Kết quả báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEFF công bố vào tháng 8/2017 cho thấy rằng trên toàn thế giới chưa có một quốc gia nào đạt chuẩn về việc nuôi con bằng sữa mẹ theo khuyến nghị.
Theo khuyến nghị của WHO và UNICEFF, sau khi trẻ ra đời nên được bú mẹ ngay giờ đầu tiên và được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Những tháng sau đó trẻ tiếp tục được bú mẹ cho tới khi được 24 tháng.
Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn mang đến rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, sữa mẹ có khả năng tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc cho trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu đời sẽ giúp ngăn ngừa tiêu chảy và viêm phổi, hai căn bệnh gây tỉ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh. Việc cho con bú đồng thời cũng mang đến những lợi ích thiết thực cho người mẹ như làm giảm nguy ung thư buồng trứng và ung thư vú.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cho biết: “Sữa mẹ hoạt động như loại vắc-xin đầu tiên của trẻ, bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong và trao cho trẻ toàn bộ dưỡng chất cần thiết để sinh tồn và phát triển”.
Tỷ lệ trẻ bú mẹ trên toàn thế giới còn rất thấp so với mong đợi
Các số liệu về tỉ lệ trẻ được bú mẹ tại 194 quốc gia trên toàn thế giới do WHO và UNICEF thống kê cho thấy không có quốc gia nào đạt tỷ lệ 100%. Đặc biệt, chỉ có chưa đến 44% các bà mẹ tham gia cuộc khảo sát cho biết họ cho con bú ngay trong giờ đầu tiên sau khi sinh.
Bản báo cáo cũng thống kê chỉ có 23 quốc gia đạt tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu trên 60%, trong đó không có Việt Nam.
Tại Mỹ, tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp hơn nhiều so với mức trung bình, chỉ chiếm chưa đến 25% các bà mẹ tại đây nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng.
Tại sao các bà mẹ lại ngừng cho con bú từ sớm?
Theo các chuyên gia nguyên nhân chủ chốt khiến các bà mẹ ngừng việc cho con bú sớm là do họ phải trở lại với công việc. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân chủ quan như người mẹ gặp khó khăn với việc cho con bú, việc vừa làm vừa cho con bú quá vất vả và khó khăn…
Thống kê chỉ có khoảng 12% các quốc gia trên thế giới tuân thủ khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về việc trả lương thai sản cho lao động nữ với 18 tuần được trả 100% lương từ các quỹ công cộng.
Ông Grummer-Strawn bày tỏ: “Nhiều người biết rõ vai trò quan trọng và lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng họ lại thường mặc định rằng đó là trách nhiệm của người mẹ mà quên mất rằng, các yếu tố môi trường, xã hội, chính trị… cũng có tác động rất lớn đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.”
Tăng tỷ lệ trẻ được bú mẹ mới là sự đầu tư mang đến lợi ích lâu dài nhất
Trong bản phân tích mang tên “Nurturing the Health and Wealth of Nations: The Investment Case for Breastfeeding” (tạm dịch “Nuôi dưỡng Sức khoẻ và Sự thịnh vượng của Quốc gia: Trường hợp đầu tư vào nuôi con sữa mẹ”) có chỉ ra rằng: Chỉ với khoảng 4,7 USD/mỗi trẻ sơ sinh là đủ để giúp làm tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn lên 50% trên toàn thế giới, tính đến trước năm 2025.
Nếu đạt được điều này, sữa mẹ có thể giúp cứu sống tới 520.000 trẻ dưới 5 tuổi và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh tật xuống tới 300 tỉ đô.
Theo ông Anthony Lake, giám đốc điều hành UNICEF: “Việc tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ là cách đầu tư hiệu quả và ít tốn kém nhất mà các quốc gia nên thực hiện. Đó cũng là cách đầu tư cho sức khỏe tương lai của toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Thất bại trong việc đầu tư vào việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng đồng nghĩa với việc làm suy yêu các bà mẹ và con cái họ, cái giá mà chúng ta phải trả vô cùng đắt giá, đó là những sinh mạng mất đi và rất nhiều cơ hội bị bỏ lỡ.”
Tổng hợp