SGK được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn. Trường hợp không có SGK nào đạt từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn thì tổ chuyên môn phải thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn lại.
SGK được lựa chọn là SGK có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất trong lần bỏ phiếu thứ hai. Trong cả 2 lần bỏ phiếu, nếu có từ 2 SGK có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất bằng nhau thì tổ trưởng tổ chuyên môn quyết định lựa chọn một trong số SGK có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, các cơ sở giáo dục lập hồ sơ lựa chọn SGK gửi về Phòng GD-ĐT. Danh mục SGK do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn được cập nhật chậm nhất ngày 5-3. Từ ngày 5-3, phòng GD-ĐT thẩm định hồ sơ và báo cáo về Sở GD-ĐT TP HCM đến trước ngày 10-3.
Các phòng GD-ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục thông báo danh mục SGK được UBND TP HCM phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trước ngày 30-4 hằng năm.
Trong quá trình sử dụng, căn cứ các kiến nghị của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, cơ sở giáo dục báo cáo, đề xuất Phòng GD-ĐT về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 27 quy định về việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư 25 áp dụng từ tháng 10-2020 đến nay. Điểm mới đáng chú ý nhất của Thông tư 27 là quyền quyết định chọn SGK (hội đồng lựa chọn sách) đã được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì UBND cấp tỉnh như trước.
Cụ thể, hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục do hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách.