Làm đẹp quá sớm, mẹ hại con phải nhập viện cấp cứu

Bé Trần Thị Thanh T, 15 ngày tuổi, nhà ở xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, được mẹ bế vào cấp cứu Nhi, BVĐK tỉnh Tiền Giang vì sốt cao, bỏ bú.

Bác sĩ khám thấy bên tai phải của bé bị sưng đỏ, sờ thấy nóng, sưng lan ra cả gò má, bé thở yếu, rên rỉ, da nổi bông sữa, nên chẩn đoán là Viêm mô tế bào vùng mặt, theo dõi nhiễm trùng huyết.

Bé T được khẩn trương tiếp o xy, truyền dịch, truyền kháng sinh. Sau 24 giờ bé giảm sốt, tình trạng cải thiện dần. Mẹ bé T cho biết sau khi sinh về nhà, bà nội kêu người quen xỏ lỗ tai cho bé, vì nghĩ rằng bé còn nhỏ nên xỏ lỗ tai không biết đau và mau lành!? Gia đình nhờ người quen có kinh nghiệm dùng kim xỏ lỗ tai cho bé, vài ngày sau thì chỗ vết xỏ ở tai bị sưng đỏ, chảy nước vàng, ngày càng nặng nên mới đưa vào bệnh viện.

Mẹ bé lo lắng hỏi tại sao bé lại bị như vậy? Bác sĩ trấn an người mẹ là bé T đã qua cơn nguy kịch, từ từ sẽ ổn, nguyên nhân là do bé bị nhiễm trùng vết xỏ lỗ tai, vi trùng lan nhanh ra xung quanh và vào máu gây nhiễm trùng nặng.

Hình ảnh lỗ tai bị sưng tấy nhiễm trùng của bé khi được người nhà xỏ lỗ tai. 

 

Về chuyên môn, nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng do xỏ lỗ tai là sự xuất hiện của các vi trùng, được tìm thấy trên bề mặt da, đi vào chỗ bấm lỗ tai. Điều này có thể xảy ra khi dụng cụ không vô trùng được sử dụng trong quá trình bấm lỗ, hoặc chỗ bấm lỗ không được vệ sinh đúng cách, không rửa tay sạch trước khi chăm sóc, chỉ, bông tai không sạch... Triệu chứng của nhiễm trùng chổ xỏ lỗ tai là vùng tai bị sưng, nóng, đỏ, bé quấy khóc. Lúc này bà con nên đưa cháu đến cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị.

Về phòng ngừa nhiễm trùng khi xỏ lỗ tai, cha mẹ nên chờ cho bé trên 7 tháng tuổi thì mới xỏ lỗ tai, lúc này sức đề kháng của bé có đủ đẻ tự bảo vệ chống lại vi trùng xâm nhập. Còn quan niệm càng xỏ lỗ tai sớm càng không đau là sai, ở tuổi nào bé cũng biết đau, kể cả lúc mới sinh.

Ngoài ra để việc xỏ lỗ tai cho con không bị nhiễm trùng, chúng ta cần chú ý chọn những nơi bấm lỗ tai uy tín, sạch sẽ, kiểm tra kỹ dụng cụ bấm lỗ tai của con. Tốt nhất những dụng cụ như kim cần được dùng mới sau mỗi lần bấm và nếu có thể, chúng cần được đựng trong những gói vô trùng. Yêu cầu người bấm dùng găng tay sử dụng 1 lần. Để vết thương nhanh lành và tránh nhiễm trùng, nên để bé đeo chỉ xỏ tai trong vài tuần. Chú ý vệ sinh và ăn uống cho con sau khi bấm lỗ tai.

Đối với các bé lớn hơn, sau khi bấm lỗ tai trong 2 tuần đầu tránh cho bé đi bơi bởi nước ở hồ bơi, biển chứa nhiều vi khuẩn, sẽ tăng nguy cơ bị nhiễm trùng tai bé. Sau khi bấm lỗ tai, các bà mẹ nên vệ sinh xung quanh vết thương hàng ngày, trong khoảng 7 tuần bằng chất khử trùng tốt. Nếu tóc bé dài, hãy cột tóc bé thật gọn gàng vì nó có thể làm vướng víu và dính vào lỗ tai vừa bấm.

 

Theo Sức khỏe đời sống

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang