Thông thường, trẻ dễ đổ mồ hôi hơn người lớn. (Ảnh minh họa/INT)
Đi tìm nguyên nhân
BSCK I Bùi Thị Hà - Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, trẻ đổ mồ hôi trộm thường ra mồ hôi nhiều nhất ở vùng lưng, trán, háng, nách, lòng bàn tay, bàn chân. Bởi, đây là những nơi có nhiều tuyến mồ hôi.
Khi đổ mồ hôi trộm, nhất là vào ban đêm, trẻ có thể ngủ không yên giấc, hay bị giật mình và quấy khóc nhiều vào ban đêm. Trẻ cũng có thể đổ mồ hôi nhiều trong giai đoạn ngủ sâu.
Theo bác sĩ Hà, có 2 nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm ở trẻ. Nguyên nhân đầu tiên là đổ mồ hôi trộm do sinh lý. Ở nhóm này, trẻ đổ mồ hôi trộm do hệ thần kinh đại não chưa phát triển hoàn thiện. Đặc biệt, với trẻ nhỏ đang trong thời kỳ tăng trưởng, quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh hơn so với người lớn.
Đổ mồ hôi trộm cũng là cách để trẻ cân bằng nhiệt độ cơ thể do hệ thống điều chỉnh nhiệt độ vẫn còn non nớt. Bên cạnh đó, trẻ cũng có tỷ lệ số lượng tuyến mồ hôi so với kích thước cơ thể khá cao, khiến bé ra nhiều mồ hôi hơn. Đổ mồ hôi trộm sinh lý thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Trong khi đó, một số trẻ có thể đổ mồ hôi trộm do bệnh lý. Những trẻ bị mắc bệnh còi xương, lao sơ nhiễm sẽ có biểu hiện đổ mồ hôi trộm ở đầu. Đặc biệt là khi bú mẹ hoặc sau ngủ, mồ hôi ra nhiều nhưng không phải do thời tiết.
Đi kèm với triệu chứng đổ mồ hôi trộm, trẻ còn có những dấu hiệu khác của bệnh còi xương như thóp chậm liền, xương đầu to, ngực nhô hình ức gà, chân vòng kiềng. Với bệnh lao sơ nhiễm, trẻ sẽ có biểu hiện như ho kéo dài, ăn uống kém, chụp X-quang phổi thấy tổn thương lao sơ nhiễm.
“Để hạn chế tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ, cha mẹ nên giữ nhiệt độ phòng thoáng mát. Tránh mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp quá nhiều chăn cho bé khi ngủ để trẻ có thể ngủ ngon giấc hơn. Trẻ đổ mồ hôi trộm là một hiện tượng sinh lý bình thường.
Nếu bé chỉ ra nhiều mồ hôi ở đầu, không bị rụng tóc vành khăn, không kém ăn lười bú... và vẫn tăng cân bình thường thì cha mẹ không nên lo lắng”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Trường hợp trẻ đổ mồ hôi trộm kèm những triệu chứng khác thường, cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế khám sớm.
Trẻ cần được cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn, vượt chuẩn.
Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp acid nucleic, protein...
Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt... Vì vậy, cha mẹ cần tìm hiểu về vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung hợp lý cho trẻ.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B... giúp trẻ ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Trẻ có thể đổ mồ hôi trộm do sinh lý hoặc bệnh lý. (Ảnh minh họa/INT)
Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp
Mồ hôi trộm là một thuật ngữ dân gian. Vì thời điểm đổ mồ hôi vào ban đêm hoặc ban ngày trong lúc ngủ, nên dân gian gọi là “mồ hôi trộm”. Mồ hôi trộm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ đổ mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ nhiều hơn người lớn. Tần suất trẻ bị đổ mồ hôi trộm nhiều nhất ở độ tuổi từ 3 - 6 tháng tuổi.
Trong cuốn sách “Để con được ốm”, bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn (Trưởng khoa Nhi, Trưởng BP Y học chứng cứ tại Hệ thống phòng khám đa khoa V) cho biết, về mặt khoa học, nguyên nhân thường thấy nhất khiến trẻ đổ mồ hôi là do nóng, đặc biệt là ở Việt Nam có khí hậu nhiệt đới và đặc biệt hơn nữa là ở TPHCM.
“Nóng” là do cảm nhận của cá nhân đó, tức là của trẻ, chứ không phải cha mẹ.
Thông thường, trẻ dễ đổ mồ hôi nhiều hơn người lớn vì thân nhiệt của bé có khuynh hướng cao hơn. Điều này là bởi trẻ hoạt động nhiều hơn, hệ thần kinh giao cảm mạnh hơn của người lớn. Do đó, nhịp tim và nhịp thở của trẻ nhanh hơn người lớn.
Do đó, với một nhiệt độ phòng nhất định nào đó, người lớn thấy lạnh nhưng trẻ có thể thấy nóng.
Mặt khác, trẻ được cho bú sữa ấm thì sẽ nóng lên và dễ đổ mồ hôi hơn. Trẻ cũng không xoay trở đầu thường xuyên được như người lớn. Do đó, đầu của trẻ dễ bị bí và nóng hơn.
Vì trên đầu có nhiều tuyến mồ hôi, nên trẻ sẽ đổ mồ hôi nhiều ở vùng đó. Hoặc, nếu trẻ nằm nhiều thì cũng có thể thấy trẻ đổ mồ hôi ở lưng. Đó là chưa kể cha mẹ để nhiệt độ máy lạnh khoảng 26 - 30 độ C, thậm chí “ủ ấm” thì chắc chắn sẽ khiến trẻ đổ mồ hôi nhiều.
Do đó, theo BS Đoàn, cách để trẻ bớt đổ mồ hôi và ngủ ngon là để nhiệt độ phòng khoảng 16 - 20 độ C. Trẻ phải được hưởng luồng gió của máy lạnh và không đắp mền hay ủ ấm. Khi đó, trẻ sẽ hết triệu chứng.
Vì vậy, trẻ bị đổ mồ hôi và không ngủ ngon ban đêm không phải bị thiếu canxi hay vitamin D, mà do máy lạnh chưa đủ mát đối với bé.
“Cũng có nhiều bậc cha mẹ rất lo lắng việc trẻ đổ mồ hôi nhiều sẽ thấm ngược vào người làm trẻ bị viêm phổi. Tôi xin khẳng định rằng, chuyện thấm ngược mồ hôi vào người đích thị là một truyền thuyết khác. Nếu như da không bị bất cứ tổn thương nào, nghĩa là lành lặn nguyên vẹn, thì nó chỉ cho phép nước đi từ trong cơ thể ra ngoài qua tuyến mồ hôi”, BS Đoàn cho biết.
Đồng thời, da cũng trở thành hàng rào bảo vệ ngăn cách, không cho những gì bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, dù là vi trùng. Chỉ khi có những tổn thương trên da (do trầy xước, bỏng…) thì những vật bên ngoài mới xâm nhập qua chỗ tổn thương da đó để vào cơ thể.
Điều quan trọng khác là nguyên nhân của viêm phổi (hay cảm lạnh) hoàn toàn không phải do không khí lạnh, thay đổi nhiệt độ, gió, hay uống nước đá lạnh, mà là do sự xâm nhập của siêu vi hay vi trùng (mầm bệnh) vào đường hô hấp thông qua ba cửa ngõ: Miệng, mũi hay mắt.
Vì vậy, muốn ngừa những bệnh đường hô hấp đó, cách tốt nhất và đơn giản nhất là che mũi miệng khi ho hay hắt hơi (che bằng khuỷu tay) và rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hay nước sát khuẩn nhanh.