Tôi chảy nước mắt khi nhìn Phú Quang 1 mình bên chiếc dương cầm giữa vùng sáng khói sương!

Tin dữ từ Việt Nam lại đến vào một ngày rất lạnh tại Mỹ như ngày hôm nay. Tôi thơ thẩn một mình lại chợt nghĩ ngợi lung tung" – danh ca Khánh Ly nói.

Mới đây, làng nhạc Việt đau buồn khi nghe tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời vào hồi 8 giờ 45 phút (12/8), hưởng thọ 72 tuổi.

Sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang là một mất mát lớn với nền âm nhạc Việt Nam và khiến nhiều khán giả, đồng nghiệp không khỏi bàng hoàng.

Liên hệ với danh ca Khánh Ly tại Mỹ, người từng làm việc với Phú Quang thông qua ca sĩ Quang Thành, chúng tôi được cô chia sẻ đôi lời.

Nhạc sĩ Phú Quang và danh ca Khánh Ly

Tôi nhìn Phú Quang mà chợt nhớ về Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Phú Quang vừa qua đời vào 8 giờ 15 phút ngày 12/8, cảm xúc của cô hiện tại thế nào khi hay tin một người bạn của mình đã ra đi?

 

Nhiều người nghĩ tôi sẽ bàng hoàng lắm nhưng ở tuổi của tôi thì chẳng còn gì là bàng hoàng, nhất là khi đã phải chứng kiến quá nhiều mất mát, sự ra đi của những bạn bè cùng thế hệ.

Tôi đã chảy nước mắt khi nhìn một mình Phú Quang bên chiếc đàn dương cầm giữa một vùng sáng như khói sương.

Lúc đó, ông ấy cũng như hiện tại, là một vóc dáng gầy, mỏng manh, đầu cúi thấp, mắt nhắm trên những phím đàn.

Phú Quang là người đã thổi hồn vào những lời thơ đẹp và buồn hoà với hồn Hà Nội. Nhờ có ông, Hà Nội trong tôi bỗng như thơ hơn, đẹp hơn, ấm áp hơn, đáng yêu hơn.

Cô có thể chia sẻ cảm nhận về sự tương đồng, khác biệt giữa Phú Quang và Trịnh Công Sơn, hai nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam?

Mỗi lần nhìn Phú Quang ngồi đàn, tôi lại thấy cái dáng ấy quen thuộc, rất quen, làm tôi nhói đau nghĩ đến người xưa đã ra đi.

Không phải ai cũng có dáng người ấy, dáng ngồi ấy. Tôi nhìn Phú Quang mà chợt nhớ về Trịnh Công Sơn.

Giữa Phú Quang và Trịnh Công Sơn có một điểm chung. Cả hai ông đều oằn đôi vai gánh lấy cho mình nỗi cô đơn thầm lặng. Hai người họ đã gặp nhau như thế. Với tôi, cả hai đều là những nhạc sĩ tài năng của nền âm nhạc Việt Nam nên tôi không thể so sánh họ với nhau.

Tôi chẳng làm được gì cho cuộc đời này mà cứ sống mãi

Lần đầu tiên cô biết tới và hát nhạc Phú Quang từ bao giờ? Cảm xúc lần đầu đó có gì đặc biệt với cô?

Tôi vốn người Hà Nội nhưng tình yêu dành cho Hà Nội chỉ gói gọn qua hình ảnh người cha đã ra đi từ lâu, giờ không còn rõ nét và những con đường thuở nhỏ.

Rồi tôi bâng khuâng một thoáng với mùa thu Hà Nội, với hoa sữ cùng cây bàng lá đỏ, với chim sâm cầm, với cốm… Đó là những gì tôi có về Hà Nội cùng ông Trịnh Công Sơn.

Đến Phú Quang, tôi xúc động tới chảy nước mắt khi được hát Em ơi Hà nội phố của ông.

Cách đây hơn 20 năm, tôi đã lần đầu được Phú Quang đồng ý cho hát bài Em ơi Hà Nội phố tại hải ngoại. Tôi xúc động vô cùng và đã viết một bức thư cảm ơn ông. Thế hệ chúng tôi thích viết thư cho nhau hơn là gọi điện.

Ngay từ lúc đó, tôi đã cầm cuốn nhạc ông ký tặng và tự nghĩ một ngày nào đó mình về Hà Nội nhất định sẽ gặp ông. Cuối cùng thì tôi cũng gặp được ông Phú Quang ở ngay tại đất Hà Nội.

Tôi cùng Phú Quang trò chuyện như những năm tháng ngày xưa, khi được ngồi cùng ông Trịnh Công Sơn. Những người bạn tri âm, tri kỷ trong âm nhạc như tôi và ông Phú Quang luôn có mối liên hệ về tâm hồn dù không cần gặp nhau nhiều.

Đôi khi, chúng tôi chỉ cần nhìn nhau là đủ hiểu nhau nghĩ gì, không cần phải nói nhiều, dùng nhiều ngôn từ.

Trong lần gặp ông Phú Quang ở Hà Nội, ông đã đưa cho tôi một bài hát mới tinh để nhờ tôi thể hiện.

Lúc đó, tôi hiểu rằng, chính ông cũng biết tôi không phải là người xuất sắc khi hát bài của ông. Ông Trịnh Công Sơn ngày xưa cũng vậy.

Nhưng tôi luôn nghĩ, có một điều gì đó thật khác biệt, thật khó cắt nghĩa khi cả hai ông nhạc sĩ, một Trung một Bắc lại rất hồn nhiên để tôi hát bài của họ mà không đòi hỏi gì.

Phải chăng, nỗi cô đơn có những tín hiệu riêng không phải ai cũng cũng nắm bắt chia sẽ được .

Trong các thế hệ đàn em, cô thấy ai là người thể hiện nhạc Phú Quang hay nhất?

Cá nhân tôi thấy Thu Phương là người đã và sẽ nắm giữ, trân trọng mãi hồn nhạc Phú Quang.

Sau những ra đi, mất mát lớn lao suốt hai năm qua, cô có suy nghĩ gì về cuộc đời, về giới nghệ sĩ?

Tin dữ từ Việt Nam lại đến vào một ngày rất lạnh tại Mỹ như ngày hôm nay. Tôi thơ thẩn một mình lại chợt nghĩ ngợi lung tung.

Tôi tự hỏi, tại sao những người đáng yêu như thế lại ra đi.

Họ là những người đã cho cuộc đời này biết bao an ủi ấm áp, những người đã dâng hiến trái tim đẹp nhân ái lại phải ra đi.

Trong khi như tôi đây chẳng hạn. Tôi chẳng làm được gì cho cuộc đòi này mà cứ sống mãi như thế. Phải chi… Ừ, phải chi…

Ca sĩ Quang Thành chia sẻ cùng danh ca Khánh Ly: "Bài hát Một mình là một trong những bài hát gần như cuối cùng của nhạc sĩ Phú Quang. Ông đã trải lòng mình, chia sẻ, đồng cảm cùng những người đang bước vào tuổi hạc trong đơn độc, đếm ngày tháng, đếm từng cuộc chia ly…

Ông đã chờ đợi hai năm với mong muốn những tâm sự của ông phải do chính giọng hát Khánh Ly thể hiện. Với ông, giọng hát ấy đã niếm trải tận cùng của những đau thương, hạnh phúc, tủi hờn, cô quạnh và kể lại với tâm thế, cảm xúc thật và gần nhất .

Và đúng mùa đông tháng 12 năm 2018, mong chờ ấy đã thành hiện thực. Đó là cuộc hạnh ngộ giữa hai tài danh âm nhạc Bắc Hà, Khánh Ly và Phú Quang.

Ông một mình từ Bắc bay tận vào Nam chỉ để làm một việc duy nhất là được hào hứng nắn nót từng phím đàn, từng thanh âm, và cứ thế quyện vào từng ca từ được cất lên bởi Khánh Ly. Lúc đó, Phú Quang nói với Khánh Ly:

"Chị cứ cảm thế nào hát thế đấy , tôi sẽ cảm và đàn theo chị. Tôi tin chị đúng, mà tôi cũng đúng".

Tiếp ngay sau đó là buổi hòa nhạc Phú Quang tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ca khúc Một mình được khán giả thủ đô chào đón qua giọng hát Khánh Ly cùng ngón đàn piano độc nhất của Phú Quang, với những tràng pháo tay không dứt.

Sau đêm ấy, hai người chẳng thể gặp lại. Ở hai đầu ngăn trở đại dương, đại dịch, Khánh Ly chỉ biết cầu nguyện khi hay tin những lần sinh tử của Phú Quang. Và hiện tại, khi nghe tin Phú Quang qua đời, Khánh Ly chỉ ngậm ngùi: "Hà Nội đã vắng một người Hà Nội".

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU