|
Do có chồng khá trễ (ở tuổi 32) nên trước khi có con, tôi đã kịp bỏ túi cho mình vốn kiến thức dày dặn về việc nuôi dạy con. Do đó, khi con còn trong bụng mẹ, tôi đã dự định áp dụng những kiến thức của mẹ Nhật, Mỹ… cho con mình. Thời gian đầu dạy con tự lập, thích nghi sớm, tôi cảm thấy rất vui vẻ, hài lòng về phương pháp của mình.
Cụ thể, từ khi mới sinh và bế con gái về nhà, tôi cho cháu ngủ riêng ở nôi, sau đó chuyển sang chiếc giường nhỏ bên giường bố mẹ, rồi tiến tới cho ở phòng riêng để con học tính tự lập sớm. Lúc con giật mình khóc giữa đêm, tôi cũng không bế lên ngay như những bà mẹ khác vì cho rằng làm như vậy con sẽ “quen hơi” từ đó càng mè nheo, yếu đuối. Trong lúc đi dạo ở ngoài, tôi đặt con vào cũi chứ rất ít khi ẵm bồng. Do đó, khi mới 6 tháng bé đã biết tự ngủ, tự cầm bình sữa, ít quấy khóc, tự chơi một mình không cần gần gũi bố mẹ. Ban ngày khi khóc, ông bà, cô chú đòi ẵm tôi cũng ngăn cản do muốn dạy con theo cách riêng mình.
Tuy nhiên, đến lúc con qua ngưỡng 2 tuổi, tôi có cảm giác hụt hẫng khi trong những lần đi chơi với bạn bè, các con họ đều được mẹ ôm ấp, chơi một lúc lại dụi đầu vào ngực bố mẹ, đùa giỡn có lúc cười thành tràng dài rất tình cảm. Nhưng con tôi thì không! Cháu lủi thủi chơi một mình, không khóc cũng không cười nhiều như các bé khác dù rất tự lập. Khi tôi lại gần đòi ôm con, con hất tay ra từ chối làm tôi thương xót, hối hận.
Từ đó đến nay khi cháu đã lên 3 tuổi, giữa hai mẹ con tôi cũng không ôm ấp, bồng bế gì nhiều vì cháu hiếu động, không có nhu cầu. Ban ngày, cháu chơi với bạn bè, thực hiện mọi sinh hoạt rất tự lập còn đêm về ăn xong chơi tí rồi vào phòng mình ngủ nên bé không cho ba mẹ thời gian ôm ấp. Tôi nhận ra khi từ chối ôm ấp, dỗ con khóc, mình đã tự tước đoạt đi cơ hội, quãng thời gian quý báu nhất của mình khi được làm mẹ.
|
Mới đây, khi đọc nghiên cứu ở trang Pediatrics, tôi càng hối hận về quan điểm nuôi con tự lập sớm mà không tìm hiểu ngọn ngành của mình vì kết luận: “Bồng ẵm con suốt ngày không bao giờ khiến trẻ hư hỏng”. Theo nghiên cứu này, việc bồng ẵm, dỗ dành con còn có những tác động tích cực mà ai cũng ao ước đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của con.
Cụ thể, khi được tiếp xúc da nhiều với ba mẹ, con sẽ bớt quấy khóc, sau này lớn lên có tâm lý ổn định, hạn chế nóng nảy, kích động.
Nhiều báo cáo cũng cho biết khi ôm con nhiều, hệ miễn dịch của trẻ cũng khỏe mạnh lên. Ngoài ra, những cái ôm ấp từ cha mẹ cũng khiến tuyến ức được kích thích, tăng sản xuất tế báo máu trắng, giúp con tránh đau ốm vắt, tăng sức đề kháng cho trẻ. Ngoài ra, cái ôm còn giúp con trẻ có cảm giác an toàn, giúp giảm stress, lo âu trầm cảm, cân bằng cảm xúc cho cả hai mẹ con..
Như vậy, tôi đã dạy con tự lập sớm sai cách vô tình đi ngược xu thế nhân loại. Các nhà khoa học hiện nay nói rằng các bà mẹ như chúng ta chỉ nên tạo điều kiện cho trẻ thực hiện những việc để các con làm giúp tạo thói quen tự lập chứ không phải tách hẳn con khỏi cha và mẹ. Hãy nhìn tự nhiên, con khỉ, chuột túi… thời gian đầu ôm con cả ngày nhưng sau chúng vẫn có thể tự sống và dần học được những kỹ năng.
Từ đó, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm, một “sai lầm” của mình với các bậc cha mẹ trong cách nuôi con tưởng khoa học mà lại phản khoa học. Hãy để mọi việc tự nhiên, để những cử chỉ yêu thương kết nối con và ba mẹ. Hãy cứ thoải mái sử dụng ôm ấp, dỗ dành con khi còn có thể, khi con chưa hình thành thế giới riêng mình và không còn nhu cầu ôm ấp từ cha mẹ. Riêng tôi, con mới 4 tuổi vẫn chưa gọi là “muộn màng” để hình thành lại từ đầu thói quen này.