Trẻ em trong gia đình có thu nhập cao và thấp, ai lạm dụng thiết bị điện tử nhiều hơn?

(lamchame.vn) - Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng, nếu như thời xưa, "'khoảng cách công nghệ" tồn tại là bởi vì nhà nghèo không có tiền mua thiết bị công nghệ cho con như nhà giàu, thì thời nay, khoảng cách ấy lại nằm ở chỗ nhà nghèo để con lạm dụng thiết bị nhiều hơn nhà giàu!

Trong nhiều năm, các nhà hoạch định chính sách đã lo ngại rằng công nghệ có thể làm gia tăng khoảng cách thành tích giữa học sinh giàu và học sinh nghèo, nếu trẻ em giàu sử dụng phần mềm giáo dục, thực hành viết code máy tính hoặc tìm hiểu về thế giới trực tuyến dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát về việc sử dụng công nghệ tại nhà của trẻ em từ 0 đến 8 tuổi của tổ chức phi lợi nhuận Common Sense từ năm 2017 và năm 2020 đã cho thấy, khi nói đến các thiết bị di động, chẳng hạn như điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, khoảng cách này đã gần như biến mất.

Ảnh minh họa.

Con nhà thu nhập thấp mê điện thoại hơn trẻ trong gia đình thu nhập cao

Theo báo cáo năm 2017, thời gian mà trẻ em trong gia đình thu nhập thấp xem tivi, điện thoại là 3 giờ 29 phút mỗi ngày. Trong khi đó, thời gian ngồi trước màn hình của con nít nhà khá giả chỉ bằng một nửa (1 giờ 50 phút). Còn khảo sát năm 2020 của tổ chức này cho thấy: Trẻ em trong các hộ gia đình có thu nhập thấp sử dụng trung bình gần nhiều hơn hai giờ mỗi ngày với phương tiện màn hình so với những trẻ trong gia đình có thu nhập cao hơn (3 giờ 48 phút so với 1 giờ 52 phút/ngày).

Phụ huynh có học vấn tốt, thu nhập khá cũng thường có ý thức kiểm soát việc sử dụng thiết bị điện tử của con và chọn lọc kênh cho con xem hơn. Thành ra, con họ tận dụng được những khía cạnh hữu ích của công nghệ. Chưa kể, họ cũng có thể chi trả cho nhiều dịch vụ chăm sóc trẻ hơn, đăng ký cho con tham gia các hoạt động thể chất hoặc khuyến khích con vận động quanh khuôn viên nhà để thư giãn.

Ngược lại, trẻ trong các gia đình có thu nhập thấp sử dụng các thiết bị điện tử thường xuyên hơn, thậm chí các thiết bị này như một "người giữ trẻ" trong những chuyến đi dài bằng ô tô hoặc phương tiện giao thông công cộng. Con nhà khó, nay lại càng... khó hơn do bị cuốn theo những thứ tầm phào trên mạng.

Michael Robb, Giám đốc nghiên cứu của Common Sense cho biết: "Chúng tôi có hàng trăm năm nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em. Chúng tôi biết trẻ em cần gì để phát triển một cách tích cực và lành mạnh. Chúng cần những tương tác chất lượng cao với cha mẹ và những người chăm sóc đầy yêu thương. Chúng cần tập thể dục và vui chơi tự do".

Làm thế nào để con bớt mê ti vi, điện thoại?

Trên thực tế, không khó để thấy, ngày càng nhiều phụ huynh đưa thiết bị điện tử cho con sử dụng nhưng không có biện pháp kiểm soát, cũng không có hướng dẫn cho con. Khi trẻ bị đam mê, bị lệ thuộc rất nhiều sẽ dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, Nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM cho rằng: Các thiết bị điện tử là một phần không thể thiếu trong thời đại ngày nay. Và không thể phủ nhận rằng, nhờ các thiết bị này mà chúng ta có cách thức mới hơn để học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin hay liên hệ thuận tiện hơn. Nhưng cũng chính những thiết bị này là "thủ phạm" gây ra nỗi khổ tâm của rất nhiều bậc cha mẹ, khi nhiều đứa trẻ "nghiện" điện thoại, tivi, ipad hơn mọi thứ trên đời.

"Nhiều đứa trẻ mê đến nỗi không chịu ăn khi thiếu điện thoại, bố mẹ rủ đi chơi cũng từ chối, chỉ muốn gắn mắt vào tivi. Có những bé nghiện ở mức độ nặng, đến mức các con lúc nào cũng ở trong trạng thái lơ ngơ, như sống trong thế giới nào đó chứ không hiện diện ở đời thực. Lúc này, cha mẹ sẽ rất khổ tâm, tìm đủ mọi cách thức để cải thiện nhưng hầu như đều bất lực", bà Phương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, Nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM

Nhà giáo dục này cũng cho rằng, muốn trị dứt điểm phải rà soát, tìm kiếm ra căn nguyên gây "bệnh". Rõ ràng, không có một người xấu nào "dẫn lối đưa đường" cho con đến thiết bị đó mà đa phần chính là từ cha mẹ.

Có rất nhiều phụ huynh không phải là không biết đến những khuyến cáo về hậu quả của việc cho con dùng thiết bị điện tử quá sớm quá nhiều, tuy nhiên họ vẫn cho con tiếp xúc do nhìn thấy những cái lợi trước mắt. Chẳng hạn như, con có vẻ tập trung hơn; con học được nhiều điều hay (bảng chữ cái, con số, giai điệu bài hát, tiếng Anh...); Tuy nhiên, những hậu quả để lại sẽ lớn hơn và kéo dài hơn những lợi ích này.

Bà Phương chỉ ra một số vấn đề như:

Thứ nhất, TẬP TRUNG ẢO. Nghĩa là con sẽ rất tập trung khi xem thiết bị màn hình nhưng nếu không có nó thì con sẽ không thể duy trì sự tập trung này, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Khi đi học, con không học và hiểu bài được vì không thể tập trung chú ý. Những nội dung trên màn hình liên tục thay đổi về nội dung và màu sắc, vì vậy con chỉ tập trung được những quãng ngắn, nối tiếp nhau. Còn nếu trẻ tập trung thật, tức là trẻ phải duy trì được sự chú ý cho dù bối cảnh xung quanh không thường xuyên thay đổi như vậy.

Thứ hai, trẻ đánh mất KHẢ NĂNG TỰ CHỦ. Khi con xem các thiết bị này, con sẽ ngồi rất ngay ngắn, ngoan ngoãn. Nhưng khi không có, gần như con không chịu làm bất cứ điều gì cả, không có khả năng tự tổ chức, tự quản trị lấy những nền nếp của cá nhân mình. Và như thế có thể xem như trẻ đã trở thành "nô lệ" của các thiết bị điện tử.

Ngoài ra, bà Phương cho rằng, còn có các vấn đề khác như khả năng thị lực, vận động bị giảm sút; rối loạn ngôn ngữ, chậm nói; con tiếp xúc với những thông tin, hội nhóm độc hại... nếu trẻ lạm dụng thiết bị điện tử.

"Rất không công bằng khi từ bé, chúng ta cho con tiếp xúc với những thiết bị điện tử vì những lợi ích trước mắt, và sau đó lại chửi mắng con lười biếng, chỉ thích cắm mặt vào điện thoại hay tước đoạt những thiết bị trên tay con mà không một lời giải thích. Muốn giải quyết vấn đề này, không có cách nào khác ngoài việc bắt đầu từ chính cha mẹ chúng ta", bà Phương nói.

Nếu chúng ta muốn con đến với thế giới internet để thu nạp những tri thức hay thông tin hiện đại, nhưng đồng thời cũng giữ cho con được một giới hạn thì phải thiết lập một số nguyên tắc sau đây cho con ngay từ khi còn bé:

1. Hãy quy định những giới hạn, nền nếp rõ ràng: Con được xem trong thời gian bao lâu, xem ở đâu, xem như thế nào. Chẳng hạn trong gia đình chuyên gia này, khi con muốn xem YouTube thì phải xem ở tivi lớn ở trước nhà, chứ không được đem điện thoại vào phòng. Như vậy, người lớn có thể kiểm soát được nội dung con xem. Lúc còn bé, bà Phương cho con xem trong thời gian 15-30 phút, lớn lên con có thể xem nhiều hơn nhưng luôn có khung giờ quy định, và con sẽ được mẹ báo trước 5-10 phút khi sắp hết giờ xem.

2. Con phải hoàn tất các nhiệm vụ của cá nhân mình nếu muốn xem các thiết bị màn hình: Chăm sóc vệ sinh cá nhân, làm bài tập, phụ giúp công việc gia đình...

3. Dành thời gian trò chuyện về nội dung con đang xem: Có thể dành thời gian xem cùng con 1 tập phim hoạt hình hay hỏi con về một số trò chơi, nội dung trên màn hình. Đây là cách giúp con có những khoảng dừng và quay trở về thế giới thực để tương tác với người khác.

4. Trang bị cho con những kỹ năng an toàn trên internet như cái gì thì nên chia sẻ hay không nên chia sẻ trên interner; không nhắn tin với người lạ; nói với con về những vấn đề như bắt nạt trên mạng hay những câu chuyện không có lợi cho bản thân mình và người khác.

5. Nếu ở xa, đi làm xa hoặc không có thời gian bên cạnh coi ngó con nhiều thì cha mẹ nên tìm kiếm những hoạt động thay thế cho con tham gia. Chẳng hạn các lớp ngoại khóa ở trường; các lớp học thể thao ở khu dân cư, trung tâm...

"Một điều vô cùng quan trọng, đó là các bậc cha mẹ cần kiên nhẫn với sự buồn chán của con và hướng dẫn con những cách thức để hóa giải nỗi buồn chán đó thay vì tìm đến các thiết bị màn hình. Có nhiều cha mẹ cho con tiếp cận với các thiết bị vì thấy con chán nản, không có việc gì làm. Nhưng trẻ có một khả năng rất hay, đó là tự tìm lấy được cách để tự chơi cho hết chán. Tôi đã quan sát được vấn đề này rất nhiều lần.

Khi đi ra ngoài, có thể khuyến khích con mang theo sách hoặc một món đồ để con có việc để làm khi bố mẹ bận rộn. Đây là những điều cha mẹ cần thực hiện một cách nghiêm túc để thành công đưa con quay trở về thế giới thực", bà Phương chia sẻ.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU