VKSND TP.HCM thụ lý vụ bé gái bị bạo hành, mở rộng điều tra vụ án

Vụ án bạo hành bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) đang được dư luận quan tâm và sẽ được đem ra làm án điểm, xét xử nghiêm minh.

Xem toàn bộ diễn biến vụ việc tại đây.

Ngày 1/1, lãnh đạo VKSND TP HCM cho biết VKSND quận Bình Thạnh (TPHCM) đã chuyển toàn bộ hồ sơ bé N.T.V.A. (SN 2013) bị bạo hành lên VKSND TPHCM thụ lý, kiểm sát điều tra theo thẩm quyền. Đồng thời, VKSND TPHCM đang phối hợp với Công an TPHCM củng cố hồ sơ để mở rộng điều tra vụ án.

Hành vi đặc biệt nghiêm trọng

"Vụ án này đặc biệt nghiêm trọng, VKSND quận Bình Thạnh đã chuyển hồ sơ lên VKSND TPHCM trong chiều 1/1. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên ngành tố tụng mở rộng điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật", nguồn tin của Báo Người Lao Động nói.

Khi vụ án xảy ra, Công an quận Bình Thạnh đã bắt khẩn cấp Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995, quê Gia Lai) về tội "Hành hạ người khác"; sau đó khuya 30/12/2021, Công an quận Bình Thạnh tiếp tục bắt Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, cha ruột nạn nhân) để điều tra hành vi đồng phạm. Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo nhanh chóng điều tra, xử lý theo án điểm.

Trang và Thái

Bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam nói: "Tôi rất vui mừng khi các cơ quan tố tụng nhanh chóng vào cuộc mang lại công bằng cho cháu bé vô phúc rơi vào hoàn cảnh tàn nhẫn như vậy. Tôi mong rằng các cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn tất kết luận điều tra, ra cáo trạng truy tố và xét xử để những đối tượng này nhanh chóng trả giá".

Nghe tin Công an quận Bình Thạnh phục hồi được dữ liệu camera an ninh, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ với Báo Người Lao Động: "Rất nhanh chóng và trách nhiệm, tôi ủng hộ các cơ quan chức năng sớm đưa vụ việc ra xét xử để răn đe.

Tôi mong muốn cơ quan tố tụng và các cơ quan tổ chức liên quan làm rõ trong thời gian bé ở chung với cha và người tình của cha thì bé còn bị bạo hành nào khác về tinh thần, ví dụ như mắng chửi chì chiết, hoặc phạt vạ nào khác không? Phải điều tra cho hết những hành vi bạo lực đối với bé cho đến khi làm cho bé chết thì việc buộc tội mới đúng tội danh", bà Nguyễn Thị Hoài Thu nói.

Đủ dấu hiệu tội "Giết người"

Nói về vụ bạo hành, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Văn phòng Luật sư Quỳnh Thi) nhìn nhận: Như thông tin ban đầu là cháu bé tử vong do phù phổi cấp, cơ thể bầm tụ máu, gãy nhiều xương sườn, khu vực phần đầu cũng có vết thương, tụ máu, não phù... thương tích của cháu bé là ở vị trí xung yếu.

Như vậy nếu qua quá trình điều tra, căn cứ kết quả điều tra, mà Cơ quan điều tra xác định bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995, quê Gia Lai) đánh đập trực tiếp vào những vị trí hiểm yếu trên cơ thể bé.

"Chính hành vi này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của cháu bé. Cho dù bị can Trang không có ý thức tước đoạt mạng sống của nạn nhân nhưng khi thực hiện hành vi buộc phải nhận thức được hành vi đánh đập cháu bé vào những vùng nguy hiểm trên cơ thể có khả năng làm cháu bé tử vong, vậy mà vẫn bất chấp hậu quả. Trường hợp này được xác định là lỗi cố ý, để mặc hậu quả xảy ra. Hành vi của bị can Trang như diễn biến là có dấu hiệu của tội 'Giết người', tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017", luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi nói.

Công an TPHCM sẽ làm án điểm vụ án này

Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, thực tế bé A. đã có những vết sẹo trên thái dương may nhiều mũi đã lành, những vết thương trên vai đã làm mủ. Những vết thương này không thể nào mới đánh mà thành, mà là những vết đã lâu mà không được điều trị. Những vết thương cho thấy bị can đã dùng vật tày, hung khí nguy hiểm tác động vào bé, khiến bé phải chịu đau đớn. Đây là những tình tiết mà cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ để xác định mức độ phạm tội của bị can để có thể áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự theo luật định.

Nguyễn Võ Quỳnh Trang

"Bản thân cha của cháu bé cũng cần phải bị nghiêm trị thích đáng với vai trò đồng phạm giúp sức về mặt tinh thần, khi không tìm mọi cách để ngăn chặn hành vi vừa xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em vừa hết sức tàn nhẫn đối với đứa con của mình.

Đây là một hành vi bạo hành, trút cơn giận dữ, sự thù hận vô cớ lên thân thể, tinh thần của trẻ gây tử vong cho trẻ làm dậy sóng dư luận, xã hội xót thương, phẫn nộ, lên án yêu cầu nghiêm trị người gây ra tội ác bằng hình phạt nghiêm khắc nhất. Phán quyết của Toà án có thẩm quyền phải để lại bài học về sự hiểu biết, tuân thủ pháp luật cho những người là cha mẹ, những người có trách nhiệm đạo đức và pháp lý là phải yêu thương, che chở, bảo vệ trẻ", luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi chia sẻ với Báo Người Lao Động.

Theo Người lao động

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU