Những ngày qua, câu chuyện tranh chấp pháp lý giữa vợ chồng chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo là tâm điểm chú ý của dư luận. Trong đó sức khoẻ của “vua cà phê Việt” được nhiều người quan tâm, nhất là sau tiết lộ của bà Thảo về 49 ngày ông Vũ ngồi thiền nhịn ăn trên đỉnh M’drăk (Đắk Lắk).
Thực tế, ông Vũ đã cùng một nhóm ngồi thiền trên M’drăk từ cuối 2013, thực phẩm duy nhất của cuộc “trường chinh” này chỉ là món nước mè đen.
Ông chủ cafe Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ
Về góc độ sức khoẻ, TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam nhìn nhận: “Câu chuyện trên với một người bình thường là hoang đường. 49 ngày nếu vẫn ngồi thiền và chỉ uống nước mè đen, cơ thể sẽ mất ít nhất 20kg thể trọng, kèm theo đó là rối loạn điện giải, rối loạn chất. Vì thế ngày xưa, tuyệt thực dù uống nước cũng chỉ được 1 tuần”.
TS Từ Ngữ phân tích, nếu ngoài uống nước mè đen mà sử dụng thêm các thực phẩm khác thì đó là câu chuyện khác, còn nếu nhịn ăn hoàn toàn và chỉ uống nước mè đen trong suốt 49 ngày là phản khoa học với 3 lý do:
Thứ nhất, người cần có năng lượng, các chất dinh dưỡng để hoạt động. Khi nhịn ăn, chỉ uống nước và mè đen thì cung cấp rất ít chất dinh dưỡng, chỉ khoảng 20 kcal/ngày. Trong khi nhu cầu chuyển hoá tối thiếu 1 ngày (chỉ nằm thở) cũng ở mức 1.200 – 1.400 kcal.
“Nếu lại ngồi để thiền nữa thì sao đủ năng lượng cho cơ thể. Nếu không đủ, cơ thể phải lấy mỡ, lấy thịt ra đốt thành năng lượng nên sẽ sụt cân rất nhanh. Nếu chỉ ngồi vận khí mà không hoạt động, cơ bắp cũng teo dần đi”, TS Từ Ngữ giải thích.
Thứ hai, ngoài năng lượng, cơ thể còn cần vitamin và khoáng chất để phục vụ các chức năng hoạt động. Đơn cử nếu thiếu kali, tim có thể đập nhanh, huyết áp tăng, hoa mắt chóng mặt...
Nếu thiếu vitamin và khoáng chất lâu dài, chức năng của cơ thể sẽ kém dần, sau khi ngừng liệu trình, cơ thể có hồi phục hay không được hay không chưa rõ.
Thứ ba, bộ não cần có năng lượng, cần đường, nếu không có đường, cả chu trình chuyển hoá từ mỡ, từ protein tạo ra đường sẽ tạo thành vòng luẩn quẩn. Nếu thiếu đường, não sẽ bị thiếu oxy, năng lượng, ảnh hưởng đến thần kinh.
“Thực vật không cần ‘ăn’ cũng có thể biến các chất vô cơ thành hữu cơ, còn con người không có khả năng này nên phải ăn. Do đó xét trên khía cạnh khoa học, việc nhịn ăn là hoang đường. Tuy nhiên, về mặt cá thể, có thể có những trường hợp khác thường”, TS Từ Ngữ thông tin.
Theo Làm Cha Mẹ