Ảnh: Thanh Hoa Mai
Tuy nhiên, cách đây khoảng hai năm, kiểu cắm cành đã được nâng tầm nhờ sự sáng tạo của một số chị em. Không phải đợi để được cắm những loại cành chỉ nở vào mùa xuân, mùa hè, có người đã khoe lên thành quả cắm cành hoa bạch đàn, rồi cành hồng, cam canh, na, ổi... khi vào thu. Thế rồi từ đó, người này học người kia, ra sức tìm tòi để khoe bình hoa phiên bản mới của mình.
Ảnh: Ha Pham, Anh Nguyen
Mọi loại cành, quả từ trên núi đến đồng bằng Việt Nam đều có thể cắm
Ở Việt Nam không thiếu những cây, quả ăn trái, nhưng thay vì chỉ hái trái thì nhờ thú chơi cắm cành này mà được chị em săn lùng tận gốc, nâng niu từng cành hoa, cành quả.
"Đến mùa hoa mận nở trắng, nhà vườn sẽ tỉa bớt các cành đi để cho cây phát triển tốt hơn. Trước thì tỉa xong cứ đánh đống ở vườn rồi chờ cho thành củi khô chứ chả biết làm gì. Nhưng có mấy chị em đến chụp ảnh lại đòi mua về để cắm, thế là năm nay chị làm thêm cả bán cành hoa mận, rồi nếu ai thích thì cành mận, cành hồng cũng có thể bọc chặt vào để mang về nhà cắm. Có các khách quen giữ liên lạc cả năm để chờ mua cành mận, cành hồng. Có khi còn nhờ chị săn cho các cành quả khác ở trên núi", chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (chủ nhân một vườn mận ở Mộc Châu) cho hay.
Một chị em chia sẻ trên mạng xã hội các cành cam canh, chanh đào, hồng mọng và cherry rừng. Ảnh: Anh Nguyen
Trong khi ấy, anh Nam Anh (Hà Nội) chia sẻ rằng, từ ngày vợ anh bắt đầu chơi cắm cành, đi đến đâu cũng ngó nghiêng các loại cây quả, từ về vườn nhà ông bà đến lúc đi du lịch các tỉnh thành. "Dần dần thành quen, kể cả không có vợ đi cùng thì anh và các con cứ thấy cành gì là hỏi vợ có muốn lấy về cắm hay không, có khi là táo mèo, cà pháo, rồi cam canh, ổi, na, chanh... không quả gì là không thể mang về. Đến ông bà ở quê bây giờ cứ có cành gì lại hỏi có muốn gửi lên cho không", anh nói.
"Nếu như không phải là các loài cây quý hiếm, vào diện bảo tồn hay không được phép hái thì cũng hay mà. Trước kia có một bình hoa khiến ngôi nhà trở lên rực rỡ hơn, còn có cành sai trĩu quả thì mang tới cảm giác sum vầy, ấm cúng. Và thích nhất là nhận được sự quan tâm của các thành viên trong gia đình. Sau khi quả chín thì có khi hạ xuống ăn luôn được", anh Nam Anh nói thêm.
Cành táo mèo, cà pháo, na. Ảnh: Nguyễn Thị Định, Ha Pham, Lụ Lụ.
Phải chăng, cũng bởi có thú chơi cắm cành quả mà những chuyến du lịch miệt vườn ngày càng được các gia đình ưu tiên hơn? Khi cả bố mẹ, con cái đều đến để thăm thú, trải nghiệm hái cành, hái trái đem về.
Hơn thế nữa, chi phí để có được những cành quả này không quá cao. Đôi khi chỉ là tiếc cước xe, xăng xe vận chuyển khi xin ông bà cành quả từ quê mang lên thành phố. Hay chỉ với khoảng 200.000đ - 300.000đ là đã có được những cành cam, cành thị, cành hồng, cành na trĩu quả, đúng mùa chín, đem về chia ra cắm được 1- 2 bình to trong nhà. Còn với các loại như cành mận, đào, cà phê... thì giá sẽ nhỉnh hơn đôi chút bởi thêm công phải vận chuyển từ xa về thành phố.
Cảm giác khác biệt hoàn toàn so với cắm hoa
Theo đuổi bộ môn cắm hoa, chắc hẳn chị em nào cũng sở hữu một bộ sưu tập các loại bình với đủ chất liệu, hình dáng, họa tiết và màu sắc. Mỗi khi mua được bó hoa nào là lại đau đầu chọn lựa xem nên dùng bình nào thì phù hợp, cắm thế nào cho đẹp? Cắm cành quả thực ra cũng vậy, nhưng nghe hướng dẫn của nhiều chị em thì có vẻ các công đoạn đơn giản hơn.
Thường thì công đoạn tốn nhiều công sức nhất sẽ là tỉa lá. Vì mua nguyên cành nên lúc nào người bán cũng quấn chặt cả lá và quả. Nhiều người tiếc lá nên vặt rất ít, vài ngày lá úa tàn sẽ rụng lả tả, lại tốn thêm công dọn dẹp. Do đó, với chị em đã có kinh nghiệm thì luôn khuyên mọi người rằng hãy cứ mạnh dạn tỉa thật nhiều lá đí, bởi vì mình cắm cành quả mà, chỉ nên để lại một vài chiếc lá duyên dáng. Ngoài ra, nên giữ lại những cành dáng cong đẹp, còn cành xấu thì tỉa bớt, để tập trung vào quả.
Cành cà phê. Ảnh: Thảo Linh
Theo dõi hầu hết các bài đăng, suốt 4 mùa, gần như chị em chỉ cần sử dụng duy nhất kiểu bình hoa có dáng chuông. Nếu như thường xuyên cắm cành to thì là loại cao chừng 38 cm - 40 cm, còn cành nhỏ thì bình nhỏ hơn. Đặc điểm của bình dáng chuông là có đáy to, bình nặng, thành cao, nên cho dù cắm cành to thì cũng không sợ bị lật đổ.
"Những ai theo đuổi cắm cành quả hình như đều có suy nghĩ đơn giản hơn rất nhiều. Như chính mình, nếu như lúc cắm hoa thông thường mình hết nghĩ về hoa, về bình, rồi mix làm sao để nhìn cho đẹp thì từ lúc biết cắm cành, các công đoạn chỉ là chọn cành, mua về, tỉa lá, cắm vào. Rồi sau đó là chờ ngày quả chín, quả rụng để thu hoạch. Mình cảm giác như trồng một cây đợi ngày hái trái vậy", chị Thanh Nhài (Hà Nội) nói.
Chờ đợi quả hồng chín. Ảnh: Anh Nguyen, Nguyễn Thị Định
Nhưng cũng có lúc gây ra tranh cãi nên chị em phải cân nhắc kỹ khi chơi
Tuy cắm cành đã trở thành một "trường phái" cắm bình của hội chị em, song, cho đến tận thời điểm này vẫn gây ra không ít tranh cãi. Đặc biệt với những ai hay chia sẻ các bình quả hơi độc - lạ một chút lên mạng xã hội.
Mỗi người có quan điểm khác nhau, vậy nên, cũng có ý kiến cho rằng việc theo đuổi cắm cành quả như vậy sẽ gây thiệt hại cho người trồng. Đôi khi không chỉ chơi các cành quả đã tới độ chín mà chị em còn chơi cả cành non, cành hiếm, gây mất mùa nếu như ai cũng theo như vậy.
Cách đây vài tháng thân cây bắp khô cũng đã rộ thành trend. Thay vì bán theo quả rồi cũng phải trồng cây mới, các nhà vườn bán theo thân phục vụ việc cắm hoa cũng được giá hơn.
Thế nhưng, với các cành quả chín thì hoàn toàn không có quá nhiều vấn đề. Bởi như chia sẻ của một vài chị em, sau khi cắm cành, cả gia đình cũng thu hoạch luôn quả để cùng nhau thưởng thức. Đây cũng coi như là đi trước công đoạn hái trái trên cành một bước. Đồng thời, theo chia sẻ của một số người kinh doanh cành cho biết, các nhà vườn khi đồng ý bán cành kèm quả thường chọn những cành thừa hoặc có khả năng gây ảnh hưởng tới thân cây mà sau mùa vụ hoặc theo thời gian họ cũng cần phải chặt bỏ để đảm bảo năng suất ra quả. "Không có nhà vườn nào dại để bán một cành vài chục nghìn mà mùa vụ sau không có gì để bán" - chị Ngọc Hân, chủ tiệm hoa tại TP.HCM cho biết.