Từ bài thuốc 3.000 năm hiệu quả 90% của TQ: Bài học dùng y học cổ truyền điều trị Covid-19 tại Việt Nam

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan tràn xin giới thiệu bài viết của TS.BS Đoàn Văn Minh về kinh nghiệm sử dụng y học cổ truyền trong phòng chữa các bệnh "ôn dịch" của Trung Quốc và Việt Nam.

 

Lời giới thiệu: Trong giai đoạn đầu của dịch Covid -19, ngành y tế Trung Quốc đã dùng một bài thuốc y học cổ truyền được cho là đã tồn tại từ 3.000 năm, kết hợp với các phương pháp Tây y hiện đại để điều trị cho 701 bệnh nhân tại tỉnh Hồ Bắc. Phân tích dữ liệu về 214 trường hợp cho thấy hơn 90% bệnh nhân có hiệu quả, trong đó hơn 60% bệnh nhân có biểu hiện cải thiện bệnh trạng tương đối rõ rệt và hơn 30% bệnh nhân bệnh trạng ổn định, không nặng thêm.

Ngày 06/02, bài thuốc này đã được khuyến nghị cho các tổ chức y tế trên toàn Trung Quốc.

Bài thuốc kể trên có tên Thanh phế bài độc thang, sắc từ nhiều vị thuốc. Các chuyên gia y tế Trung Quốc đánh giá bài thuốc Thanh phế bài độc thang là sự kết hợp tổng hợp tối ưu của các đơn thuốc cổ truyền, điều trị sốt cảm ngoại sinh do các tác nhân ngoại cảnh gây ra.

Ông Zhang Boli, Chủ tịch Đại học Y học Cổ truyền Thiên Tân nói: "Tây y cung cấp các biện pháp hỗ trợ cuộc sống quan trọng như hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, trong khi y học cổ truyền tập trung vào cải thiện tình trạng thể chất và chức năng miễn dịch của bệnh nhân. Chúng bổ sung cho nhau".

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan tràn toàn thế giới, xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS.BS Đoàn Văn Minh, Trưởng khoa Y học cổ truyền Đại học Y dược, Đại học Huế về một số kinh nghiệm sử dụng y học cổ truyền trong phòng chữa các bệnh "ôn dịch" của Trung Quốc và Việt Nam.

 

TS.BS Đoàn Văn Minh, Trưởng khoa Y học cổ truyền Đại học Y dược, Đại học Huế

Hiện nay chưa có loại thuốc cụ thể nào để điều trị đặc hiệu với bệnh coronavirus 2019 (Covid-19). Tuy nhiên, một số kết quả thực hành lâm sàng cho thấy y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong điều trị Covid-19, mang lại hy vọng mới cho việc phòng ngừa và kiểm soát Covid-19.

Tại Trung Quốc, trong vụ đại dịch này, y học cổ truyền đã sớm được đưa vào để kết hợp với y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị dịch bệnh Covid-19. Các phương pháp điều trị bằng thuốc thảo dược, châm cứu, và các liệu pháp đặc trưng khác như luyện tập dưỡng sinh, tâm lý trị liệu… được khuyến cáo sử dụng toàn diện dựa trên nguyên tắc biện chứng luận trị của y học cổ truyền (tức điều trị dựa trên sự khác biệt các hội chứng ở từng bệnh nhân cụ thể).

Với sự phối hợp chặt chẽ của hai nguồn lực, kết quả ban đầu cho thấy đã cải thiện tỉ lệ chữa khỏi bệnh và giảm thiểu bệnh tật, tử vong.

"Ôn bệnh học" trong y học cổ truyền

Y học cổ truyền có lịch sử lâu dài và đóng vai trò không thể thiếu trong phòng ngừa và điều trị một số bệnh dịch. Trrong quá trình đó, các y gia đã tổng kết các quy luật của các bệnh lý này thành hệ thống lý thuyết các bệnh lý truyền nhiễm của YHCT gọi là Ôn bệnh học. Theo đó, dịch bệnh Covid 19 thuộc phạm trù "dịch bệnh", "ôn dịch" của y học cổ truyền, là một loại bệnh ngoại cảm có tính truyền nhiễm, lây lan mạnh trong cộng đồng.

Nguyên nhân chủ yếu do cảm thụ các yếu tố "dịch lệ", thường xuất hiện theo mùa (thời hành dịch độc), vào cuối đông đầu xuân. Ngoài ra, thời tiết bất thường cũng là điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh. Theo nguyên lý YHCT, cùng với các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh, cho thấy vị trí gây bệnh của Covid-19 là ở tạng "Phế, Tỳ"(hô hấp, tiêu hoá), thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh là "thấp độc" (các yếu tố dịch bệnh trong môi trường ẩm thấp).

Về nguyên tắc điều trị, mỗi giai đoạn khác nhau của bệnh sẽ có mỗi pháp điều trị khác nhau, bao gồm:

1. Giải biểu tán tà (lúc tà khí vừa xâm nhập bên ngoài, giai đoạn sớm).

2. Thanh nhiệt, tuyên thông phế khí (giai đoạn toàn phát).

Điều trị các triệu chứng kèm tuỳ theo thể trạng của bệnh nhân (các triệu chứng hoặc bệnh lý kèm theo về tiêu hoá, hô hấp, cơ thể hư nhược… như: ăn uống khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, ho, nhiều đàm, ứ dịch ở phổi, suy nhược cơ thể do thiếu dưỡng chất…)

Các bài thuốc nào được chuyên gia y học cổ truyền Trung Quốc dùng trong mùa dịch Covid-19?

Các chuyên gia y học cổ truyền Trung Quốc đã dựa trên tất cả các triệu chứng của bệnh nhân viêm phổi Covid-19 để sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền được cho là có hiệu quả, chẳng hạn bài thuốc Thanh phế bài độc thang, Cam thảo can khương thang, Xạ can ma hoàng thang, Thanh phế thấu tà giải độc...

Thang thuốc đông y được sắc để dùng cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại bệnh viện Đại học Y học cổ truyền Giang Tây ở Nam Xương, Trung Quốc.

Trong đó bài thuốc Thanh phế bài độc (với 21 vị thuốc: Ma hoàng, chích cam thảo, hạnh nhân, sinh thạch cao, quế chi, trạch tả, trư linh, bạch truật, phục linh, sài hồ, hoàng cầm, khương bán hạ, sinh khương, tử uyển, đông hoa, xạ can, tế tân, sơn dược, chỉ thực, trần bì, hoắc hương) đã được khuyến cáo như là một đơn thuốc chung trong kế hoạch điều trị Covid-19 tại Trung Quốc.

Một bệnh nhân được điều trị ngâm chân trong xô thuốc sắc trong khu cách ly, ngày 18/2/2020. (Tân Hoa xã / Hu Chenhuan)

Thống kê ban đầu cho thấy, trong số 701 trường hợp được xác nhận điều trị bằng bài thuốc Thanh phế bài độc như sau:

-130 trường hợp đã được chữa khỏi các triệu chứng bệnh và xuất viện.

-51 trường hợp không còn các triệu chứng lâm sàng của bệnh.

-268 trường hợp triệu chứng được cải thiện.

-212 trường hợp triệu chứng ổn định mà không làm nặng thêm.

Tỷ lệ chữa khỏi hiệu quả của thanh phế bài độc đối với Covid-19 là hơn 90%.

Một bệnh nhân được điều trị châm cứu (Tân Hoa xã / Hu Chenhuan)

Phân tích tác dụng bài thuốc Thanh phế bài độc cho thấy có tác dụng điều chỉnh toàn thể với đa thành phần và đa mục tiêu. Vị trí tác dụng chính của bài thuốc là ở phế (chủ về hô hấp), vì trong bài thuốc có tới 16 loại thảo dược quy về kinh phế, cho thấy bài thuốc có tác dụng điều trị đặc hiệu cho các bệnh lý về hô hấp.

Ngoài ra, bài thuốc còn có tác dụng điều tiết tỳ vị để tăng cường khả năng loại trừ các ứ đọng, ứ dịch của cơ thể cũng như ngăn chặn các yếu tố ẩm thấp từ bên ngoài (thẩm thấp) đồng thời còn có tác dụng bảo vệ cho tâm (tim), thận và các tạng phủ khác.

Xét về cơ tác dụng của theo y học hiện đại, các nghiên cứu đã chứng minh bài thuốc có thể ức chế sự sao chép của virus SARS-CoV-2 bằng cách tác động lên nhiều protein ribosome; ức chế và làm giảm phản ứng miễn dịch quá mức và loại bỏ phản ứng viêm, bằng các tác động có liên quan đến con đường điều hoà miễn dịch và con đường hoạt hoá cytokine.

Một nhân viên y tế khuyến khích bệnh nhân trong khu cách ly (Tân Hoa xã / Hu Chenhuan)

Ở Việt Nam thì sao?

Y học cổ truyền Việt Nam phần lớn dựa trên các học thuyết và lý luận cơ bản của y học cổ truyền phương Đông, đó là học thuyết âm dương ngũ hành, tạng phủ, kinh mạch; các lý luận cơ bản về thiên nhân hợp nhất (sự hoà hợp giữa con người với vũ trụ), cơ năng sinh lý, tạng phủ, khí huyết và đường hướng dưỡng sinh chú trọng giữ gìn tinh-khí-thần để nâng cao sức khoẻ và tuổi thọ.

Nhân viên y tế áp dụng phương pháp điều trị nhiệt (đốt cứu) cho bệnh nhân trong khu cách ly (Tân Hoa xã / Hu Chenhuan)

Ngoài ra, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phong tục tập quán cùng với sự đa dạng của các loài thực vật, nền y học cổ truyền Việt Nam có bản sắc riêng, trong đó truyền thống chữa bệnh bằng thuốc Nam theo phương châm "Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt" đã để lại tập quán sâu sắc trong đời sống người Việt.

Chúng ta thường trồng một số cây ở vườn, đền chùa vừa làm cảnh, vừa làm thuốc. Còn ở gia đình, mọi người ít nhiều đều biết dùng một số cây gia vị, rau quả hay các vị thuốc thường có quanh mình, cùng các phép xông hơ, chườm nóng, xoa bóp, thực dưỡng… để phòng bệnh và chữa một số bệnh ban đầu, khi mới xảy ra. Các vị thuốc và phép chữa này áp dụng trong các loại bệnh ngoại cảm, ôn dịch và một số bệnh lý nội khoa khác (nội thương tạp bệnh) rất thuận lợi và hiệu quả.

Một số nghiên cứu cho thấy phần lớn các vị thuốc Nam dùng xông có tác dụng kháng sinh với một số loại vi trùng đường ruột và đường hô hấp, như các vị: hương nhu, lá lốt, tía tô, kinh giới, lá chanh, lá bưởi, lá sả, lá quế, lá gừng, lá long não, rau tần dày lá… Cho nên trong bệnh viêm phổi, trong giai đoạn sớm, dùng nồi xông kết hợp với thuốc thanh nhiệt, giải độc (uống) thường đem lại kết quả tốt.

Đặc biệt trong mùa lây lan bệnh cúm, nếu uống thuốc dự phòng thông thường có thể khiến tỷ lệ mắc bệnh giảm xuống. Cụ thể như mùa đông dùng Quán chúng, Tử tô, Kinh giới. Mùa hè dùng Hương nhu, Bội lan, Bạc hà. Lúc tà đang mạnh, lây lan nhanh thì nên dùng Bản lam căn, Đại thanh diệp, Cúc hoa, Kim ngân hoa. Ngoài ra, thói quen sử dụng các thực phẩm, gia vị hàng ngày như hành, tỏi, giấm cũng có tác dụng dự phòng tốt.

Tóm lại, trong phòng ngừa các bệnh lý ngoại cảm, ôn dịch, trong đó có Covid-19, cần phát huy đầy đủ các ưu điểm của y học cổ truyền nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giảm tỷ lệ mắc bệnh. Trong kiểm soát và điều trị Covid-19, phối hợp can thiệp sớm bằng y học cổ truyền là một trong những phương pháp quan trọng nhằm cải thiện tỷ lệ chữa khỏi bệnh, rút ​​ngắn quá trình bệnh, trì hoãn tiến triển bệnh và giảm tỷ lệ tử vong.

Chúng ta rất cần thêm những nghiên cứu sâu hơn về tác dụng của thuốc y học cổ truyền, đặc biệt là thuốc Nam để đánh giá rõ ràng hơn cơ chế tác dụng lên virus SARS-Covid-19.

Cuối cùng, xin đặc biệt lưu ý: người dân không được lạm dụng hay tùy tiện tự ý sử dụng thuốc Nam, thuốc Bắc, bài thuốc dân gian... Khi có bệnh, nhất thiết phải đến các cơ sở y tế được cấp phép, có uy tín, để được thầy thuốc thăm khám và dùng thuốc đúng bệnh (đúng thầy - đúng thuốc).

Link bài gốc

 

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU