Tôi còn bố mẹ và em trai nhưng do quan hệ gia đình phức tạp và mâu thuẫn khó hoà giải nên muốn để lại tài sản của riêng mình cho người ngoài? Tài sản sẽ được chia theo di chúc của tôi hay phân chia theo pháp luật nếu người trong gia đình tôi khởi kiện tranh chấp với người được tôi cho thừa hưởng?
Theo điều 624 Bộ luật Dân sự: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Người lập di chúc có các quyền như chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế, dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng, giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
Có thể thấy, việc để lại di sản cho người khác hoàn toàn là quyền của người lập di chúc nên người này có toàn quyền trong việc để lại tài sản của mình cho người thừa kế thậm chí là người dưng mà không ai có quyền ngăn cấm, cản trở.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Như vậy, người viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho người khác không thuộc gia đình thì những người thuộc trường hợp trên (cha mẹ người viết di chúc) vẫn được hưởng một phần di sản thừa kế. Trừ trường hợp, họ từ chối nhận di sản hoặc là người không có quyền hưởng di sản.
Ngoài ra, việc để lại tài sản bằng di chúc chỉ có hiệu lực khi bản di chúc đó hợp pháp. Cụ thể:
- Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong quá trình lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
- Nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức không trái quy định của pháp luật…
Ngoài trường hợp hưởng di sản theo di chúc thì một người còn có thể được hưởng di sản theo pháp luật. Theo đó, khi không có di chúc, di chúc không hợp pháp, người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc… thì di sản sẽ chia theo pháp luật.
Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, một người thừa kế nếu thuộc hàng thừa kế sau:
Hàng thừa kế thứ 1: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Hàng thừa kế thứ 2: Ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của người chết, cháu ruột gọi người chết là ông bà nội, ông bà ngoại;
Hàng thừa kế thứ 3: Cụ nội, cụ ngoại; Bác chú cậu cô dì ruột của người chết; cháu ruột gọi người chết là bác chú cậu cô dì ruột; chắt ruột gọi người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Do đó, người dưng là người không thuộc một trong các hàng thừa kế nêu trên. Bởi vậy, nếu thừa kế theo pháp luật thì người dưng không được hưởng thừa kế.
Như vậy, việc có được để lại tài sản của mình cho người dưng hay không phụ thuộc vào việc tài sản để lại theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật.
Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp