TS Lê Thẩm Dương: Chủ động sợ vợ là có EQ cao

Theo TS Lê Thẩm Dương, "chủ động sợ vợ" - luôn thừa nhận vợ đúng - nghe rất dễ mà quá khó thực hiện, nếu làm được chắc chắn sẽ duy trì hạnh phúc gia đình.

Cuốn Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Người truyền cảm hứng do báo Sinh viên Việt Nam - Hoa Học Trò phát hành từ ngày 1/6. Sách tập hợp những bài phỏng vấn TS Lê Thẩm Dương của nhà báo Nguyễn Tuấn Anh về nhiều chủ đề khác nhau, cùng những bài viết của bạn đọc - những người được TS Lê Thẩm Dương truyền cảm hứng.

Được sự đồng ý của tác giả sách, đơn vị phát hành, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. Phần trích đăng đưới đây là cuộc trò chuyện giữa nhà báo Nguyễn Tuấn Anh và TS Lê Thẩm Dương.

"Chồng chủ động sợ vợ", "vợ chủ động sợ chồng" là may mắn, hạnh phúc lắm

- Thưa TS Lê Thẩm Dương, sau người phụ nữ đã sinh ra ông thì còn người phụ nữ nào có ý nghĩa quan trọng với cuộc đời ông nữa không?

- Câu hỏi hay quá! Quả là nói về ngày Quốc tế Phụ nữ, nói về phụ nữ và nhất là nói về những người phụ nữ có ý nghĩa quan trọng với cuộc đời một người đàn ông thì nhiều người nói lắm. Nhưng theo quan sát của tôi, đa phần đều nói xã giao, có người lại nói quá lên, cao siêu lên.

Tôi thì nghĩ về ngày này, về người phụ nữ nói chung và về những người phụ nữ của tôi nói riêng đơn giản và bình dị thôi.

Sách Người truyền cảm hứng ra đúng dịp sinh nhật TS Lê Thẩm Dương, 1/6.

Tôi luôn biết ơn mẹ tôi, người sinh thành ra tôi. Tôi đã, đang và sẽ biến lòng biết ơn ấy thành hành vi. Nhưng phải thành thật là, người phụ nữ ảnh hưởng đến tôi toàn diện, trên mọi mặt, bao gồm cả ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của tôi lại là người phụ nữ tôi luôn xếp sau bà, là vợ tôi.

Tôi hay nói đùa có hai người phụ nữ ảnh hưởng lớn nhất đến đời tôi, đầu tiên là mẹ tôi, sau đó là vợ tôi. Người phụ nữ đầu tiên sinh ra tôi, người phụ nữ thứ hai dạy dỗ tôi, từ “dạy dỗ” này để trong ngoặc kép hay bỏ ngoặc ra cũng đều đúng hết. Sẽ có lúc tôi kể cho các bạn nghe cô ấy dạy dỗ tôi như nào, cô ấy dạy dỗ tôi bằng nhiều cách, qua nhiều thứ, có cả hành vi phi ngôn ngữ nữa.

Có khi cô ấy góp ý kiến với tôi, có khi cô ấy dạy tôi bằng sự nhẫn nại của mình, cô ấy đánh thức lương tâm tôi. Đấy, các bạn thấy vĩ đại chưa, không thể nói xã giao về họ được, lại càng không thể đem những lời lẽ hoa mỹ, đao to búa lớn mà rỗng tuếch vào đây được.

- Trong các bài giảng của mình, ông hay nhắc đến khái niệm “chủ động sợ vợ” và được nhiều học viên rất thích. Ông có thể nói kỹ hơn về khái niệm này được không? 

“Chủ động sợ vợ” liên quan đến chỉ số thông minh của tim, là EQ. Thường thì những người học vấn cao, EQ lại kém, trong khi nhiều người học không cao, cứ sống bản năng lại có chỉ số thông minh tim cực cao.

Thông minh ở tim gồm 7 yếu tố, nhưng có một yếu tố rất quan trọng tôi muốn nói hôm nay, đó là phải làm hài hòa hai cái tôi của hai người chung sống với nhau, nó liên quan trực tiếp đến thế giới quan, đến vấn đề thuộc về bản chất của sự vật, hệ giá trị cá nhân (vì người ta không thể tồn tại được nếu mất cái tôi). 

Trước khi nói với nhau câu chuyện về những người đàn ông “chủ động sợ vợ”, tôi muốn nói điều này, mình là đàn ông, thiên tính của mình là nghĩ lớn, làm lớn. Còn phụ nữ, họ có thiên tính của họ. Và còn điều này nữa, mình thấy mình đúng, lấy cái mình làm được, muốn làm ra làm chuẩn. Phụ nữ cũng thấy họ đúng, lấy cái họ làm được, muốn làm ra làm chuẩn, thế là vỡ trận. 

Bản chất của “chủ động sợ vợ” là gì, là chủ động thừa nhận vợ đúng, nghe đơn giản vậy thôi nhưng làm khó lắm đấy. Chủ động thừa nhận vợ đúng nói riêng, chủ động thừa nhận người khác đúng nói chung, hiếm anh làm được lắm.

Thứ nhất, phải biết tôn trọng hệ giá trị cá nhân của vợ mới chủ động thừa nhận vợ đúng được, có những cái không đúng với mình nhưng lại đúng với người ta. Thứ hai, nhiều khi vợ nói đúng, làm đúng thật, trong đầu rõ ràng thấy nó đúng mà không thừa nhận, vì cái chất phong kiến trong mình vẫn còn.

Thứ ba, anh nào không có chất đàn ông là không chủ động thừa nhận vợ đúng được đâu, cuộc sống vợ chồng nhiều khi vợ sai, mình thấy sai, đem một vài chuẩn mực xã hội soi chiếu vào cũng thấy sai, nhưng mình là đàn ông, nhường đi đã sao nào, không cháy nhà, chết người thì cứ nhường đi.

Đấy, cứ chủ động thừa nhận vợ đúng trong ba trường hợp này đi, hạnh phúc gia đình đã có thì cứ thế duy trì, chưa có thì sẽ tới, có đáng không nào? Bản chất của “chủ động sợ vợ” là thế đấy. 

Làm vợ của những người đàn ông luôn biết “chủ động sợ vợ” nhiều khi cũng khó xử lắm. Có những bà vợ biết mình sai mười mươi rồi, thế mà chồng lại chủ động sợ, chạy ra nói xin lỗi thì xấu hổ, thế là cuối cùng xin lỗi bằng hành vi phi ngôn ngữ thôi, dễ thương lắm.

Các học viên họ thích khái niệm “chủ động sợ vợ” của tôi là vì hình như ai cũng lờ mờ (có người hiểu tường tận) biết. Hiểu nó rồi, khi tôi nêu ra, họ thấy nó trúng với lòng mình, cuộc sống hằng ngày đã giúp họ chiêm nghiệm ra nó rồi. 

“Chủ động sợ vợ” tốt chứ, và nhiều phụ nữ hiện đại họ cũng chơi bài chủ động sợ rồi, “chủ động sợ chồng”, cũng hiệu quả, hay không kém gì “chủ động sợ vợ” đâu. Họ nhả chữ tôi của mình ra cho ông chồng, có mất mát gì to lớn đâu?

Gia đình nào mà chồng biết “chủ động sợ vợ”, vợ biết “chủ động sợ chồng” thì đúng là “mả táng hàm rồng” (may mắn, điều lành lớn), hạnh phúc lắm, đáng mơ ước lắm. 

TS Lê Thẩm Dương là một giảng viên, diễn giả được yêu thích.

Phụ nữ là phải đẹp, phải tươi

- Cô con gái có ý nghĩa như nào với ông? 

- Đến tuổi tôi, con cái nói chung là tài sản lớn nhất, chứ không phải giàu có, hay chức vụ. Chúng đúng là món quà trời cho, nhờ chúng mà mình mới hiểu thế nào là chữ hiếu, mới hiểu phải làm như nào với chữ hiếu này.

Quay trở lại vấn đề chúng ta đang nói, con gái với tôi có ý nghĩa lớn hơn một chút, tôi dành nhiều hơn cho nó hơn. Tôi nghĩ một phần là vì tôi bị ảnh hưởng từ suy nghĩ đến đặc điểm giới tính (là con gái sức nó làm sao bền, mạnh bằng con trai được), đặc điểm xã hội (nhiều định kiến, đòi hỏi với con gái khắt khe hơn con trai), nhiều khi nghĩ thế mà tôi ưu ái nó hơn.

Còn một điểm nữa, tôi nói ra thì con trai tôi lại tị với chị nó đấy. Nhưng quả thực là tôi và con gái chia sẻ với nhau được nhiều điều, có lẽ vì não của người phụ nữ nói chung diễn giải tốt hơn đàn ông. Với con gái, tôi trao nhiều hơn nhưng nhận cũng nhiều hơn. 

- Ông muốn con gái mình cần phải có hành trang gì trong cuộc sống? 

- Tôi luôn cùng con khi còn nhỏ, sau này thì nhắc nhở con học hỏi, thực hành những gì mà một cô gái hiện đại cần phải có. Thứ nhất, tôi nghĩ không thể bỏ thiên tính của mình được. Bình đẳng nam nữ mà quan niệm là dấu bằng trong đẳng thức là trật lất, không thể để đàn ông chui vào bếp còn phụ nữ đi bổ củi được.

Điều gì cần khéo léo, mềm mại, bền bỉ, không cần sức vóc, cơ bắp thì con gái tôi phải làm, đó là sứ mệnh của con trong gia đình. Nhiều lúc đi làm về mệt, hay ốm đau, anh chồng xông vào làm hết những việc đấy, nhưng không được vì thế mà mặc nhiên coi đó không còn là việc của mình nữa.

Việc anh chồng xông vào làm những việc này cũng giống như khi anh ấy không có nhà mà cần phải có củi để nấu cơm, con vẫn phải đi chẻ củi mà nấu chứ, nhưng hãy nhớ, chẻ củi là thiên tính của đàn ông, nấu cơm là thiên tính của phụ nữ, cứ thế mà làm. 

Thứ hai, phụ nữ hiện đại là phải giành quyền công tố của mình. Có lần sinh nhật con gái, tôi bảo “Năm nay bố sẽ tặng con sợi dây thừng”, nó ngạc nhiên lắm “Ủa, để làm gì hả bố?”. Tôi nói với nó là đôi khi con phải “xỏ vào mũi” đối tác dắt nó đi.

Có những lúc con cần phải quyết đoán, mạnh mẽ, nhất là khi con đang ngồi trên một con tàu đang đi có dấu hiệu chệch hướng mà con biết hướng nào mới là đúng, phải mạnh dạn điều khiển nó. 

Thứ ba, thiên chức làm mẹ là con phải hoàn thành. Nhân cách của đứa con, dù là trai hay gái, đều bị ảnh hưởng từ người mẹ nhiều lắm, tôi chiếu từ mẹ tôi ra thôi. Nên con tôi phải chọn một cách sống để có được những đứa con có nhân cách tốt. 

Cuối cùng, chị ấy là con gái thì phải quan tâm đến bản thân mình, tức là làm sao lúc nào cũng phải vui và tươi. Con gái là bông hoa mà, hoa thì phải tươi chứ, phải chăm chút cho bản thân tươi lên chứ, không thể nào mải miết hy sinh cho chồng con, không lo được cho mình cái gì.

Con gái cứ phải đẹp, phải tươi, đó là quyền con người nói chung, quyền của người phụ nữ nói riêng. 

Trích sách "Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Người truyền cảm hứng"

Theo news.zing.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU