Tỷ lệ thầy cô nghỉ việc tiếp tục tăng, cả nước còn thiếu hơn 113.000 giáo viên. (Ảnh minh hoạ)
Đại diện các tỉnh, thành phố khi trao đổi tại hội nghị đều thể hiện mong đợi Luật Nhà giáo sớm được trình Quốc hội thông qua. Hy vọng khi có luật, chính sách nhà giáo sẽ được cải thiện. Đây cũng là cơ sở để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng mong đợi Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ ngành để rà soát các quy định liên quan tới tạo nguồn, tuyển dụng giáo viên để đồng bộ, khắc phục sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp lý dẫn tới vướng mắc trong triển khai.
Trao đổi tại hội nghị về vấn đề giáo viên, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng việc nâng chất lượng giáo viên cũng là việc cần được quan tâm hơn bên cạnh việc bù đắp về số lượng.
Bà Doan đặt câu hỏi "giáo viên trên cả nước có bao nhiêu thời gian để đọc tài liệu, tự học, tự nâng cao trình độ?". Một trong những lý do khiến giáo viên có quá ít thời gian để "tự nâng cao trình độ" là do đời sống khó khăn.
Nói về câu chuyện thiếu nguồn tuyển đối với một số môn học mới, ông Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng hiện hầu hết các trường sư phạm chủ chốt đã mở ngành và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn mới như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Việc này góp phần cung cấp giáo viên cho các địa phương, từng bước tháo gỡ khó khăn về thừa thiếu giáo viên cục bộ. Nhưng việc đào tạo cũng cần có thời gian mới có thể cung cấp nguồn tuyển cho các địa phương.
Ông Sơn cũng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên theo hướng linh hoạt, sát thực tiễn.