Trách nhiệm thuộc về ai trong vụ tai nạn cây đổ tại trường THCS Bạch Đằng?

Vụ cây xanh cổ thụ trong trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP Hồ Chí Minh) bất ngờ bật gốc đè lên nhóm học sinh, khiến một em bị tử vong sáng 26/5 đang khiến dư luận bàng hoàng, đau xót và đặt câu hỏi: Trách nhiệm thuộc về ai?

Hiện trường cây xanh đổ đè nhiều học sinh. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, luật sư Đỗ Minh Hiển (Văn phòng luật sư JVN, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nói: “Theo tôi được biết, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu Công an TP chỉ đạo Công an Quận 3 nhanh chóng vào cuộc, khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân cây đổ; làm rõ trách nhiệm các bên liên quan. Sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, tôi đang băn khoăn, thời điểm cây đổ không phải do mưa bão, mà trong điều kiện thời tiết bình thường, nên có thể coi là sự kiện bất khả kháng?”.

Theo luật sư Đỗ Minh Hiển, Điều 604 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về “bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Nếu người được giao quản lý cây xanh của trường học không làm hết trách nhiệm trong việc quản lý, phát hiện sớm các dấu hiệu có nguy cơ gây đổ, gẫy cây, thì phải chịu trách nhiệm, bồi thường các thiệt hại xảy ra.

“Nếu không xác định được người trực tiếp được giao quản lý cây xanh, nhà trường phải bồi thường”, luật sư Đỗ Minh Hiển nói.

Đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thăm các em học sinh gặp nạn. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN.

Đại diện Văn phòng luật sư JVN nhấn mạnh: Đối với người được giao nhiệm vụ quản lý cây xanh trong nhà trường, nếu thiếu trách nhiệm trong quản lý gây hậu quả chết người có thể sẽ bị khởi tố hình sự theo Điều 360 - Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi 2017, mức hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.

Theo giới luật sư, trước mùa mưa bão, các đơn vị, cá nhân được giao quản lý cây xanh trong đô thị, khuôn viên cơ quan, tổ chức cần phải luôn theo dõi tình trạng cây xanh; phải cắt, tỉa cành cây, nhánh cây, cũng như các biện pháp bảo đảm khác để tránh việc đổ cây, gẫy cành, gây nguy hiểm cho người đi đường, người dân sinh sống, học tập, làm việc trong khuôn viên có cây xanh như: Cơ quan, tổ chức, trường học, khu nhà ở chung cư... Đặc biệt, cây xanh có dấu hiệu sâu bệnh cần phải chặt bỏ để trồng cây khác.

"Cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân cách tự bảo vệ bản thân, tài sản trong mùa mưa bão, trong đó cảnh báo các nguy cơ, tai nạn do cây cối bị đổ, gãy trong mùa mưa bão", luật sư Đỗ Minh Hiển nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, để đảm bảo an toàn trường học, các nhà trường, địa phương cần đặc biệt quan tâm hơn nữa, thường xuyên liên hệ với các đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn để kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa; xử lý các cây xanh nguy hiểm, có thể gãy đổ…; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường giáo dục an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.

Sáng 26/5, cây phượng cổ thụ trong sân trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP Hồ Chí Minh bất ngờ bật gốc, đè lên nhiều học sinh đang ngồi ăn sáng để chuẩn bị lên lớp. Sự việc khiến 18 học sinh bị thương vong (trong đó 1 em tử vong).

Trước đó, tối 25/5, TP Hồ Chí Minh có trận mưa lớn, tập trung ở khu vực trung tâm các quận 1, 3, 5, 10 và kéo dài hơn hai giờ. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đánh giá, đây là cơn mưa lớn nhất từ đầu năm.

 

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU