Chui xuống gầm bàn trốn, không được gọi phát biểu thì òa khóc
Nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm học 2021-2022 đang rất băn khoăn, lo lắng khi con em mình sẽ phải học online do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Chị N.H.L có con học lớp 1 tại một trường tiểu học thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, vì dịch bệnh nên con chị cũng như nhiều trẻ em khác ở Hà Nội phải nghỉ học từ dịp lễ 30/4-1/5. Đến nay, tính ra là đã tròn 4 tháng. Khoảng thời gian đó, nếu gia đình nào không chủ động kèm cặp ở nhà thì các con đã quên hết mặt chữ, tác phong nề nếp cũng gần như không còn.
Theo chị L., thông thường trước khi vào lớp 1 trẻ sẽ được trang bị các kỹ năng "tiền lớp 1" qua cô giáo mầm non hoặc các trung tâm. Vì dịch bệnh, các con hoàn toàn không được học các kỹ năng này nên yêu cầu các con học tập ngay là rất khó khăn và sẽ không hiệu quả.
"Các bé lớp 1 không được tự giác như các anh chị lớn. Muốn con ngồi yên học thì bố mẹ phải kèm ngay bên cạnh. Nhưng không phải khi nào bố mẹ cũng kèm cặp được. Những người làm trong nhóm ngành thiết yếu, những người không may bị Covid-19 hoặc phải đi cách ly… thì làm sao kèm con được? Có người nói nên nhờ ông bà nhưng không phải ông bà nào cũng am hiểu máy tính hay các vấn đề kỹ thuật", vị phu huynh này đặt vấn đề.
Ngoài ra theo chị L., không phải nhà nào cũng có máy tính cho con học. "Như nhà tôi đây, máy tính đang bị hỏng loa. Hà Nội giãn cách không thể đi sửa được nên phải cho con ôm điện thoại. Học như thế thì khó mà tập trung được, không những thế lại còn ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt", chị L. lo lắng.
Chị L. cùng một số phụ huynh khác nói rằng, họ đồng tình cho con học chậm lại chứ không muốn học online như hiện nay.
Có con năm nay học lớp 1 tại một trường tiểu học thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), chị L.T.H cho hay, lớp của con chị đã triển khai học online được 4 buổi. Buổi học bắt đầu vào 19h30 tối và kết thúc vào lúc 21h. Thi thoảng, cô giáo sẽ cho các bé nghỉ 5-7 phút để thư giãn.
Qua mỗi buổi học, chị H. chứng kiến đủ chuyện dở khóc dở cười. Chị H. kể, buổi đầu tiên bé V. con chị rất hào hứng, liên tục hỏi mẹ đến khi nào được học cùng các bạn và cô giáo. Vào giờ học, bé tỏ ra khá hợp tác, chăm chú nghe giảng và tích cực giơ tay phát biểu.
Tuy nhiên, đến những buổi sau, bé V. bắt đầu… "giở chứng". Ngồi học chỉ được chừng 5-10 phút là bé viện đủ lý do như khát nước, muốn đi vệ sinh, ngứa tay chân… Có hôm đang học, V. đứng phắt dậy chui xuống gầm bàn. "Có lần cô giáo đưa ra câu hỏi, V. nhanh nhảu giơ tay nhưng cô lại gọi bạn khác. Thế là con bé òa khóc", chị H. kể.
Đỉnh điểm vào buổi học thứ 3, bé V. ngồi được một lúc thì kiên quyết tắt máy, đóng cửa đi ra khỏi phòng. Vợ chồng chị H. thuyết phục thế nào con cũng không muốn quay lại bàn học.
Mỗi tối con ngồi học, chị H. đều ngồi kèm bên cạnh theo kiểu mẹ học, con học. "Cô giáo của V. rất kiên nhẫn, giọng nói truyền cảm, nhẹ nhàng. Song, có lẽ vì các con còn quá nhỏ, lần đầu tiếp cận với việc học online nên nhiều tiết học chưa thật sự đạt hiệu quả. Nhìn vào màn hình tôi thấy nhiều cháu ngồi ngả ngốn, trông khá mệt mỏi. Nhiều cháu thì nghịch ngợm ấn vào nút mở mic làm tiếng nói chuyện trong nhà truyền đến cả lớp. Có hôm, em đang học mà tiếng mẹ quát tháo, chửi mắng anh ở ngoài vọng vào ầm ĩ", chị H. chia sẻ về việc con học online.
Tinh giản, cô đọng kiến thức, không áp theo chính khóa
Một giáo viên tiểu học cho rằng, khó khăn nhất khi dạy online cho trẻ lớp 1 là rèn khả năng tập trung và nề nếp bởi trước đó bé chưa có sự tự giác. Chưa kể với hình thức học online, giáo viên rất khó để hướng dẫn các con tỉ mỉ, gợi mở cảm hứng học tập hay đánh giá xem học sinh có thật sự hiểu bài và làm được đúng theo hướng dẫn hay không.
Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Những lo lắng của phụ huynh là tất yếu bởi học sinh lớp 1 còn rất nhỏ. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh không thể đến trường, việc học trực tuyến là phù hợp để chúng ta tận dụng thời gian.
Để chuẩn bị cho việc học online, giáo viên lớp 1 đã họp với các phụ huynh và hướng dẫn các công tác chuẩn bị, tuyên truyền tới các phụ huynh để họ phối hợp tích cực cùng cô giáo.
Ngoài ra, bà Hằng cũng cho biết, tất cả những nội dung truyền tải cho học sinh lớp 1 sẽ được tinh giản nhất, gọn nhẹ nhất. Giáo viên sẽ xây dựng bài giảng sao cho trẻ dễ hiểu mà phụ huynh cũng dễ hướng dẫn. Chương trình học được xây dựng cho trẻ quen dần với từng cấp độ, cô đọng lại những kiến thức cần thiết và dạy ở mức độ dễ, không quá căng theo chương trình chính khóa.
"Với những học sinh đang ở khu phong tỏa, thuộc diện F0, F1… chúng tôi cập nhật danh sách hàng ngày và có sự hỗ trợ riêng để các con có thể theo kịp các bạn. Sau này, khi dịch bệnh ổn định, chúng tôi sẽ dạy lại tất cả, quan tâm đến từng cháu một, học sinh yếu mảng nào thì các cô sẽ hỗ trợ thêm. Còn hiện tại, với sự hỗ trợ của giáo viên và cha mẹ, chúng tôi mong các con sẽ tiết kiệm được tối đa thời gian", bà Hằng nhấn mạnh.
Một số tỉnh đưa chương trình học online khá nặng nề
GS. TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam cho hay, trong một hội nghị của Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức năm 2020, ông đã kết luận rằng, Bộ Giáo dục & Đào tạo có thể dạy online được nếu chuẩn bị kỹ lưỡng, lên phương án phù hợp và tập huấn giáo viên bài bản.
GS. TS Phạm Tất Dong (Ảnh: USSH)
Tuy nhiên theo GS Dong, hiện nay, tư tưởng chỉ đạo của Bộ đang không tập trung và không chuẩn bị kỹ nên xảy ra một số vấn đề. Nhiều tỉnh tuyên bố không dạy online vì nền tảng thông tin không đáp ứng, học sinh không hiểu. Một số tỉnh lại đưa chương trình học online nặng nề và khô cằn. Nếu ngày học 6 tiết online, mỗi tiết 35-40 phút thì không trẻ nào chịu được.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, trong thời kỳ giãn cách cần chú ý tinh giản nội dung giáo dục, xây dựng chương trình học vui tươi, thu hút trẻ.
"Có lẽ phải có lời bàn nên làm thế nào để thích ứng được với yêu cầu chống dịch, đồng thời vẫn đảm bảo được năm học. Muốn dạy online thì thầy cô giáo phải được trang bị đầy đủ kỹ năng kèm theo các nền tảng hỗ trợ. Nếu chỉ mở máy lên nói một tràng thì học sinh không thể học được. Bộ cũng phải thống kê xem bao nhiêu nơi có thể dạy được, bao nhiêu nơi đủ điều kiện máy móc, hay những nơi không triển khai được thì Bộ phải có kế hoạch, ý kiến thế nào", GS Dong nhấn mạnh.
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho biết, vốn dĩ cả ngành giáo dục và phụ huynh không ai mong muốn trẻ học online. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay vẫn phải tận dụng mạng trực tuyến để không làm gián đoạn việc học. Mục tiêu giảng dạy là cho các cháu làm quen và xây dựng nề nếp học tập.
TS Nguyễn Tùng Lâm.
Để việc học đạt hiệu quả tốt nhất, nhà trường cần phối hợp với cha mẹ bởi nếu giao máy móc cho trẻ thì trẻ sẽ không kiểm soát được. Bản thân các gia đình phải chia sẻ, hỗ trợ thầy cô giáo. Ngành giáo dục các địa phương phải tìm cách. Chẳng hạn như Hà Nội đang quyên góp máy cũ cho các trẻ em khó khăn để các cháu có phương tiện học tập. Đó cũng là một giải pháp.
Ngoài ra, TS Lâm cho rằng, nên kết hợp giảng dạy trên truyền hình và phát sóng vào những khung giờ phù hợp, đặt trẻ vào các hoạt động, tạo ra các sáng kiến thì giờ học sẽ có hiệu quả. Đặc biệt, thời lượng mỗi tiết học nên rút ngắn, tối đa khoảng 25 phút.
"Trong lúc này, đừng ai chờ ai cả. Bố mẹ cũng phải khắc phục và thầy cô giáo cũng phải cố gắng. Bố mẹ nên sát sao với con. Thấy con mình có khúc mắc gì thì nên trao đổi với thầy cô giáo. Ngoài ra, cũng phải có những buổi "huấn luyện" trên truyền hình cho bố mẹ về kỹ năng kèm học online để họ bớt lo lắng và xử lý được các tình huống phát sinh khi con học", chuyên gia này đưa ra lời khuyên.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ (Ảnh: VTC)
Các bài giảng nên được thực hiện bởi những giáo viên giỏi nhất trên truyền hình
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nên đẩy mạnh triển khai dạy qua truyền hình cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Hiện nay, gần như gia đình nào cũng có ti vi và bắt sóng được các chương trình quốc gia, không gặp trục trặc về đường truyền mạng. Học qua truyền hình sẽ dễ triển khai hơn, hạn chế được các tác hại đối với đôi mắt khi trẻ ngồi trước máy tính, điện thoại quá lâu. Trẻ vẫn có cảm giác mặt đối mặt với giáo viên. Các bài giảng nên được thực hiện, giảng dạy bởi những giáo viên giỏi nhất của từng bộ môn trên cả nước. Nếu các tỉnh muốn đưa thêm đặc thù của địa phương thì có thể có giờ riêng trên truyền hình địa phương.
Theo soha.vn