Trầm cảm, nó không giống như những gì chúng ta vẫn hay chia sẻ. Nó không phải chỉ là chuyện bạn buồn, bạn thích ở một mình, bạn hay nghe những bài hát với giai điệu đầy u sầu tăm tối. Trầm cảm tiếp cận tôi một cách chậm rãi nhất, từng ngày. Ban đầu chỉ là đôi chút vấn đề nhỏ và không phải ai cũng nhận ra điều đó.
Như là việc tôi phát hiện ra có thêm vài người ghét tôi hơn nữa, dù chả vì lý do gì cả. Như là tôi nhận ra tự mình tách ra khỏi mọi người bên ngoài kia. Học hành chả ra gì, không có tiếng nói chung với mọi người trên trường lớp. Không hợp với bạn cùng phòng. Áp lực từ gia đình và không nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ. Sự kém cỏi và vô dụng của bản thân.
Mọi thứ gặm nhấn tôi dần dần và thật tệ khi lúc đó, tôi chấp nhận việc mình sẽ sống chung với nó. Mỗi ngày, tôi đều tự nhủ, chỉ là thêm một ngày tồi tệ trôi qua thôi mà. Chỉ là một quãng thời gian cần có để từ trẻ con trở thành người lớn. Sẽ không sao cả!
Nhưng thật tiếc là mọi chuyện không dễ dàng như thế...
Tôi dần thu mình vào suy nghĩ của bản thân. Không tìm được người để nói ra những gì mình cần nói. Tôi luôn có cảm giác tách biệt với mọi người rồi dần dần tôi ngại đám đông, sợ việc bị chỉ trích, bị thất bại. Tôi sợ cả những cuộc gọi điện từ gia đình. Tôi đẩy mọi người ra xa và phản kháng lại mọi mối quan hệ bằng một cách ngốc nghếch nhất.
Có một vài sai lầm rằng mọi người luôn đánh đồng việc trầm cảm là luôn luôn phải sống như một người tự kỷ. Không, tôi vẫn sống như một người bình thường, tỏ ra vô tư và vẫn nói nhiều hơn những người khác.
Chỉ là...
Tôi chẳng muốn làm gì cả. Tôi không có động lực để cố gắng. Tôi không có nghĩa lý để tiếp tục sống mỗi ngày. Không có gì làm bản thân mình vui. Không ai làm bản thân mình thấy cuộc đời này còn ý nghĩa. Tôi bó buộc bản thân trong chính suy nghĩ của mình.
Khi ấy, với tôi, có hai cách để giải quyết đống hỗn độn đó. Một là mở lòng ra với ai đó.
Hai là chết đi.
Tôi đã chọn cách thứ hai.
Hình xăm đầu tiên của tôi là ký tự morse code: l-i-v-e. Nghĩa là sống.
Trong tôi luôn có một ai đó thúc giục hãy đi tìm cái chết, luôn có sự đấu tranh trong tư tưởng giữa việc tiếp tục chịu đựng hay kết thúc một cách nhẹ nhàng để chấm dứt đi tất cả. Thậm chí, đôi khi tôi nghĩ, tôi còn không kiểm soát được bản thân mình.
Nhưng thật may vì có người đã phát hiện ra điều đó.
Lúc chênh vênh giữa sự sống và cái chết, tôi đã nghĩ đến nhà mình, đến những người mình yêu thương, đến khóm hoa sau nhà chưa nở, những nơi mình chưa đi, những điều mình chưa làm, lời cảm ơn chưa kịp nói.
Mẹ là người tác động tới tôi nhiều nhất để vượt qua tất cả. Khi tôi thẳng thắn nói chuyện với bố mẹ, tôi cảm thấy thì ra những áp lực mà những năm đi học mình tự gánh chịu nó không đáng sợ đến thế. Đến cuối cùng thì bố mẹ vẫn mong muốn mình là một người khỏe mạnh hơn là một đứa con thành đạt. Tôi hiểu hơn về tình thương mà bố mẹ dành cho mình và bớt đi rất nhiều áp lực.
Tiếp đó, tôi nhận ra ngoài gia đình và những người yêu thương mình, không ai xứng đáng khiến mình lưu tâm nữa cả. Một ngày tôi có 24 tiếng, 8 tiếng để ngủ, 8 tiếng đi học, 8 tiếng còn lại dành cho mọi người. Mà thế giới có đến tận hơn 7 tỷ người nên tôi cần phải dành chút thời gian quý báu còn lại cho những người xứng đáng. Vậy là tôi bỏ ngoài tai lời của những người chỉ muốn dìm mình xuống.
Thực sự họ cũng là những người đáng thương, thực sự đấy. Vì họ phải dành nhiều thời gian đến thế cho một đứa chả ra gì như mình. Và cũng cảm ơn họ, vì đã cho tôi có cơ hội hiểu ra lòng người sớm hơn. Khi tôi nghĩ được như thế, tôi dần thấy lòng thanh thản và nhìn mọi việc nhẹ nhàng hơn. Dù lúc đó, xung quanh tôi vẫn là những người ghét tôi như thế. Tôi vẫn nhớ hết những lời cáu gắt, những người khó chịu khi mình cố gắng mở lòng.
Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa. Tôi đã không còn quan tâm tới những điều người khác nghĩ, tôi có thể đọc sách, học ngoại ngữ, đi làm thêm, tìm hiểu vì sao bầu trời lại có màu xanh, vì sao thủy triều dâng lên hai lần trong một ngày và làm cách nào để chụp được ảnh đẹp vào những khung giờ vàng để bắt được ray sáng. Tôi học cách gia tăng giá trị bản thân, học cách mỉm cười thật nhiều và đến sau cùng, khi mà người ta vẫn đang dậm chân tại chỗ và thậm chí, đang bị đối xử như tôi ngày đó thì tôi đã làm xong những điều mình cần làm và vui vẻ trở lại.
Vì bạn biết đấy, nếu bản thân mình không đưa tay ra thì chẳng ai có thể nắm được tay bạn mà kéo lên cả.
Tôi vẫn đều đặn đến gặp bác sĩ tâm lý mỗi tháng. Mỗi lần đến khám, Viện sức khỏe Tâm thần lại có thêm thật nhiều người đến làm trắc nghiệm tâm lý khác. Tôi rất muốn nói chuyện với họ, về cách mà tôi đi qua những áp lực và lớn lên.
Ngày trẻ, một chút âu lo thôi, đã nghĩ mình gánh gồng cả thế giới trên vai...
Theo Trí thức trẻ