Tình huống gặp gỡ đầy "éo le"
Theo những gì chị P.L. chia sẻ, chị đã sống ở Úc được 11 năm. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chị đã nộp hồ sơ bày tỏ nguyện vọng quay về Việt Nam cho Đại sứ quán và được trở về trên chuyến bay nhân đạo thứ 2 vào đầu tháng 7/2020.
Như quy định đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh của nước ta giai đoạn đó, chị cùng đoàn đã tiến hành cách ly 14 ngày tại khu Bàu Bằng, tỉnh Bình Dương rồi mới quay về Hà Nội.
Anh chị lần đầu gặp nhau trong khu cách ly Bàu Bằng, tỉnh Bình Dương (Ảnh minh họa)
Thời gian đầu ở trong khu kiểm dịch, do không quen với giờ giấc, sinh hoạt có phần nhàm chán nên chị cũng như bao người khác muốn mau chóng quay lại cuộc sống bình thường. Hơn nữa, do tâm lý lo sợ vì những người xung quanh luôn có khả năng mang theo mầm bệnh nên thường chỉ ở trong phòng.
Khi được giới thiệu anh H.H. sẽ là người quản lý trực tiếp khu vực chị ở, ấn tượng đầu tiên của chị là anh rất khó tính và nghiêm túc với giọng nói nghiêm nghị và "lúc nào cũng thấy nhăn nhăn cái mặt". Chị cũng chia sẻ đây hoàn toàn không phải là mẫu người lý tưởng của chị.
Nhưng tình yêu luôn là một điều vô cùng kỳ diệu mà không ai có thể đoán trước được. Người con trai mà chị cảm thấy "quá nguyên tắc" lại khiến chị rung động bởi những lời nói, hành động nhỏ rất đỗi ấm áp và dịu dàng.
"Có hôm tới giờ lấy cơm tối, mình ra hơi muộn thì liền gọi từ sau: 14A2 (số phòng chị ở trong khu cách ly) không ra lấy cơm à? Không đói à?. Tự nhiên mình cảm thấy anh cũng rất quan tâm chứ không lạnh lùng như mình vẫn nghĩ" - Chị vui vẻ chia sẻ câu chuyện nhỏ khiến mình hoàn toàn thay đổi suy nghĩ về anh.
Chị dần nhận ra anh là một người dịu dàng và chu đáo
Tình cảm dần nở hoa
Bước sang ngày thứ 4 của đợt cách ly, chị bắt đầu chú ý đến anh nhiều hơn. Hình tượng của anh trong chị hoàn toàn thay đổi so với ấn tượng ban đầu.
Trong khu của chị có 50 người - một số lượng không nhỏ, nhưng anh vẫn luôn chu đáo, quan tâm hỏi han mọi người có cần gì không? Mỗi bữa cơm đều hỏi mọi người có vừa miệng không? Sợ những bạn thanh niên ăn không đủ no, anh cũng thường chú ý đưa thêm mì gói... Anh làm bằng tất cả trách nhiệm, tấm lòng và sự tận tâm của một người bác sĩ nơi điểm đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Tất cả những hành động của anh đã thực sự chiếm được sự chú ý của chị. Chị cũng có những hành động nhỏ "thả thính" hết sức đáng yêu và ngọt ngào thu hút sự chú ý của anh.
"Mình chiều nào cũng lấy lý do đi bộ quanh khu cách ly để đi qua phòng anh. Mỗi lần chạm mặt anh, mình cũng cố nhìn thẳng để anh biết mình đang nhìn anh. Mỗi lần phát cơm, mình luôn trêu anh kiểu: ‘Hôm nay anh có mệt không? Để em lau mồ hôi cho anh nhé!’. Mọi người sau đó ai cũng trêu anh với mình".
Chị không ngại là người theo đuổi anh
Sắp hết thời gian cách ly, khi không còn nhiều cơ hội có thể ngày ngày ở bên anh nữa, chị đã suy nghĩ đến việc có nên mạnh dạn nhắn tin cho anh không. Nhưng sự ngượng ngùng của người con gái khi bắt đầu có tình cảm với một chàng trai khiến chị vẫn lưỡng lự không biết nên lấy lý do gì để mở đầu một cuộc trò chuyện.
Tình cờ, ngay tối hôm đó chị lại có một lý do khá chính đáng để mở đầu câu chuyện - mượn dao gọt hoa quả. Vì muốn được nói chuyện với anh nhiều hơn, chị đã rất tinh nghịch nhắn với anh: "Chết rồi, em ăn xoài nuốt luôn con dao vào bụng rồi".
"Mình là người chủ động tiếp cận anh. Mình bảo thôi giờ em đành trao tấm lòng em cho anh vậy. Lòng dạ em sẽ thuộc về anh".
Vì là lần đầu chủ động nên sau màn "thả thính" lịm tim trên, chị rất ngại ngùng. Nhưng sau đó, hai người cũng thường xuyên nhắn tin qua lại với nhau nhiều hơn, mối quan hệ dần trở nên thân thiết.
Do đặc thù công việc và đang trong thời gian cách ly nên anh chị cũng chỉ nhắn tin chứ không thể tiếp xúc. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 3 với SARS-CoV-2, chị đã rời khỏi khu cách ly. Trước đó, anh chị vẫn kịp trao đổi số điện thoại và hẹn gặp lại nhau ở TP.HCM.
Không chỉ chăm sóc một thời, mà còn chăm sóc một đời
Khi gặp lại, giữa hai người không còn là khoảng cách ngượng ngùng của một người trong khu vực cách ly và bác sĩ phụ trách nữa mà đã biến thành một loại tình cảm đặc biệt, gần gũi cận kề lúc nào không hay.
Dù khoảng cách địa lý và đặc thù công việc nên cả hai không thể thường xuyên bên nhau nhưng tình yêu của hai người cũng không vì thế mà bớt phần ngọt ngào, lãng mạn. Chị vẫn luôn cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia cho nỗi vất vả trong công việc của anh.
Đám cưới đẹp như mơ
6 tháng hẹn hò, tuy không phải quá dài nhưng đã khiến hai người đủ thấu hiểu, đủ yêu thương và cùng đi tới quyết định trọng đại trong cuộc đời - về chung một nhà. Anh chị ban đầu cũng lo lắng bố mẹ hai bên gia đình sẽ phản đối do cách trở về địa lý, nhưng mọi chuyện sau đó đều suôn sẻ.
"Bố mẹ mình sau khi biết thì cũng chỉ hỏi chúng mình làm sao mà quen được ở xa thế?" - chị P.L. nói.
Sau đám cưới hạnh phúc vào cuối tháng 3, anh chị đã kịp có một chuyến tuần trăng mật ngọt ngào trước khi đợt dịch thứ tư tại Việt Nam bùng phát. Chị P.L. cũng đã sắp xếp và cùng anh chuyển vào Bình Dương sinh sống để thuận lợi cho công việc.
Chỗ dựa vững vàng của người bác sĩ nơi đầu "chiến tuyến"
Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh như hiện nay, công việc của anh càng thêm bận rộn nên ít có thời gian ở nhà.
Là một người vợ, hơn ai hết, chị không chỉ thấu hiểu và thông cảm mà còn trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trở thành chỗ dựa, mái ấm luôn chờ anh quay về sau những tháng ngày dài chiến đấu cùng bệnh dịch.
Chị chia sẻ: "Mình luôn ủng hộ anh. Bản thân mình phải mạnh mẽ để anh yên tâm công tác tốt. Thật sự mình rất tự hào. Từ ngày quen anh, mình cũng ý thức hơn trong việc phòng chống dịch. Mình luôn truyền đạt tới gia đình, người thân và bạn bè phải giữ ý thức nhằm chung tay đẩy lùi Covid-19".
Dịch bệnh đến mang cho chúng ta những khó khăn, nhưng ở đâu đó trong những khó khăn này vẫn ánh lên những tia sáng mang tên tình yêu thương, Từ Úc trở về phải cách ly, nữ Việt kiều yêu rồi cưới luôn nam bác sĩ chăm sóc mìnhcho chúng ta thêm sức mạnh chống lại đại dịch, mong chờ một tương lai tốt đẹp hơn.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/tu-uc-tro-ve-phai-cach-ly-nu-viet-kieu-yeu-roi-cuoi-luon-nam-bac-si-cham-soc-minh-16121120521002104.htm
Theo ttvn.vn