Cả 2 vợ chồng đều là bác sĩ, vợ là bác sĩ Đinh Hoàng Mai Anh công tác tại khoa Nội tiêu hóa, chồng là Nguyễn Xuân Điệp công tác tại khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức.
Sau khi tốt nghiệp trường y, bác sĩ Mai Anh và Xuân Điệp cùng về công tác tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, gặp nhau, quen biết và cảm mến nhau rồi nên duyên vợ chồng. Cả hai cùng gắn bó với ngành y và nửa kia của mình cũng làm ngành y đó là cơ duyên.
Tháng 1/2021 khi đám cưới vừa được tổ chức xong, vợ chồng bác sĩ trẻ Mai Anh – Hoàng Điệp đã lên kế hoạch cho một kỳ trăng mật ngọt ngào để ghi dấu kỷ niệm “hai ta về chung một nhà”. Kế hoạch đã có chỉ chờ ngày “xách va ly” lên đường, nhưng rồi lúc đó dịch bệnh bùng phát tại Đông Triều, Quảng Ninh do liên quan đến điểm nóng Chí Linh, Hải Dương.
Không ngần ngại, hai vợ chồng bác sĩ Điệp quyết định gác lại kỳ trăng mật với suy nghĩ “dịch xong sẽ bố trí đi” họ xung phong cùng đồng nghiệp vào điểm nóng Đông Triều, thực hiện công tác truy vết lấy mẫu.
Dịch bệnh ở Hải Dương và Đông Triều tạm lắng, họ trở về bệnh viện rồi bị cuốn vào công việc nên họ lên kế hoạch cho kỳ trăng mật muộn vào mùa hè.
Thế nhưng, ngày 15/5/2021, sau khi dịch bệnh diễn biến tại Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang đã có “thư ngỏ” gửi tỉnh Quảng Ninh về việc hỗ trợ nhân viên y tế đến Bắc Giang “chia lửa” chống dịch. Và BV Việt Nam Thuỵ Điển là cái tên đầu tiên trong số các đơn vị y tế cử cán bộ lên đường đến Bắc Giang chống dịch.
Là những người đã có kinh nghiệm tham gia chống dịch tại Đông Triều, cặp đôi bác sĩ trẻ lại là một trong những người đầu tiên xung phong ghi tên vào danh sách những cán bộ y tế đến Bắc Giang chống dịch. Ngày 15/5, vợ chồng bác sĩ Mai Anh - Hoàng Điệp đã cùng 188 nhân viên y tế của bệnh viện vào tâm dịch Bắc Giang.
Phút thư giãn trên đường vào làng lấy mẫu xét nghiệm của các y bác sĩ BV Việt Nam Thuỵ Điển Uông Bí
Có lẽ, không chỉ họ mà tất cả các nhân viên y tế đều hiểu rằng có thể giúp người dân an tâm lúc này hơn hết chính là sự có mặt của nhân viên y tế. Vì thế, đã là nhân viên y tế dù địa phương nào, nơi đâu thì tất cả đều vì sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bác sĩ Điệp chia sẻ: “Vợ chồng em xung phong đến Bắc Giang và chủ động xin về cùng một nhóm để cho tiện chăm sóc, hỗ trợ nhau trong công việc và một phần để có thêm người động viên, chia sẻ khó khăn. Chứ kẻ đi, người ở thì lòng không yên, lại càng lo lắng hơn”.
“Dịch bệnh COVID-19 không cho mình thêm thời gian để nghỉ ngơi, chờ đợi. Vì vậy chúng em cũng như rất nhiều đồng nghiệp đều động viên nhau cố gắng khi nào làm hết ca mới nghỉ”, bác sĩ Điệp chia sẻ thêm.
Còn Bs. Mai Anh tâm sự, đến hôm nay, đoàn bác sĩ của BV Việt Nam Thuỵ Điển Uông Bí tới Bắc Giang được hơn 2 tuần. Và những ngày tham gia công tác chống dịch tại Bắc Giang là những ngày làm việc có lẽ là đặc biệt nhất trong cuộc đời làm bác sĩ mà mình được trải qua.
Khi ở Đông Triều, thời tiết lúc ấy là mùa đông nên mặc đồ bảo hộ cũng nóng nhưng không như bây giờ. Giữa thời tiết nắng oi ả tháng 5, khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, cùng lớp khẩu trang dày khi trút bỏ quần áo ướt sũng như vừa từ nước ngoi lên, chân tay nhăn nhúm, trắng bệch.
“Nhiều người dân thương cảm và còn trêu đùa, mặc như thế kia đến thở cũng mệt rồi chứ nói gì làm việc”, bác sĩ Mai Anh nói.
Các cán bộ nhân viên y tế BV Việt Nam Thuỵ Điển Uông Bí lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân trong Khu công nghiệp tại Bắc Giang
Bs. Mai Anh cũng cho biết, đến Bắc Giang đoàn đã nhận được nhiều ân tình của người Bắc Giang, từ đồ ăn, thức uống người dân đưa đến khu nhà nghỉ của đoàn, trong đó không quên những dòng nhắn gửi: “giữ gìn sức khoẻ”, “chúng tôi sẽ tiếp sức cùng các bạn”. Xúc động và ngạc nhiên nhất của cả đoàn là tấm băng rôn với dòng chữ “cảm ơn đoàn chuyên viên y tế Quảng Ninh giúp Bắc Giang chống dịch. Người dân Bắc Giang biết ơn các bạn”...
Khi được hỏi về 2 lần “trăng mật” bị lỡ, vợ chồng bác sĩ Điệp thật thà: “Có lẽ không ai được trải nghiệm trăng mật “độc đáo" như vợ chồng em”.
Toà nhà mới xây nên chưa có điện, để nhập số liệu các nhân viên y tế phải dùng đèn pin để làm việc
Từ ngày đến Bắc Giang công việc của vợ chồng bác sĩ Điệp cùng các đồng nghiệp quay vòng vòng từ lấy mẫu cho công nhân tại các nhà máy trong khu công nghiệp rồi di chuyển đến các nhà văn hóa thôn, khu phố, sân đình lấy mẫu cho người dân. Thậm chí còn đến từng hộ gia đình để lấy mẫu.
Ngoài lấy mẫu tại Khu công nghiệp các nhân viên y tế của Bệnh viện tham gia lấy mẫu trong các hộ dân
Khi biết chúng tôi có ý định viết về chuyện của 2 vợ chồng Mai Anh và Hoàng Điệp, họ khăng khăng từ chối bởi vì, theo họ nhiều đồng nghiệp, anh chị trong đoàn của BV và các nhân viên y tế khác xứng đáng “lên báo” hơn chúng em nhiều!.
Đã hơn 2 tuần đoàn y bác sĩ BV Việt Nam Thuỵ Điển Uông Bí đến Bắc Giang phòng chống dịch trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau
Vâng, đối với nhân dân với đất nước những cán bộ y tế vẫn luôn luôn là những người xứng đáng được tin yêu bởi họ hi sinh vất vả, đã có những lúc phải gồng mình để làm việc.
-
Nguy cơ sốc nhiệt của nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ
Có ai đó nói rằng, đại dịch COVID-19 bên cạnh những tác động tiêu cực cho con người còn cho thêm những trải nghiệm mới mà trước đó chưa có được, ví dụ nhờ COVID-19 ở nhà làm những việc mà đã từ vài chục năm chưa làm, có người thấy phải yêu bản thân hơn có người thấy cần tĩnh tâm lắng lại cảm nhận về cuộc đời, còn riêng với bác sĩ Mai Anh và Hoàng Điệp có lẽ là những tuần “trăng mật” chẳng giống ai.
Theo soha.vn