâm đến bọn em. Chỉ là có thể ông không biết cách thể hiện ra và có chút khoảng cách thế hệ mà thôi.

So với mối quan hệ của bố và con gái, thì mối quan hệ giữa bố và con trai thường có nhiều điều để nói nhưng lại khó để tỏ bày hơn hẳn. Một số người bảo rằng, đàn ông thường thích con trai vì dễ dạy dỗ hơn so với việc phải bắt đầu từ đầu, học mọi thứ từ đầu như khi có con gái.

Nhưng có thật là như thế? Với Hoàng thì không hẳn. Ngay từ bé, nếu chị gái được bố chăm chút bao nhiêu thì Hoàng bị bố nghiêm khắc bấy nhiêu, "thậm chí có lúc mình đã nghĩ rằng mình là con nuôi" - cậu nhún vai.

Nhưng những kỹ năng quan trọng nhất của Hoàng, không bao giờ thiếu sự có mặt của bố. Bố dạy Hoàng bơi từ sớm, đèo đi học võ mỗi chiều hè để rèn luyện sức khỏe. Ông cũng là người đánh Hoàng rất đau khi biết cậu đánh nhau ở trường: "Cho mày đi học võ là để mày biết tự vệ, giúp người khác, không phải để đánh bạn, lại là đứa yếu hơn mình".

Trong mắt Hoàng, bố cậu là người ngại bày tỏ sự quan tâm, thậm chí ông cũng ít nói chuyện với con. "Khi ở nhà, đôi khi, bố mình còn khó tính hay tỏ vẻ bực tức, không hài lòng về con cái. Nhưng mình biết, bố mình rất yêu con".

Hoàng chia sẻ, khi Hoàng càng lớn thì bố cậu càng giữ khoảng cách và khách sáo với cậu. Ở nhà 2 bố con ít nói chuyện với nhau lắm, có chăng cũng chỉ là mấy câu xã giao. "Thế mà, cách đây chừng 1 năm trước, mình thiếu tiền mua laptop mới, tự dưng thấy bố để cọc tiền ở bàn, bảo "cầm lấy mà mua". Mình hơi ngạc nhiên vì không hiểu sao mà bố biết, vì có nói gì với bố đâu, dù trước đó, mình biết bố hay nhờ mẹ cho mình tiền".

 Nhưng đáng nhớ nhất là sinh nhật gần đây, bố của Hoàng đã viết một status rất dài và "so deep" lên trang cá nhân để chúc mừng sinh nhật con trai. Hoàng thú nhận, khi đọc được những dòng của bố, cậu không khỏi rưng rưng.

"Có lẽ bố mình ngại bày tỏ, vì dù sao giữa đàn ông với đàn ông với nhau sẽ có chút ngại. Chỉ có điều, mình biết tình yêu bố dành cho mình là thật và mình cũng mong sau này có thể trở thành một phiên bản tốt hơn và ít lạnh lùng hơn bố bây giờ".

Kết:

Triết gia Cicero từng nói: "Trên Trái Đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha cho con mình". Đó là một thứ tình yêu có thật, và tình yêu ta dành cho bố cũng là thật, nhưng phần nhiều chúng ta ngại ngần chẳng dám tỏ bày.

Càng trưởng thành, khoảng cách của chúng ta và bố càng lớn dần. Thậm chí, những câu hỏi han thông thường bỗng trở nên gượng gạo, những cuộc gọi cũng dần thưa thớt và vội vã. Thẳm sâu trong trái tim mình, bạn biết mình yêu bố, và bạn có thể dễ dàng cảm động hay bật khóc ngon lành bởi những câu chuyện về những người cha ở đâu đó trên khắp thế gian.

Nhưng bạn có biết câu chuyện nào về cha mà cảm động nhất không? Đó chính là câu chuyện về người cha vĩ đại trong lòng bạn, của riêng bạn, là những kỷ niệm có thể rất vụn vặt từ hồi nảo hồi nào, nhưng bạn vẫn nhớ mãi.

"Cha" là tên gọi khác của lòng yêu thương vô bờ bến, có phần trầm lắng hơn tình yêu sôi nổi của mẹ, nhưng không phải vì "cha thương con nhưng cha không nói, mẹ yêu con mẹ không giấu một lời" mà tình yêu ấy nhẹ hơn. Hôm nay là Ngày của Cha, bạn có thể dũng cảm nói với cha rằng mình yêu ông, ôm ghì lấy ông như hồi còn bé, có thể tặng ông một món quà gì đó… Nhưng chẳng cần Ngày của Cha, bạn hãy yêu thương ông ngay khi có thể, vì chúng ta chỉ có một người cha trong cuộc đời này.

 

Theo Theo Tri thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU