Hiện nay nhân viên y tế (NVYT) ở nhiều bệnh viện, cơ sở y tế và cơ sở cách ly đang phải làm việc vất vả liên tục để lấy mẫu xét nghiệm cho rất nhiều người để tầm soát và chẩn đoán COVID-19.
Ở những tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều báo cáo cho thấy nhiều NVYT đang gặp khó khăn vì thiếu đồ bảo hộ, phải mặc đồ bảo hộ liên tục trong thời tiết nắng nóng dẫn đến mỏi mệt và kiệt sức do mất nước.
Bài viết ngắn dưới đây chia sẻ kinh nghiệm của NVYT tại Nhật Bản khi xử lý tình huống tương tự trong năm qua.
Khuyến cáo "Tam mật"
Đã gần 2 năm từ ngày bùng phát dịch COVID-19 toàn cầu. Từ đó đến nay, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra đường lây tiềm năng của mầm bệnh và kèm theo đó là các phương pháp phòng ngừa hợp lý tùy theo tình huống.
Một trong những phát hiện quan trọng mà nhiều người đã biết là virus SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm nhất khi tiếp xúc gần, tiếp xúc lâu và khi ở trong không gian kín. Ngược lại, khi ở nơi thoáng gió và chỉ tiếp xúc nhanh thì nguy cơ lây nhiễm là rất thấp.
Chính vì thế, ngoài chuyện mang khẩu trang và rửa tay đúng cách, khuyến cáo phòng ngừa COVID-19 ở Nhật Bản và nhiều nước khác chú trọng thông điệp tránh 3 điều kiện làm chật kín còn gọi tắt là "Tam Mật":
- Không ở trong "Không gian kín"
- Không "Tập trung đông người"
- Không "Tiếp xúc gần"
Nhiều chính phủ cũng đang cố gắng khởi động lại các hoạt động kinh tế một cách có kiểm soát, tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa Tam mật nói trên.
Ví dụ, nhà hàng có thể mở lại nếu ăn uống ngoài trời, ngồi xa nhau, mang khẩu trang khi nói chuyện và giữ yên lặng khi ăn. Đây là những giải pháp ứng phó COVID-19 theo mức độ nguy cơ của môi trường (Hình 1), rất cần thiết để không cách ly và cấm đoán quá mức, làm ảnh hưởng quá lớn tới sinh hoạt của người dân và gây hại quá mức về kinh tế.
Hình 1. Minh họa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao hay thấp khi ở các tình huống khác nhau. Nguy cơ sẽ thấp khi nơi thoáng gió, ít người. Nguy cơ sẽ cao hơn khi nói chuyện to tiếng hoặc gào thét ở không gian kín, và nhất là khi không mang khẩu trang trong thời gian dài.
Vậy chúng có giá trị gì trong việc phòng ngừa lây nhiễm?
Liên quan tới nguy cơ lây nhiễm khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 qua đường mũi-họng, chúng ta thấy NVYT hay mặc áo bảo hộ và quan tâm tới sự cần thiết của việc làm này.
Áo bảo hộ bịt kín toàn thân là công cụ quan trọng để bảo vệ da và/hoặc quần áo khỏi các loại lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh. Áo bảo hộ thường được NVYT mặc khi thực hiện các thủ thuật y tế hoặc khi chăm sóc bệnh nhân, dọn dẹp phòng bệnh nhân mà việc tiếp xúc với máu/dịch bài tiết từ cơ thể người bệnh là có thể xảy ra.
Trong các thủ thuật y tế có thể kích thích tạo aerosol và lây nhiễm SARS-CoV-2, người ta thường nói đến nội soi tiêu hóa, nội soi hô hấp, đặt nội khí quản hoặc khi lấy mẫu từ mũi-họng người bệnh vì nó có thể kích thích phản xạ ho.
Trong điều kiện thông thường tức có đủ/dư áo bảo hộ, các Tổ chức y tế đều khuyên rằng NVYT cần thay áo bảo hộ sau khi tiếp xúc mỗi người bệnh vì việc sử dụng áo bảo hộ quá lâu có thể làm tăng nguy cơ tự nhiễm bẩn bản thân mình và làm tăng nguy cơ lây truyền mầm bệnh khác nhau giữa các bệnh nhân.
Áo bảo hộ cần phải được loại bỏ nếu bị ướt, bẩn hoặc bị rách hỏng. Áo bảo hộ cũng cần được thay mới nếu có dính các chất dịch từ cơ thể bệnh nhân hoặc các chất có thể lây nhiễm khác. Sau khi mặc áo bảo hộ chăm sóc, tiếp xúc với người mang mầm bệnh COVID-19, NVYT phải cởi áo bảo hộ trước khi tiếp xúc với những người không mắc bệnh khác để không làm lây lan mầm bệnh. Việc cởi bỏ cũng cần tuân theo quy trình an toàn để tránh làm ô nhiễm môi trường.
Như vậy, chúng ta có thể thấy quy định của Việt Nam hiện nay yêu cầu NVYT tham gia chống dịch mặc áo bảo hộ là hợp lý trong điều kiện thông thường. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thiếu thốn quần áo bảo hộ và dưới thời tiết nắng nóng thì yêu cầu này có thể nên được xem xét thay đổi.
Đây là bài toán mà nhiều quốc gia, nhiều bệnh viện trên thế giới đã phải đối mặt vì khi đó người ta cần cân nhắc hiệu quả của đồ bảo hộ ở tình huống cụ thể so với nguy cơ mà nó mang lại khi dùng sai.
Ngoài những "tác dụng phụ" dẫn tới tăng nguy cơ lây nhiễm khi dùng sai nói trên, việc mặc áo bảo hộ liên tục suốt thời gian dài còn làm nhiều NVYT khó chịu, khó vệ sinh cá nhân, nhất là đối với phái nữ lúc "tới kỳ". Trong thời tiết nắng nóng nhiều nhân viên y tế đã bị kiệt sức, mỏi mệt và ngất xỉu vì mất nước.
Để giải quyết vấn đề này, một số NVYT tại Nhật Bản đã xem xét khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 khi lấy mẫu từ họng-mũi người dân khi tầm soát/chẩn đoán bằng xét nghiệm PCR và đề xuất phương án cải tiến cho NVYT đỡ khổ. Với nhận thức đúng đắn rằng việc ho và hắt xì là nguyên nhân gây lây nhiễm khi lấy mẫu, người ta đã đề ra "công thức" xử lý đơn giản:
Lấy mẫu ở không gian thoáng đãng VÀ giúp NVYT không trúng ho/hắt xì
Như minh họa trong hình 2, người cần làm xét nghiệm sẽ ngồi hoặc đứng ngoài không gian thoáng đãng, trong khi NVYT ngồi trong lồng kính hoặc được che chắn bằng plastic/nilon.
NVYT sẽ thò tay (đã mang găng và bao nilon che tới khuỷu tay) qua 2 lỗ được thiết kế vừa khít để lấy mẫu nhẹ nhàng không gây hắt xì. Ngay cả khi hắt xì, người cần xét nghiệm cũng sẽ cố gắng không hắt xì vào hướng có người, theo hướng dẫn từ trước.
Hình 2. Hình minh họa buồng che NVYT khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19
Một số bệnh viện tại Nhật còn thiết kế buồng che chỉ có 3 bên bọc plastic như Hình 3. Khi đó, NVYT có thể "núp" tạm thời trong buồng khi lấy mẫu với khẩu trang thường hoặc N95, kính chắn mắt, găng tay và bao nilon che tới khuỷu tay.
Nếu không có ai hắt xì thì NVYT có thể rời buồng ngay sau khi lấy mẫu. Nếu người tình nghi hắt xì thì NVYT có thể ở thêm trong buồng thêm vài chục giây để gió cuốn đi hết những hạt bắn đó. Nồng độ cực loãng của các hạt bắn đã được biết là không đủ gây lây nhiễm, nhất là khi NVYT đã che chắn mắt-mũi-miệng là cửa ngõ đi vào đường hô hấp của mình.
Hình 3. Buồng che chỉ có 3 bên di động được tại Nhật Bản.
Nhờ việc sử dụng các buồng che này mà NVYT tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm đã không còn phải phải mặc áo bảo hộ bọc kín toàn thân suốt ngày và giữ được hiệu suất công việc ở mức cao nhất có thể.
Trên thực tế, ở bệnh viện tôi tại Kyoto chưa có NVYT nào bị nhiễm COVID-19 do quy trình lấy mẫu này. Vì cải tiến này cũng đã và đang được tiến hành tại nhiều nước Đông Nam Á, xin chia sẻ cách làm này với các đồng nghiệp tại Việt Nam để giảm bớt số người phải mặc đồ kín mít, mồ hôi nhễ nhại chờ lấy mẫu dưới cái nóng 38-40 độ sắp tới.
Cũng giống như tướng lĩnh ngày xưa ra trận cố mặc áo giáp dày nhưng lại thua trận vì nặng và nóng, việc chọn công cụ phòng ngừa cần cân nhắc hiệu quả che chắn và tác dụng phụ thực tế đối với nguy cơ đang xảy ra.
Hi vọng bài viết này cung cấp thêm góc nhìn giúp quý bạn đọc và các đồng nghiệp tìm ra chiến lược chống COVID-19 hiệu quả, an toàn và dễ làm, phù hợp với tình hình tại Việt Nam.
TS. BS Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Kyoto Miniren, Đại học Kyoto (Trưởng Dự án Y học cộng đồng)
Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.
Website https://yhoccongdong.com/ tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.
Tài liệu tham khảo
https://www.bbc.com/news/health-54251632
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/hcp/ppe-strategy/isolation-gowns.html
https://yhoccongdong.com/thongtin/hoat-dong-nao-co-nguy-co-nhiem-covid-19-cao-nhat-day-la-khuyen-cao-tu-hiep-hoi-y-khoa-texas/
https://corona.go.jp/vi/
https://www.ft.com/content/2418ff87-1d41-41b5-b638-38f5164a2e94
https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/338033/WHO-2019-nCoV-IPC_PPE_use-2020.4-eng.pdf?sequence=1&isAllowed=y
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/tsbs-pham-nguyen-quy-khuyen-cao-tam-mat-va-y-tuong-doc-dao-cua-nhat-giup-nhan-vien-y-te-lay-mau-khong-kiet-suc-khi-troi-do-lua-161210206112125648.htm
Theo ttvn.vn