Tiêm vắc xin thủy đậu có ngừa được bệnh đậu mùa khỉ không?
Ths.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh đậu mùa (smallpox) đã được thanh toán trên toàn thế giới từ năm 1979, do vậy, thế giới đã không còn lưu hành vắc xin đậu mùa cổ điển từ năm 1980.
Tuy nhiên, người từng tiêm vắc xin đậu mùa trước đây có thể được bảo vệ phần nào với bệnh đậu mùa khỉ (bảo vệ chéo), tuy nhiên tỷ lệ này không đạt 100%.
Bác sĩ Hiền Minh cho hay: "Vắc xin bệnh đậu mùa đã được chứng minh qua một số nghiên cứu trước đây tại Châu Phi là có hiệu quả khoảng 85% trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Do đó, việc từng tiêm phòng đậu mùa có thể khiến bệnh nhẹ hơn...
Nhưng ngày nay, những người dưới 40 đến 50 tuổi (tùy thuộc vào quốc gia) có thể dễ bị bệnh đậu mùa hơn do các chiến dịch tiêm phòng bệnh đậu mùa trên toàn cầu đã ngừng hoạt động sau khi loại trừ dịch bệnh".
Vắc xin thủy đậu không sinh ra kháng thể ngừa bệnh đậu mùa khỉ, ảnh minh hoạ.
Còn đối với vắc xin phòng bệnh thủy đậu (chickenpox) - loại vắc xin đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và trên thế giới, bác sĩ Hiền Minh cho biết vắc xin này "không có giá trị phòng bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox)".
Hiện nay, có 3 vắc xin đang được đánh giá hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ: ACAM2000 (Pháp-Mỹ), LC16 (Nhật Bản) và MVA-BN ( Đan Mạch).
Vắc xin ACAM2000 và LC16 đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa ở khỉ trên các mô hình động vật và có tạo miễn dịch trong các nghiên cứu trên người.
Vắc xin MVA-BN đã được phê duyệt tại Mỹ, và Canada và liên minh Châu Âu năm 2019. Về tính an toàn, không có mối lo ngại nào được ghi nhận với vắc xin ACAM2000, LC16 hoặc MVA-BN.
"Tuy nhiên đánh giá nguy cơ - lợi ích và nguồn cung vắc xin thì chỉ định tiêm tùy từng trường hợp, tiêm vắc xin đậu mùa khỉ hàng loạt hiện tại không được WHO khuyến cáo", bác sĩ Hiền Minh cho hay.
Các giai đoạn tiến triển của đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ có 4 giai đoạn. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6 -13 ngày (dao động từ 5 - 21 ngày), lúc này người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
Tiếp đến là giai đoạn khởi phát: Các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.
Giai đoạn toàn phát: đặc trưng là sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1- 3 ngày. Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
Bệnh đậu mùa khỉ, ảnh minh hoạ.
Ban tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao) rồi thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong) và mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng). Mụn này sẽ đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo.
Kích thước tổn thương da được xác định trung bình từ 0,5 – 1 cm. Số lượng tổn thương da có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng, các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.
"Ở giai đoạn phục hồi, các triệu chứng có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác", bác sĩ Hiền Minh nói.
Hệ số lây của bệnh đậu mùa khỉ
Theo bác sĩ Hiền Minh, bệnh đậu mùa khỉ chia thành 3 thể: không triệu chứng, nhẹ và nặng.
Ở thể nhẹ, các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
Thể nặng thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch. Bệnh có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh.
Bác sĩ Hiền Minh cho biết: "Triệu chứng điển hình ở bệnh nhân đậu mùa khỉ có thể bị nhiễm khuẩn da, với biểu hiện có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục. Xét nghiệm các markers nhiễm trùng tăng cao; cấy dịch nốt phỏng có vi khuẩn.
Bệnh nhân cũng có thể bị viêm phổi với các triệu chứng như ho, tức ngực, khó thở... chụp phim phổi thấy rõ tổn thương, viêm não, ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, dịch não tủy biến đổi. Có thể tổn thương đa cơ quan và nhiễm khuẩn huyết do bội nhiễm".
Phân tích về khả năng lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ, bác sĩ Hiền Minh cho rằng hệ số lây nhiễm (R0) của bệnh đậu mùa khỉ là từ 1.1 đến 2.4, thấp hơn bệnh đậu mùa (smallpox).
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua một số đường sau:
- Lây nhiễm từ động vật sang người: bị động vật có vú nhiễm bệnh cắn, cào; chạm vào động vật bệnh (da sống, thịt, chỗ ở...)
- Lây nhiễm từ người sang người: tiếp xúc gần hoặc quan hệ tình dục với người bị bệnh; chạm vào phát ban, vảy ban của bệnh nhân; chạm vào các đồ vật bị ô nhiễm như: khăn trải giường, quần áo hoặc thiết bị y tế người bệnh đã sử dụng; có thể truyền qua nhau thai từ mẹ sang con (đang tiếp tục nghiên cứu)
Một số loài động vật là ổ chứa virus gây bệnh như sóc, chuột túi Gambian, linh trưởng. Một số loài nhiễm không triệu chứng như loài gặm nhấm.
Theo bác sĩ Hiền Minh, cho đến nay, chưa có báo cáo về việc lây nhiễm đậu mùa khỉ ở động vật nuôi trong nhà, và cũng chưa có báo cáo về việc lây từ người sang động vật (tuy nhiên vẫn có giả thuyết điều này có thể xảy ra).
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/vac-xin-thuy-dau-co-ngua-duoc-benh-dau-mua-khi-chuyen-gia-tiem-chung-giai-dap-82022277192946617.htm
Theo ttvn.vn