TP. Hồ Chí Minh thay đổi cách xử lý F0 khi phát hiện trong cộng đồng, doanh nghiệp

Chiều 21/10, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ thay đổi cách xử lý F0 khi phát hiện trong cộng đồng, như không phong tỏa, rào chắn cả khu phố như trước đây.

Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, hiện có nhiều cách để phát hiện F0 trong cộng đồng như phát hiện tại các phòng xét nghiệm khẳng định COVID-19 được Bộ Y tế công nhận hoặc từ xét nghiệm tầm soát đối với các nhóm nguy cơ, nguy cơ cao ở chợ đầu mối, bến xe, bệnh viện...; qua khám sàng lọc tại các bệnh viện; người dân tự xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ hay tiếp xúc với người mắc COVID-19...

TP. Hồ Chí Minh không còn dựng rào chắn, cách ly diện rộng toàn khu vực khi phát hiện F0 trong cộng đồng

Về cách xử lý khi phát hiện F0 trong cộng đồng, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, tiếp thu tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, TP. Hồ Chí Minh sẽ thay đổi cách xử lý F0 khi phát hiện trong cộng đồng.

Theo đó, trước đây, khi phát hiện F0 trong cộng đồng thì chiến lược xử lý triệt để bằng việc cách ly điều trị F0 ở các bệnh viện và các F1 cũng được đưa đi cách ly tập trung. Khu vực có F0 sẽ phong tỏa ở mức độ rộng, điều này ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt người dân. Hiện nay, nếu trong khu vực có một hộ gia đình chỉ có 1 ca F0 thì cơ quan y tế địa phương sẽ đến khám sàng lọc, đánh giá tình trạng F0. Theo đó, nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà thì F0 sẽ được cách ly tại nhà, nếu F0 có biểu hiện nặng hoặc SpO2 dưới 96% thì báo cho tổ phản ứng nhanh để được chuyển viện.

"Nếu như trước đây khi phát hiện một ca F0 trong cộng đồng thì khu vực đó sẽ bị phong tỏa cả khu phố, dựng rào chắn, còn hiện nay không còn phong tỏa cả khu phố và các hộ xung quanh chỉ hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra ngoài", ông Nguyễn Hữu Hưng nói.

Ông Nguyễn Hữu Hưng cũng cho biết, Sở Y tế đã tổ chức họp trực tuyến với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để triển khai quy trình xử lý F0 khi phát hiện trong cộng đồng. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến các địa phương, Thành phố sẽ có sự điều chỉnh công tác xử lý F0 cho phù hợp.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại nhà máy, doanh nghiệp cũng đã được Sở xây dựng nhằm đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt. Đa số lao động đã được tiêm vaccine nên khi phát hiện F0, cách làm sẽ khác so với trước đây. Cụ thể, F0 sẽ được đưa đến các khu vực cách ly tách biệt trong phân xưởng của nhà máy, xí nghiệp nhằm giảm tải cho các khu cách ly ở quận, huyện theo hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế.

12 chốt kiểm soát cửa ngõ và 39 chốt tại các khu vực giáp ranh TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vẫn sẽ được duy trì kiểm soát 24/24 đến hết ngày 30/11

Trong khi đó, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, 12 chốt kiểm soát ở cửa ngõ và 39 chốt tại các khu vực giáp ranh TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vẫn sẽ được duy trì kiểm soát 24/24 đến hết ngày 30/11. Tại các chốt này, lực lượng chức năng thực hiện quản lý dân vùng dịch, người ra vào vùng dịch và quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên nền tảng dữ liệu dân cư, dừng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cung cấp thông tin cấp độ dịch tại địa bàn để cập nhật lên Cổng thông tin COVID-19 của TP. Hồ Chí Minh từ ngày 25/10. UBND các cấp thuộc TP. Hồ Chí Minh có nhiệm vụ thường xuyên rà soát và cập nhật lên Cổng thông tin COVID-19 khi có biến động, thay đổi về cấp độ dịch trên địa bàn.

Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh những ngày qua, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đang điều trị cho 11.516 bệnh nhân, trong đó có 333 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 20/10, có 748 bệnh nhân nhập viện, 630 bệnh nhân xuất viện và 41 trường hợp tử vong.

Theo Báo Tin tức

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU