Trộm vào nhà, chủ nhà phải làm gì để không...phạm tội?

(lamchame.vn) - Nhiều trường hợp trộm lẻn vào nhà khi bị phát hiện thì quay ra hành hung, thậm chí là đánh chết chủ nhà để tẩu thoát. Tuy nhiên cũng có trường hợp chủ nhà đánh kẻ trộm thì lại bị xử phạm tội. Vậy khi trộm vào nhà, chủ nhà phải làm gì để không phạm tội?

Mới đây, vụ việc người đàn ông bị khởi tố về hành vi giết người khi dùng kiếm chém trọng thương một thiếu niên lén vào nhà trộm cắp khiến nhiều người băn khoăn không biết phải bảo vệ tài sản, tính mạng của mình và phòng vệ như thế nào khi có trộm đột nhập nhà?

Theo quy định của pháp luật, mọi cá nhân đều có quyền bắt giữ kẻ trộm cắp tài sản (có thể là tội phạm). Vấn đề là khi dùng vũ lực để bắt giữ (kể cả trong trường hợp dùng công cụ, phương tiện) thì phải trong giới hạn là đủ để bắt giữ kẻ trộm thì mới hợp pháp (khoản 1 Điều 24 Bộ luật hình sự).



Trộm vào nhà, chủ nhà phải làm gì để không phạm tội?

Ngược lại, việc dùng vũ lực quá mức cần thiết như đã bắt giữ, khống chế được kẻ trộm mà còn tiếp tục đánh để hả cơn tức giận (tức gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết) thì chủ nhà phải chịu trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 24 Bộ luật hình sự).

Nếu kẻ trộm dùng vũ lực tấn công chủ nhà hoặc những người đuổi bắt thì họ được quyền phòng vệ và việc phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm (khoản 1 Điều 22 Bộ luật hình sự). nếu việc dùng vũ lực để chống trả quá mức cần thiết để loại trừ hành vi tấn công thì có thể bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và phải chịu trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 22 Bộ luật hình sự).

Luật sư Vũ Tiến Vinh cho hay, "theo điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015 chủ sở hữu tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái pháp luật. Trường hợp bị trộm đột nhập, gia chủ có quyền tấn công để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt hoặc hành vi tẩu thoát của kẻ trộm. Hành vi tấn công, ngăn chặn trong trường hợp này được coi là phòng vệ". 

Còn theo ông Vũ Phi Long, nguyên thẩm phán, Phó chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, trong trường hợp này cần xem xét tính tương quan giữa hành vi của chủ nhà với hành vi của kẻ trộm. “Nếu chủ nhà biết rõ kẻ trộm chỉ có một người, là thiếu niên, không có hung khí trong tay và cũng không có dấu hiệu uy hiếp gì đáng kể nhưng vẫn dùng hung khí tấn công gây thương tích thì hành vi của chủ nhà đã cấu thành tội phạm”

Trả lời cho câu hỏi trộm vào nhà, chủ nhà phải làm gì để không phạm tội thì pháp luật không cấm chủ nhà, người tham gia đuổi bắt kẻ trộm dùng vũ lực để bắt kẻ trộm cắp hoặc loại trừ hành vi tấn công của kẻ trộm.

Việc có sử dụng vũ lực để thực quyền (chứ không phải nghĩa vụ) bắt giữ người thực hiện hành vi phạm pháp, quyền phòng vệ chính đáng của mình hay không là mỗi cá nhân trong hoàn cảnh cụ thể phải tự quyết định phù hợp với ý chí và năng lực của mình.

Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU