Đây là kết quả của một nghiên cứu trên hơn 230.000 bệnh nhân đã khỏi COVID-19. Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí The Lancet Psychiatry, đã phân tích dữ liệu từ hồ sơ sức khỏe điện tử của 236.379 bệnh nhân mắc COVID-19 từ mạng TriNetX có trụ sở tại Mỹ gồm hơn 81 triệu người.
(Ảnh minh họa: Gulf News)
Nhóm này được so sánh với 105.579 bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm cúm và 236.038 bệnh nhân mắc bất kỳ bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nào, bao gồm cả cúm. Theo đó, tỷ lệ ước tính bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng lo âu, rối loạn thần kinh hoặc sức khỏe tâm thần sau khi nhiễm COVID-19 là 34%. Đối với 13% trong số này, đây là lần đầu tiên họ được chẩn đoán bị rối loạn thần kinh hoặc tâm thần.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Oxford thực hiện đã phát hiện 14 chứng rối loạn sức khỏe tâm thần và thần kinh. Các chẩn đoán phổ biến nhất sau khi nhiễm COVID-19 là chứng lo âu (xảy ra ở 17% bệnh nhân), rối loạn cảm xúc (14%), rối loạn lạm dụng chất (7%) và mất ngủ (5%). Tỷ lệ mắc các bệnh về thần kinh chiếm tỷ lệ thấp hơn với 0,6% bị xuất huyết não, 2,1% đột quỵ do thiếu máu cục bộ và 0,7% bị sa sút trí tuệ.
Sau khi xét tới các đặc điểm sức khỏe cơ bản như tuổi tác, giới tính, dân tộc và tình trạng sức khỏe hiện có, nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần và thần kinh sau khi điều trị khỏi COVID-19 cao hơn 44% so với sau khi bị nhiễm cúm và 16% so với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Giáo sư Paul Harrison, tác giả chính của nghiên cứu thuộc Khoa Tâm thần học tại Đại học Oxford, cho biết, nghiên cứu nhấn mạnh nhu cầu trang bị hệ thống y tế để đối phó với tình trạng số lượng người được điều trị khỏi COVID-19 mắc chứng rối loạn thần kinh có khả năng cao hơn. Khoa Tâm thần học của Đại học Oxford lưu ý, ngày càng có nhiều lo ngại rằng, những người khỏi COVID-19 có thể tăng nguy cơ bị rối loạn thần kinh.
Theo kenh14.vn