Vì sao ca mắc COVID-19 cộng đồng tại Hà Nội gia tăng?

Từ đầu tháng 11 đến nay, số ca mắc COVID-19 của Hà Nội liên tục tăng cao, nhiều ngày liên tiếp có trên 100 ca mắc, đặc biệt ngày 9/11 có 222 ca. Đến nay Thủ đô có 13 ổ dịch phức tạp tập trung ở nhiều huyện, quận nội thành, lây lan nhanh và tiếp tục có thêm nhiều F0 cộng đồng. Ngày 12/11, Thủ đô đã điều chỉnh ở cả 4 cấp độ dịch thuộc cấp xã/phường so với báo cáo đánh giá 6 ngày trước đó. Nhưng trước số F0 cộng đồng tăng cao, nhiều người dân lại có tâm lý chủ quan vì đã tiêm đủ mũi vaccine.

Phải phòng dịch bằng 5K

Từ ngày 1 – 13/11, Hà Nội ghi nhận 513 ca COVID-19 trong cộng đồng, thêm nhiều khu vực bị phong tỏa. Tuy nhiên, dường như người dân không còn quá hoang mang với số lượng tăng ca mắc mới này, vì họ cho rằng đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và tâm lý sống chung với dịch bệnh đã ổn định. Nhưng theo khuyến cáo của chuyên gia, không vì đã tiêm vaccine mà người dân chủ quan, không tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Theo ghi nhận của phóng viên trong 2 ngày nghỉ cuối tuần, tại một số điểm dịch vụ ăn uống, công viên, nơi vui chơi, người dân đổ đến khá đông. Ở đường Trích Sài, người dân tập thể dục, trẻ em được bố mẹ cho ra vui chơi khá nhiều, các cháu bé đều đeo khẩu trang, nhưng cũng có người không đeo khẩu trang. Anh Phạm Văn Hưng, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ cho biết: “Trẻ ở trong nhà quá lâu rồi, hôm nay tôi cho các con ra hồ để các cháu hoạt động, hít khí trời, các cháu đều vui vẻ và hiếu động lắm”.

Nhiều người dân còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại băn khoăn khi trẻ chưa được tiêm vaccine thì nên hạn chế cho các cháu ra khỏi nhà. Chị Phạm Hồng Nhung, ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai cho biết: “Tôi khá lo vì các cháu chưa tiêm vaccine, nguy cơ lây nhiễm luôn hiện hữu khi ra đường không biết ai là F0. Nhiều người đã tiêm vaccine mắc COVID-19 không có triệu chứng nên phải cảnh giác. Hầu như con tôi chỉ ở trong nhà, không ra ngoài, trừ khi cháu bị ốm phải đến viện hoặc đi tiêm phòng vaccine”.

Bên cạnh những người có ý thức tuân thủ 5K, còn nhiều người chưa thực hiện nghiêm như vẫn đến nơi tụ tập đông người, hoặc không đeo khẩu trang và không có thói quen quét mã QR tại điểm đến. Dạo một vòng tại một số quán cafe ở đường Nguyễn Đình Thi, Phan Đình Phùng vào chiều thứ 7 và chủ nhật, chúng tôi thấy khách khá đông, hầu như thực khách đều không đeo khẩu trang. Tình trạng cũng tương tự ở một số nhà hàng. Anh Phạm Quốc Dũng, một nhân viên nhà hàng cho biết: “Chúng tôi vẫn nhắc nhở khách là đeo khẩu trang, nhưng khách bảo đeo thì làm sao mà ăn, uống được. Có những bàn tiệc khoảng 15-20 người liên hoan, ăn uống chúc tụng diễn ra bình thường, nếu như có F0 thì khó tránh khỏi lây nhiễm”.

Trong những ngày vừa qua, Hà Nội ghi nhận số ca mắc tăng cao, trong đó có nhiều F0 đã tiêm 1 đến 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Vì vậy, theo khuyến cáo của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), các bố mẹ cần phải tuân thủ 5K để tránh bị lây nhiễm và lây sang con mình. Ông Phu cũng dẫn chứng, 85% người đã tiêm vaccine ở TP Hồ Chí Minh nhiễm COVID-19. Trong khi tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội đã đạt khoảng 93%, tuy nhiên chỉ mới gần 70% số này được tiêm đủ 2 mũi. Đặc biệt, với nhóm người trên 50 tuổi tiêm vaccine mũi 1 và mũi 2 lại thấp hơn các nhóm khác. Vì vậy người dân không được chủ quan, phải luôn nghĩ xung quanh mình có thể có F0 để nâng cao ý thức phòng bệnh.

Dự kiến thành lập hơn 500 trạm y tế lưu động chăm sóc F1, F2 tại nhà

Trước tình hình dịch COVID-19 hiện nay tại Hà Nội, nhiều người lo ngại về nguy cơ bùng dịch như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, khó có thể giữ không có ca nào mắc. Về công tác truy vết thì nhanh chóng xét nghiệm những đối tượng tiếp xúc gần, đồng thời người dân cần thực hiện 5K để bảo vệ những người xung quanh mình, gia đình, đồng nghiệp...

Ngày 12/11 vừa qua, Hà Nội đã phải thay đổi cấp độ dịch ở một số xã phường. Trên toàn thành phố, Hà Nội vẫn đang đánh giá dịch COVID-19 ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch COVID-19 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng). 30 quận, huyện, thị xã của TP đều đạt cấp độ 2. Tuy nhiên có 4 xã, phường ở cấp độ 3 (tăng thêm 1 phường) và có duy nhất phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) lên cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ). Theo CDC Hà Nội, xuất hiện từ ngày 9/11 đến ngày 13/11, ổ dịch phường Phú Đô có 91 ca COVID-19. Trong 14 ngày gần đây, có 5 xã, phường ở Hà Nội ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng: Phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm); xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm); xã Yên Thường (huyện Gia Lâm); xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm); phường Cống Vị (quận Ba Đình).

Trước số ca mắc của Hà Nội liên tục tăng cao (có gần 5.800 ca trong đợt dịch thứ 4 và hơn 23 nghìn F1 phải cách ly), nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội nên triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà và phải làm thí điểm thì mới biết bất cập ở đâu. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trong bối cảnh Hà Nội là địa phương tiếp tục có số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng thời gian qua, cần phải tính toán sớm việc cách ly F1 tại nhà.

 

Trước đó, BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội chưa có chủ trương cách ly F1 và điều trị F0 nhẹ tại nhà. Bởi các khu cách ly tập trung của Hà Nội vẫn đảm bảo đủ chỗ cách ly, không bị quá tải. Ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, nếu cách ly tại nhà không tuân thủ chặt chẽ quy định sẽ có nguy cơ lây chéo cho người trong gia đình và cộng đồng. Việc đưa F1 đi cách ly tập trung để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Hà Nội đã dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động, 20 trạm y tế xã lưu động đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Những ngày qua, Sở Y tế Hà Nội đã thực nghiệm một số trạm y tế lưu động trước khi vận hành chính thức. Nhiều quận, huyện của TP đã lên kế hoạch thành lập các trạm y tế lưu động để hỗ trợ theo dõi sức khỏe người cách ly y tế tại nhà trong trường hợp số ca mắc tăng cao. Các trạm y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi, hỗ trợ các trường hợp F1, F2 đang cách ly tại nhà và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn (bên cạnh trạm y tế đang có sẵn).

Hiện nay theo Nghị quyết 128, các địa phương đã nới lỏng các hoạt động cũng như nới lỏng việc đi lại và chấp nhận không thể “Zero COVID”. Vì thế, số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp tục gia tăng. Để bảo đảm sức khỏe cho mình và gia đình, cộng đồng, mỗi người dân cần có ý thức tuân thủ 5K để phòng, chống dịch.

Theo Công an nhân dân

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU