Anh Huỳnh Chí Viễn.
Theo anh Viễn, tâm lý thích giáo viên "ngoại" của phụ huynh cũng khiến các giáo viên ngoại quốc đôi khi không đủ tiêu chuẩn, nhiều người chưa được đào tạo về nghiệp vụ giảng dạy, thiếu bằng cấp, chuyên môn vẫn có thể dạy tiếng Anh và người chịu thiệt thòi là các học sinh:
"Khi không có chuyên môn, dù là giáo viên bản xứ thì họ cũng không dạy gì cả ngoài mấy trò chơi lặp đi lặp lại. Tôi đã từng chứng kiến những giáo viên nước ngoài vào lớp chỉ ngồi chơi máy tính bảng và cho các bé tự chơi hoặc tô màu chứ không dạy gì hết. Đó còn chưa kể nhiều giáo viên nhân cách không tốt. Thật ra lựa chọn giáo viên đòi hỏi trình độ tiếng Anh của phụ huynh và điều này rất khó", anh Viễn nói.
Vậy nên, nếu lựa chọn giáo viên vấn đề không phải là giáo viên bản xứ mà phải là giáo viên bản xứ "có kỹ năng sư phạm", bởi nói tiếng Anh và dạy tiếng Anh là hay vấn đề khác nhau hoàn toàn. Rất nhiều thầy cô người Việt Nam, Philippines hay các quốc gia non-native speakers vẫn truyền được cảm hứng môn học, giúp học sinh yêu thích tiếng Anh và học tập hiệu quả ngay cả khi họ phát âm tiếng Anh không "chuẩn" như người bản xứ. Ngoài yếu tố xuất thân, cũng còn nhiều yếu tố quan trọng cần xét đến như kinh nghiệm giảng dạy, trình độ chuyên môn, tính cách của giáo viên, khả năng truyền cảm hứng...
Hơn nữa, hiện nay điều kiện để các bé học phát âm chuẩn theo giọng bản ngữ rất phong phú từ thầy cô nước ngoài tới các kênh youtube tới các phần mềm học tiếng Anh, nếu không tận dụng để cải thiện phát âm của bé từ nhỏ thì là một điều hết sức thiếu sót.
Với các gia đình không có điều kiện cho con theo học giáo viên bản xứ "xịn", hoặc muốn tìm một giải pháp tiết kiệm, tiện lợi hơn, lựa chọn giáo viên Việt Nam được đào tạo bài bản sư phạm và phát âm chuẩn là tốt nhất. Và theo anh Viễn, số lượng các giáo viên Việt phát âm rất tốt và dạy rất bài bản hiện nay không thiếu, chỉ cần bố mẹ chịu khó tham khảo và tìm hiểu.