Từ chỗ "em nặng lắm, chắc em chết", F0 vượt qua Covid-19 và kể chuyện xúc động về sự chăm sóc tận tình của bác sĩ

Ngô Hoàng Yến – sinh năm 1996, ấp 4, Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM, vẫn nhớ như in hình ảnh nữ bác sĩ trung niên vừa lau nước mắt cho cô vừa nắm tay dặn: "Con ơi cố lên".

'Chưa ai chăm sóc em như bác sĩ'

Yến đang làm công nhân ở Bình Chánh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bị tai nạn lao động nên dù có dịch bệnh, Yến vẫn cố gắng đi làm kiếm tiền trang trải cho gia đình 4 đứa con nhỏ của mình. Yến không cho phép mình nghỉ 1 ngày.

Khoảng hơn 20 ngày trước, Yến đi làm về dầm mưa nên thấy mệt, khó thở. Hai vợ chồng Yến vào bệnh viện huyện Bình Chánh làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm Yến dương tính với SARS-CoV-2, chồng Yến âm tính nên được về.

Yến ở lại Bệnh viện huyện Bình Chánh, 3 ngày sau đó được chuyển lên bệnh viện thu dung số 6. Những ngày đầu, Yến khoẻ mạnh không có triệu chứng gì. Ban đầu tâm trạng Yến cũng lo lắng, mệt mỏi vì nghĩ tới mình bị bệnh, ai sẽ chăm lo cho 4 đứa nhỏ ở nhà. Con cái gửi mỗi người nuôi giùm một đứa.

Những ngày ở bệnh viện dã chiến Thu dung số 6, Yến cố gắng tự mình suy nghĩ tích cực để mong khoẻ mạnh ra viện. Nhưng đến ngày thứ 7 từ khi xét nghiệm dương tính với Covid-19, Yến bắt đầu có triệu chứng khó thở, tiểu ra máu, tiêu chảy ra máu, người mệt không nhấc nổi. Yến báo bác sĩ về tình trạng của mình. Thấy tình trạng của Yến nặng, da tím tái nên các bác sĩ nhanh chóng chuyển Yến vào Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở Thủ Đức.

Khi xe cứu thương đưa tới bệnh viện tuyến trên, tâm trạng của Yến sợ hãi. Cô sợ mình sẽ không vượt qua được, sợ con nhỏ bơ vơ. Nhưng khi xuống xe, cảm xúc của Yến như trấn tĩnh lại khi thấy các nhân viên y tế đón cô từ dưới lầu rồi đưa lên tầng 2. Yến phải thở oxy.

Nước mắt cô cứ lăn dài trên má vì nghĩ về gia đình nhỏ của mình. Yến kể rằng "em nghĩ em nặng lắm rồi, chắc em chết, em hoang mang lắm. Bác sĩ vừa cấp cứu cho em vừa bảo chỉ chậm xíu nữa chắc không cứu được.

Chị Ngô Hoàng Yến ngày ra viện.

Nước mắt em cứ rơi ra khi nghe được câu nói đó. Cô bác sĩ ấy đã nắm tay em bảo: "Con ơi cố lên nghen, cố lên còn về với con, con còn trẻ lắm phải cố gắng nhé". Cô bác sĩ lau nước mắt cho em, vừa lau vừa nắm chặt tay em. Mọi người hớt tóc cho em, ngày nào cũng động viên em cố gắng lên. Chưa có ai đối xử với em như thế. Em thực sự xúc động và em tự nhủ mình sẽ cố gắng thật tốt để vượt qua".

Xin đừng chia sẻ thông tin xấu

13 ngày ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19, sức khoẻ của Yến khoẻ dần. Từ tầng 2, Yến được chuyển lên tầng 4, tầng 5 rồi tầng 9. Đến ngày 1/8, Yến được ra viện. Ngày đi viện trong túi chẳng có đồng tiền nào nhưng Yến được bệnh viện hỗ trợ xe về đến tận nhà.

Yến được tự cách ly tại y tế tại nhà. Vượt qua Covid-19, Yến chia sẻ cô chỉ mong mọi người đừng chia sẻ những thông tin không tích cực về bệnh tật để người bệnh hoang mang lo sợ.

Bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Từng vào 3 bệnh viện khi mắc Covid-19, Yến cho biết cô thông cảm khi bệnh viện quá tải nhưng chắc chắn một điều các nhân viên y tế, tình nguyện viên luôn hỗ trợ bệnh nhân hết mình.  Tình nguyện viên thì luôn động viên, trò chuyện với bệnh nhân.

Bệnh nhân vào viện ai cũng lo sợ, không có người thân đi cùng nhưng vẫn được quan tâm chăm sóc như người thân, từ bệnh tật tới tinh thần.

"Bác sĩ tìm mọi cách cứu mình, điều dưỡng lau người, vệ sinh cho từng bệnh nhân nặng, em quan sát hết và em thấu hiểu được sự quan tâm của họ dành cho bệnh nhân như thế nào. Mong cộng đồng hãy hiểu cho những áp lực của nhân viên y tế" – Yến trăn trở.

TS. BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho biết từ khi đi vào hoạt động, đến nay bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 750 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nguy kịch.

Trong đó, số bệnh nhân xuất viện hoặc được điều trị giảm nhẹ chuyển xuống tuyến dưới là 110 bệnh nhân; số bệnh nhân tử vong là 63 người. Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện, hiện có 172 ca đang thở máy xâm lấn và không xâm lấn; 4 bệnh nhân sử dụng ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo).

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU