Một nghiên cứu quốc tế gần đây được công bố trên tạp chí PLOS One đã cảnh báo những rủi ro về tổn thương cổ ở người dùng smartphone, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi đang có xu hướng bị đau cổ sớm hơn các thế hệ trước đó.
Theo một nghiên cứu mới từ Đại học South Australia, 3,4 tỷ người dùng điện thoại thông minh/smartphone trên thế giới đang đối mặt với một vấn đề lớn mỗi khi gửi tin nhắn. Đó là "Text neck", tạm dịch là "cổ nhắn tin", là một tư thế thường thấy ở những người hay dùng điện thoại để viết tin nhắn.
Tư thế này làm tăng áp lực lên cột sống, thay đổi đường cong sinh lý của cổ và làm tổn thương các mô mềm.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Khon Kean ở Thái Lan đã ghi hình 30 người dùng smartphone trong độ tuổi từ 18-25 tuổi, những người dành tới tám giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại. Đánh giá nhanh chi trên (Rapid Upper Limb Assessment tool - RULA) đo lường mức độ nguy cơ về công thái học (*) đã cho thấy điểm trung bình của những người tham gia là 6, so với điểm thường được chấp nhận là 1-2.
Các kết quả cho thấy sự sai lệch về tư thế gây nhiều tác động xấu đến cổ, vai và cột sống.
RULA đã được sử dụng để đánh giá tác động về công thái học của máy tính để bàn và máy tính xách tay, và đây là lần đầu tiên công cụ này được sử dụng để đánh giá nguy cơ của việc dùng smartphone quá mức.
Tư thế đứng gõ tin nhắn sai và đúng
Tiến sĩ Rose Boucaut, nhà vật lý trị liệu tham gia nghiên cứu này cho biết áp lực gây ra do sai tư thế diễn ra thường xuyên sẽ làm tổn thương các mô mềm như sau: "Người dùng smartphone thường hơi cong cổ về phía trước khi đọc và viết tin nhắn văn bản. Đôi khi họ cũng nghiêng hoặc vặn cổ sang một bên làm cho cổ, thân mình và chân bị giữ ở những vị trí lạ thường, không thoải mái và dần dà gây áp lực không đồng đều lên cột sống, dẫn đến tổn thương cổ."
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí WORK, trên 779 sinh viên đại học ở Thái Lan đã cho thấy 32% bị đau cổ, 26% bị đau vai, 20% bị đau lưng và 19% bị đau cổ tay.
Những học sinh sử dụng smartphone cao hơn (> 5 giờ/ngày), những người hút thuốc và những người ít tập thể dục hay bị rối loạn cơ xương khớp hơn.
Học sinh nữ khi sử dụng smartphone quá mức cũng dễ bị rối loạn cơ xương khớp hơn nam giới (71% so với 28%).
Đây cũng là lần đầu tiên có nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa hút thuốc, sử dụng smartphone và đau cổ. Trong số 11 sinh viên tự nhận mình là người đang hút thuốc, có tới 9 người bị rối loạn về cơ xương. Phát hiện này góp phần ủng hộ giả thuyết đã được đưa ra từ các nghiên cứu lâm sàng trước đây về việc hút thuốc lá không chỉ có hại cho phổi mà còn cho gây tổn thương mô mềm và kéo dài thời gian lành vết thương.
Tiến sĩ Boucaut nói rằng những phát hiện này nên được cập nhật cho các chuyên gia y tế điều trị cho những người bị đau cổ và lưng vì nhiều bác sĩ không nghĩ tới vấn đề của việc dùng smartphone. "Các bác sĩ nên nghi ngờ liệu những người bị đau lưng và cổ (đặc biệt là người trẻ) có phải là do dùng điện thoại sai tư thế hay không. Các bác sĩ cũng cần hướng dẫn bệnh nhân về các tư thế an toàn và lợi ích của việc giảm thời gian dùng điện thoại ngăn ngừa."
Một số công ty điện thoại thông minh đã triển khai dịch vụ nhắn tin tới khách hàng để thông báo về thời gian trung bình họ dành cho việc sử dụng smartphone hàng ngày. "Phản hồi này có thể giúp người dùng cân nhắc mối liên quan giữa triệu chứng ở cổ với việc sử dụng smartphone và giảm thời gian nhắn tin", Tiến sĩ Boucaut nói.
Chú thích: Công thái học (Ergonomics): là khoa học về thiết kế và vận dụng những công cụ và môi trường để cơ thể người dùng được thoải mái, phát huy hiệu quả vận động và trạng thái tự nhiên của con người.
Theo Tri Thức Trẻ