Từ vụ Lê Tùng Vân bị khởi tố: Cơ thể người có thể kích hoạt 'còi báo nguy hiểm loạn luân'

Về vấn đề loạn luân, nhà khoa học Lieberman nêu một dẫn chứng: Các cặp vợ chồng lớn lên với nhau từ bé thường từ chối "động phòng", nên các ông bố phải đứng ngoài cửa động viên.

Dư luận chưa thôi rúng động khi vụ án Tịnh thất Bồng Lai được khởi tố, ban đầu là khởi tố Lê Tùng Vân trong đó có tội loạn luân, sau đó là bắt thêm 3 "đồ đệ" của ông này. Ít ai có thể ngờ hành vi loạn luân bị khởi tố lại được tồn tại ngang nhiên và che giấu lâu đến vậy.

Riêng ở góc độ khoa học, bài viết dưới đây như một sự củng cố các nghiên cứu chứng minh tính tất yếu bị loại bỏ của "loạn luân" khỏi đời sống xã hội, bên cạnh đó còn gọi tên một vấn đề gọi là hiệu ứng Westermarck - một cơ chế tự nhiên của loài người giúp ngăn chặn hành vi lệch lạc này.

Các nhà nghiên cứu khoa học đều rút ra là: Ở hầu hết các nền văn hóa của nhân loại, loạn luân là một trong những điều cấm kỵ lớn nhất - một thứ tội lỗi đáng ghê tởm, tuyệt đối tránh đề cập. 

Vậy sự ghét bỏ hành vi loạn luân từ đâu mà có? Do các yếu tố về xã hội và văn hóa, hay do yếu tố di truyền học? Rốt cuộc, loạn luân gây “loạn” đến mức nào?

Nguồn gốc sinh học và chọn lọc tự nhiên

Theo từ điển Britannica, loạn luân là thuật ngữ chỉ hành vi quan hệ tình dục giữa những người có liên hệ huyết thống. 

Luật pháp hoặc phong tục tập quán ở hầu hết mọi nơi trên thế giới đều cấm hành vi giao phối gần hoặc kết hôn cận huyết, dù phạm vi, mức độ cấm đoán và phản ứng với từng trường hợp có sự khác nhau tùy từng xã hội. Loạn luân thường được coi là vấn đề cấm kỵ, gợi nhiều cảm xúc ghê tởm, ghét bỏ - cảm xúc này lớn hơn cả những điều bị cấm đoán về mặt pháp luật.

Do hiện tại, hành vi loạn luân bị cấm đoán và ghét bỏ nên có lẽ có ít người biết rằng hành vi này từng diễn ra một cách phổ biến và tự nhiên. 

Các nhà khoa học cho rằng sự sống sớm nhất trên Trái đất xuất hiện cách đây 3,8 tỷ năm. Tuy nhiên, mãi đến khoảng 1,2 tỷ năm trước thì giới sinh vật mới bắt đầu phân thành hai giới/giống đực và cái. Trước đó, sinh sản vô tính là hình thức sinh sản duy nhất để sinh vật tồn tại và tiến hóa.

Nhà sinh học tiến hóa Nathaniel Wheelwright. Ảnh: Bowdoin College

Theo quan điểm của ông Nathaniel Wheelwright, nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Bowdoin (Maine, Mỹ)"Sinh sản vô tính là mức độ cao nhất trong giao phối cận huyết, vì sinh vật đang nhân giống với chính mình". Theo ông, nhiều loài sinh vật vẫn sẽ sinh sản vô tính nếu việc duy trì nòi giống bằng sinh sản hữu tính gặp bất lợi, hoặc nếu chúng không phải đánh đổi để thực hiện cho hành vi này.

Ngày nay, hầu hết các loài động vật có vú mà chúng ta biết đều có xu hướng không giao phối gần. Tuy vậy, có thể đâu đó ở những khu vực xa xôi, đảo nhỏ hoặc biệt lập, vẫn có những xã hội loài người xảy ra hành vi này. 

Nhà sinh học tiến hóa Wheelwright nhận xét: "Nếu người họ hàng của bạn là đối tượng duy nhất ở gần phạm vi sinh sống, đương nhiên bạn không có nhiều lựa chọn"

Sinh sản hữu tính, hình thức sinh sản chủ đạo trong giới động thực vật ngày nay, mang lại một bước tiến mới về mặt tiến hóa.

Don't put all eggs in one basket

Tạm dịch là Đừng để tất cả trứng vào một giỏ, có ý nghĩa khuyên nhủ không nên dành toàn bộ công sức hay nguồn lực vào một thứ, lỡ có mất thì không mất hết.

Ông Wheelwright cũng cho biết thêm: "Sinh sản hữu tính giúp thế hệ sau đa dạng kiểu hình và đảm bảo mức độ phong phú của vốn gen". Điều này như thể mẹ thiên nhiên đang tránh để tất cả trứng vào một giỏ: Khi một cặp gen cùng xuất hiện trên một cá thể có thể khiến nó khó sống thì việc lai ghép có thể tăng khả năng sống sót.

Ông Wheelwright giải thích: "Những người thuần hóa động hay thực vật có thể là những người đầu tiên nhận ra điều này". Khi phối giống cận huyết, con vật được sinh ra có trọng lượng sơ sinh thấp hơn, tăng tỷ lệ chết lưu và giảm khả năng sinh sản. 

Theo bà Debra Lieberman, nhà tâm lý học tiến hóa tại Đại học Hawaii, hậu quả mà loạn luân gây ra về mặt di truyền và tiến hóa là nó có thể duy trì nguồn gen xấu trong vốn gen và kết hợp chúng lại để tạo ra nguồn gen xấu hơn. Bà cho biết rằng "Những người họ hàng gần có nguy cơ sinh ra con cái với cơ hội sống thấp".

Đối với mỗi con người bình thường, bộ gen bao gồm 23 cặp nhiễm sắc thể, một bộ 23 nhiễm sắc thể từ bố và bộ 23 còn lại đến từ mẹ. Bà Lieberman giản lược: "Giả sử bạn nhận được một gen xấu, mà các nhà khoa học gọi là có hại, từ mẹ mình, nhưng gen cùng cặp từ bố lại là gen tốt thì gen tốt sẽ ẩn đi những kiểu hình mà gen xấu có thể gây ra". 

Bà giải thích thêm rằng nếu một người sinh con với anh chị em của mình, nguy cơ đứa trẻ sinh ra nhận được cả cặp gen xấu sẽ lớn hơn.

Hiệu ứng Westermarck

Bà Lieberman cho rằng qua thời gian, thiên nhiên đã loại bỏ hành vi loạn luân thông qua chọn lọc tự nhiên. Tuổi thọ của loài động vật ở cấp càng cao thì càng dễ bị rút ngắn bởi các tổ hợp gen xấu, nên đã tránh việc giao phối gần để không phải nhận "hình phạt". Con người và nhiều loài động vật khác đã tự phát triển cách để phát hiện và tránh giao phối với đối tượng cận huyết.

Bà Lieberman cho rằng: "Chúng ta không có công cụ soi mã gen để phát hiện đối tượng cận huyết, nhưng tôi nghĩ loài người đã phát triển được hệ thống tâm lý giúp chúng ta làm vậy". 

Bà cũng cho biết thêm rằng có một số cơ chế nhận diện thông qua gương mặt, thậm chí mùi hương, nhưng dấu hiệu mạnh nhất mà con người có được là việc chung sống dưới một mái nhà.

Bà Lieberman giải thích rằng "Đây thường được gọi là Hiệu ứng Westermarck, mô tả việc những đứa trẻ lớn lên cùng nhau, khi đến tuổi trưởng thành thường sẽ ít có khả năng quan hệ với nhau". Thậm chí những đứa trẻ không có quan hệ huyết thống lớn lên cùng nhau cũng có biểu hiện tránh xảy ra hành vi tình dục với nhau.

Một nhóm trẻ Kibbutz được chụp ảnh vào khoảng năm 1935. Nguồn ảnh: PikiWiki

Các cộng đồng Kibbutz ở Israel là một ví dụ điển hình. Chỉ vài tuần sau khi sinh, các bà mẹ đưa con mình vào một "hội trẻ em" cho những người được đào tạo chăm sóc. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong cùng một hội như thế ít có khả năng kết hôn với nhau hơn so với với người từ vùng lân cận.

Hôn nhân shim-pua (tạm dịch từ 新婦仔 hoặc 童養媳) là một kiểu tảo hôn sắp đặt, trong đó cả "vợ" và "chồng" sẽ kết hôn ở độ tuổi còn rất nhỏ và cùng nhau lớn lên.

Một ví dụ khác mà bà Lieberman nêu ra là các ghi nhận từ những năm 1800 về các cuộc hôn nhân shim-pua ở Đài Loan, trong đó cha mẹ trao con gái của mình cho gia đình chồng tương lai không lâu sau khi đứa bé vừa chào đời.

Bà Lieberman chia sẻ với tờ LiveScience: "Cùng là hôn nhân sắp đặt, so với các cặp vợ chồng trưởng thành gặp nhau trước lễ cưới, các cặp vợ chồng shim-pua có ít con hơn. Các cặp vợ chồng này thường từ chối 'động phòng', nên các ông bố phải đứng ngoài cửa động viên".

Bà Lieberman cho rằng các cặp vợ chồng shim-pua gặp rắc rối như vậy vì họ lớn lên với nhau, đã kích hoạt còi báo nguy hiểm di truyền một cách tự nhiên, "tránh giao phối với người này".

Không có định nghĩa phổ quát, nhưng có 3 điểm chung

Nhìn chung, mối quan hệ huyết thống giữa hai người càng gần gũi, mối quan hệ thể xác càng bị ngăn cấm mạnh mẽ và dễ bị kết tội loạn luân. Do đó, hành vi giao cấu giữa cha và con gái, mẹ và con trai, hoặc anh - chị - em gần như ở đâu cũng bị lên án. Quan hệ giữa chú ruột và cháu gái hoặc cô ruột và cháu trai cũng thường bị cấm cản, trong khi quan hệ giữa anh, chị, em họ thuộc đời thứ nhất (là con của bác ruột hoặc cậu/dì ruột hoặc cô/chú ruột) thì ít gặp phản đối hơn ở một vài xã hội.

Ảnh chụp nhóm người Melanesia. Nguồn ảnh: Cultures of Resistance Films

Trong các xã hội theo chế độ mẫu hệ ở Melanesia (một tiểu vùng của châu Đại Dương nằm ở phía Đông Bắc Úc và một số hòn đảo ở Thái Bình Dương), các quan hệ được xem là loạn luân tính từ anh, chị, em ruột đến tất cả những người cùng dòng dõi mẫu hệ. Do đó, khác với hệ thống thân tộc ở Mỹ hoặc châu Âu, anh chị em họ đời thứ nhất, sẽ bị coi là loạn luân nếu cùng họ ngoại và được cho là đối tượng kết hôn lý tưởng nếu cùng họ nội.

Trong truyền thống Bali (Indonesia), một cặp song sinh khác giới được phép kết hôn, nếu cha mẹ chúng thuộc đẳng cấp thấp, dựa trên niềm tin rằng chúng đã giao cấu khi còn ở trong bụng mẹ. Tuy nhiên, nếu cặp song sinh có cha mẹ ở giai cấp thống trị, chúng lại bị cấm kết hôn. Những niềm tin mâu thuẫn như vậy là điều khiến giới nhân chủng học phải thận trọng khi dùng lý thuyết di truyền sinh học hạn hẹp để giải thích cho vấn đề loạn luân và đặt ra trở ngại lớn để đưa ra một định nghĩa phổ quát về loạn luân.

Ảnh chụp cặp "vợ chồng" shim-pua.

Tuy nhiên, một vài nhận định chung về nhân chủng học có thể được đưa ra: (1) Loạn luân hầu như bị lên án và kỳ thị trên toàn thế giới; (2) những trường hợp loạn luân được chấp nhận, dù hiếm hoi, được biết đến trong lịch sử là những cuộc hôn nhân sắp đặt trong hoàng gia (đời nhà Trần thế kỷ 15 là một ví dụ); và (3) khi mức độ gần gũi về huyết thống giảm đi, các biện pháp chống lại hành vi giao phối gần có thể nới lỏng hoặc không còn.

Tại Việt Nam, theo Điều 184, Bộ luật Hình sự năm 2015: "Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ (cha mẹ - con cái, ông bà – cháu nội/ngoại), là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm". Ngoài ra, luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và có họ trong phạm vi ba đời.

Các giải thích khác về loạn luân

Trong nhân chủng học, hầu hết các nghiên cứu về loạn luân bao gồm phân tích và giải thích cấu trúc, chức năng, và ở mức độ nhẹ nhàng hơn, nguồn gốc của những điều cấm kỵ về loạn luân. Đối với các nhà nhân chủng học theo định hướng xã hội học, vấn đề loạn luân, và những câu hỏi liên quan đến hôn nhân ngoại tộc và nội tộc, chủ yếu là về vấn đề di truyền. Các quần thể có nhiều con lai cận huyết đã làm giảm khả năng sinh sản thành công và trở thành nguồn gen cho các rối loạn di truyền.

Về mặt chức năng, một số học giả cho rằng loạn luân bị cấm kỵ nhằm mục đích bảo vệ gia đình hạt nhân khỏi sự bất hòa do ghen tuông tình dục gây ra, và lập luận này mở rộng ra để giải thích các quy tắc của hôn nhân ngoại tộc. Các học giả theo thuyết tiến hóa lập luận rằng việc cấm loạn luân trong một nhóm và các quy tắc tương ứng của hôn nhân ngoại tộc khiến nam giới phải tìm kiếm bạn tình và hôn nhân bên ngoài nhóm, do đó thiết lập các liên minh chức năng với nam giới của các nhóm khác mà họ có trao đổi phụ nữ.

Trong Thần thoại Hy Lạp, Nữ hoàng Hera là em gái và là vợ của Thần Dớt. Trong ảnh là bức tượng tạc hình thần Dớt. Nguồn ảnh: Pixabay

Một lý thuyết khác, nhấn mạnh đến khía cạnh xã hội hóa, lập luận rằng cấm kỵ loạn luân là một phương pháp quan trọng để điều chỉnh bản năng tình dục ở trẻ em, chuẩn bị cho chúng sự kiềm chế trong xã hội trưởng thành. Giải thích phân tâm học của Sigmund Freud suy đoán rằng nỗi sợ hãi loạn luân của một người bắt nguồn từ sự kết hợp của những cảm xúc không chắc chắn đối với thành viên gia đình trực hệ và những mong muốn thực hiện hành vi tình dục với các thành viên khác giới trong gia đình bị kìm nén.

Các học giả đương thời, trong nỗ lực giải thích nguồn gốc hoặc sự tồn tại của cấm kỵ loạn luân, đã cẩn thận tránh những lời giải thích mang tính nhất nguyên, cho dù là di truyền, lịch sử hay xã hội. Dù thế nào, đến thế kỳ 21 hiện nay, vẫn còn nhiều câu hỏi về loạn luân còn chưa được giải đáp.

*Nguồn tham khảo: Britannica, Livescience

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/tu-vu-le-tung-van-bi-khoi-to-co-the-nguoi-co-the-kich-hoat-coi-bao-nguy-hiem-loan-luan-162220801070523783.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU