Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Sở dĩ có cam kết công khai này bởi theo Trưởng khoa Công nghệ ô tô Lê Danh Quang, nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất, có nhiều nghề đạt chuẩn quốc tế. Chính vì vậy mà nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp thường tuyển dụng sinh viên của trường ngay từ khi các em nhập học năm thứ nhất. Các em vừa được doanh nghiệp trả học phí vừa được thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp và được trả lương.
TS Lê Danh Quang nhận định, hệ thống giáo dục nghề nghiệp muốn cạnh tranh với các cơ sở giáo dục đại học, thu hút người học chỉ có cách duy nhất là tạo ra những con người có chuyên môn, năng lực lao động thực tế. Bên cạnh đó là học phí phải được hỗ trợ tối đa như: có các chính sách học bổng, giảm học phí.
Theo TS Lê Danh Quang, xu hướng “nhà nhà vào đại học, người người vào đại học” đang đi ngược với thế giới. Hiện, tỉ lệ người học đại học chiếm 70 % - 80%. Do đó, thị trường lao động ở Việt Nam đang thiếu trầm trọng người tham gia trực tiếp quá trình lao động, sản xuất, tạo ra sản phẩm, đặc biệt người có kỹ năng tay nghề cao.
Từ nhu cầu xã hội, TS Quang khẳng định, người học nghề và có kỹ năng tốt thì không bao giờ lo thất nghiệp. Tuy nhiên, chuyên gia đưa lời khuyên: “Dù lựa chọn bất kỳ môi trường học nào, thí sinh hãy chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường trước khi chọn trường. Sau khi chọn trường yêu thích, các em cũng cần tính đến năng lực tài chính”.