Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Lan Hải
- Ngay từ nhỏ, trẻ cần được dạy các bộ phận cơ thể từ "đỉnh đầu" đến "ngón chân", trong đó vùng sinh dục là "riêng tư" và cần được tôn trọng (đó là lý do tại sao khi vào phòng tắm hoặc thay quần áo cần đóng cửa), cách tự đi tiêu tiểu, sử dụng các vật dụng trong nhà vệ sinh như thế nào và quy trình đúng ra sao (cách dùng giấy vệ sinh, bé gái luôn phải lau vùng kín từ trước ra sau để tránh viêm nhiễm, bé trai không lấy tay nghịch bộ phận sinh dục), cách thay - mặc đồ lót hàng ngày.
- Tuổi mẫu giáo: dạy con nhận biết sự khác biệt giữa trai và gái: quần áo không giống nhau, chỗ đi tiểu không giống nhau (con trai có "mẩu cây" còn con gái thì không, do bộ phận của nữ nằm bên trong nên không nhìn thấy), nữ có thể tiết sữa (chúng ta ai chẳng bú mẹ), qua đó các bé nhận thức được về vai trò giới, thiết lập ý thức tự bảo vệ mình. Đừng sợ con lấm bẩn, ngã, bị thương... mà cấm con hoạt động. Năng lượng dư thừa không biết xả đi đâu cộng với suốt ngày gò bó ít trò vui là nguyên nhân trẻ tìm đến việc tự "khám phá" bản thân.
- Hướng chú ý của con vào việc tô màu, vẽ tranh, chơi theo nhóm, bận rộn tay chân, giúp việc nhà,...
- Đừng nói với trẻ nghịch vùng kín là bẩn, xấu và sai. Vậy khác nào bảo cơ thể bé, cơ quan sinh dục là xấu, bẩn, sai!
- Trẻ cấp 1 cần biết về tuổi dậy thì trước khi nó đến.
Có thể tạo ra một sự khác biệt rất lớn trong tương lai của con mình, bằng cách nói chuyện tình cảm với con theo từng độ tuổi, với nguyên tắc kiên nhẫn và cởi mở. Mong sao người lớn đừng quá lo lắng làm mất tính hồn nhiên của trẻ.